Hỗ trợ lãi suất cách nào cho hiệu quả?

Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho rằng, thời hạn hỗ trợ chỉ có 8 tháng, không đủ cho “vòng đời của một sản phẩm” bởi  thời gian nhập nguyên liệu, sản xuất, lưu kho, bán hàng, thu hồi vốn… đối với nhiều loại sản phẩm ít nhất cũng phải trên 8 tháng.

Điều này sẽ khiến doanh nghiệp bị “sốc” khi gói hỗ trợ này chấm dứt. Vì lúc đó họ chưa thu hồi được vốn, chưa có tiền trả cho ngân hàng và như vậy cũng sẽ không được vay vốn tiếp.
Không thể phủ nhận những tác động tích cực rõ rệt của gói hỗ trợ lãi suất 4% cho các doanh nghiệp. Thế nhưng, cũng phải thừa nhận rằng, gói hỗ trợ đó không phải là hoàn hảo và gói thứ 2 cần được thiết kế sao cho ít nhất là... tốt hơn gói 1.

Gói thứ nhất: Khiếm khuyết vì… đảo nợ
  Khiếm khuyết này được Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Bùi Thanh Quyến đưa ra tại một hội nghị bàn về gói hỗ trợ thứ nhất và những kiến nghị cho một gói hỗ trợ nếu có trong tương lai với một câu chuyện khá cụ thể. Ông này cho biết, Hải Dương đã có tới gần 5.500 lao động thất nghiệp, nhưng không nhiều doanh nghiệp mặn mà với khoản vay hỗ trợ 4% lãi suất do hầu hết làm hàng xuất khẩu, không thể xoay xở kịp khi quay về thị trường nội địa. Doanh nghiệp đi vay chủ yếu để đảo nợ chứ không đưa vào sản xuất. “Như con ếch đã chui vào giỏ, nhảy ra, chúng ta lại bắt vào. Tính ra có vẻ lớn nhưng đồng tiền không được đưa vào sản xuất là bao”, ông Quyến nói một cách hình ảnh. Đồng quan điểm, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Cao Sĩ Kiêm cho rằng, gói kích cầu thứ nhất chưa đủ liều, chưa thấm vào đâu. Ông này còn đặt ra câu hỏi: “Tình trạng đảo nợ là bao nhiêu?". Ngoài ra nói về gói hỗ trợ này, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho rằng, thời hạn hỗ trợ chỉ có 8 tháng, không đủ cho “vòng đời của một sản phẩm”. Ông tính toán, thời gian nhập nguyên liệu, sản xuất, lưu kho, bán hàng, thu hồi vốn… đối với nhiều loại sản phẩm ít nhất cũng phải trên 8 tháng. Điều này sẽ khiến doanh nghiệp bị “sốc” khi gói hỗ trợ này chấm dứt. Vì lúc đó họ chưa thu hồi được vốn, chưa có tiền trả cho ngân hàng và như vậy cũng sẽ không được vay vốn tiếp. Về phía ngân hàng, sau tháng 12/2009, sẽ khó lòng tránh được việc một số khoản nợ của doanh nghiệp dần dần sẽ bị coi là nợ quá hạn, nếu doanh nghiệp không “đảo nợ” thành công, ngân hàng sẽ phải gánh một khoản nợ xấu… Những điều này không tốt cho sự ổn định của nền kinh tế. Hơn nữa, ông Thành cho rằng, vì gói hỗ trợ này quy định rõ ràng các đối tượng doanh nghiệp được nhận hỗ trợ nên điều này đã tạo ra 2 mặt bằng lãi suất trên thị trường tiền tệ. “Lúc đó lợi ích lại phụ thuộc vào một số cá nhân trong ngân hàng thương mại chứ không hẳn là cho doanh nghiệp hay xa hơn là nền kinh tế” – ông Thành nhận định. Gói thứ 2: Không nên là “bầu sữa” ngân sách Ông Thành cho rằng, Chính phủ nên trợ lực để doanh nghiệp không bị “sốc” nhưng không thể lại lấy ngân sách Nhà nước ra để hỗ trợ được. Vô hình trung, điều đó sẽ làm ngân sách Nhà nước tiếp tục bị thâm hụt. Điều đó không có lợi cho nền kinh tế - ông Thành cho biết. Để giải quyết vấn đề này, theo ông Thành, Ngân hàng Nhà nước nên hạ lãi suất chiết khấu và lãi suất tái cấp vốn cho ngân hàng thương mại với yêu cầu ngân hàng thương mại phải giảm lãi suất cho vay ở mức tương ứng cho doanh nghiệp. Ông cho rằng đây là điều hoàn toàn có thể, vì Ngân hàng Nhà nước có quyền phát hành “tiền bạc và tín dụng”. Hơn thế, Ngân hàng Nhà nước quản lý lưu thông tiền tệ trong nền kinh tế và luôn đủ tiền để nền kinh tế phát triển ổn định và bền vững. Ông Thành còn đưa ra đề nghị rằng, gói hỗ trợ (nếu có) này không nên có thời gian tối đa cũng như có một đối tượng doanh nghiệp cụ thể nào đó. “Ngân hàng thương mại có trách nhiệm giám định dự án của doanh nghiệp với tính khả thi cụ thể và thời gian cho vay đương nhiên sẽ tùy thuộc vòng đời của từng dự án. Hơn nữa, không nên phân biệt doanh nghiệp mà chỉ nên phân biệt dự án”. Đồng tình với việc cần có một giai đoạn chuyển tiếp hậu gói hỗ trợ lãi suất 4%, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia Lê Xuân Nghĩa cho rằng, gói kích cầu đầu tiên không nên cắt đột ngột sau 31/12/2009, mà nên xuống thang từng bước để tránh gây sốc. “Theo tôi, thời gian giảm có thể là 6 tháng, từ 4% cho đến hết quý 2/2010 xuống 0%. Còn về mức độ giảm, có thể lúc đầu giảm nhanh, sau giảm chậm. Hoặc lúc đầu giảm chậm, sau giảm nhanh, tùy theo tình hình lạm phát”, ông Nghĩa nói. Ông Cao Sỹ Kiêm lại đưa ra khuyến cáo, rất nhiều doanh nghiệp đang hy vọng là sẽ có một lượng tiền lớn, dành cho tất cả các doanh nghiệp, nhưng đây là điều không thể xảy ra. Kỳ vọng như thế là rất nguy hiểm. Gói kích cầu mới, nếu có thì chỉ cần bổ sung vào các lĩnh vực cần thiết và các doanh nghiệp cần thiết, quy mô và mức độ hỗ trợ không thể như trước. Gói kích cầu hỗ trợ mới có đối tượng nhỏ hơn, nhưng trọng điểm hơn, lãi suất hỗ trợ ít hơn, không phải 4% mà có thể là 2%. Bên cạnh đó, cần có các chính sách hỗ trợ giảm sốc cho doanh nghiệp để “hạ cánh” một cách an toàn. Cần gói hỗ trợ "đệm" Ông Lê Đức Thúy, Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng sự suy giảm tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đã kết thúc sau quý 1, nền kinh tế đang phục hồi tương đối ấn tượng, nên ngoài gói hỗ trợ hiện nay Chính phủ đang cân nhắc và giao cho các cơ quan thiết kế gói hỗ trợ bổ sung để áp dụng từ năm 2010. Cụ thể gói hỗ trợ là cái gì thì còn đang bàn thảo. Có ý kiến cho rằng nên cân nhắc chọn lọc hơn gói thứ 1 về đối tượng, phạm vi, thời hạn và mức độ nên cũng không thể nói cụ thể nó là bao nhiêu mà sẽ đưa vào đề xuất để Chính phủ xem xét trong kỳ họp tháng 9 này. Nhưng tựu chung lại nó vẫn xoay quanh việc hỗ trợ thông qua chính sách tài chính, tức là chính sách miễn giảm, giãn thuế đối với các doanh nghiệp hoặc thuế đối với cá nhân ở mức độ nào đó vào thời hạn nào đó như năm 2009. Đối với ngân hàng, trong khi tiếp tục chính sách hỗ trợ lãi suất cho vay dài hạn để đầu tư mà quyết định cũ vẫn có hiệu lực đến hết năm 2010 thì sẽ có cân nhắc việc hỗ trợ ngắn hạn cho vay vốn lưu động doanh nghiệp. Có ý kiến cho rằng hỗ trợ 2% và 3 - 6 tháng, phạm vi không phải tất cả doanh nghiệp mà là doanh nghiệp trực tiếp làm hàng xuất khẩu, nông lâm ngư nghiệp làm ra nguyên liệu cho xuất khẩu. Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia đã kiến nghị Thủ tướng nên có một gói hỗ trợ đệm để doanh nghiệp có thể phục hồi một cách bền vững. Cụ thể hơn, vẫn đang suy nghĩ nên qua lãi suất nhưng phải giải quyết được mâu thuẫn, khó khăn cho ngân hàng vì nếu huy động vốn không được thì cũng không có vốn để cho vay, mà huy động vốn với mức lãi suất xấp xỉ trần lãi suất cho vay thì ngân hàng cũng không hoạt động nổi. Ngược lại, về phía doanh nghiệp, mức lãi suất hỗ trợ trần cao hơn thì coi như không hỗ trợ, mà với mức lạm phát 6 - 7% thì không có lý do gì để nâng lãi suất huy động và cho vay lên cao hơn mức hiện nay vì lãi suất thực dương như vậy là quá cao. Chính vì vậy phải kết hợp một cách khôn khéo chính sách tiền tệ, tài khóa./.
Bài viết này được đăng tải theo thỏa thuận bằng văn bản giữa tạp chí Doanh Nhân thuộc VCCI và Vietnam+.
(Doanh nhân/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục