Hỗ trợ lãi suất cho vay: Ngân hàng sẵn sàng

Sau một tuần hưởng ứng Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, các ngân hàng lớn, "anh cả" trong hệ thống tài chính trong nước như Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), Ngân hàng cổ phần Á Châu (ACB) đang triển khai mạnh chương trình cho vay kích cầu.

Sau một tuần hưởng ứng Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, các ngân hàng lớn, "anh cả" trong hệ thống tài chính trong nước  như Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), Ngân hàng cổ phần Á Châu (ACB) đang triển khai mạnh chương trình cho vay kích cầu.

Cùng với đó, các doanh nghiệp cũng "rộn ràng" xúc tiến các thủ tục vay vốn để bắt đầu "vượt bão".

Hăng hái tiên phong

Ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư hướng dẫn hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp theo chương trình kích cầu 17.000 tỷ đồng của Chính phủ, BIDV đã hoàn tất các khâu chuẩn bị và sẵn sàng triển khai.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, BIDV đang có các đợt tập huấn trên toàn hệ thống. Theo dự kiến, trong tháng 2, BIDV sẽ hoàn tất ký hợp đồng tín dụng với tất cả khách hàng thuộc diện bù lãi suất có nhu cầu vay vốn.

Theo ước tính ban đầu, lượng vốn cho vay với các đối tượng thuộc diện hỗ trợ trong năm nay khoảng 65.000 đến 68.000 tỷ đồng; trong đó, phần bù lãi suất thông qua ngân hàng là 2.500 đến 2.800 tỷ đồng, chiếm 15% tổng gói kích cầu của Chính phủ.

Đi sau BIDV là Techcombank với gói cho vay kích cầu khoảng 50.000 tỷ đồng. Mức lãi suất sau hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong nước sẽ dao động từ 5 đến 6%/năm trong vòng 12 tháng.

Tiếp đến, ACB cũng thiết kế chương trình cho vay kích cầu với khoảng 35.000 tỷ đồng, trong đó ACB sẽ hướng tới các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu.

Lãi suất với các khoản tài trợ xuất khẩu bằng VND, sau khi giảm 4% chỉ còn 2% trong khi lãi suất với các hợp đồng vay vốn sản xuất kinh doanh trong nước dao động thấp nhất là 5-5,5%/năm. Đối với các công ty hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu lương thực, thu mua lúa gạo, ACB cam kết dành 200 triệu USD cho vay theo hình thức tín chấp và phải chấp nhận để ngân hàng tham gia kiểm soát sự luân chuyển của nguồn vốn.

Ngân hàng Phát triển nhà Thành phố Hồ Chí Minh (HDBank) cũng có thông báo việc tổ chức thực hiện cho vay hỗ trợ lãi suất 4%/năm. Các tổ chức, cá nhân vay vốn tại HDBank sẽ được hỗ trợ lãi suất 4%/năm để thúc đẩy thực hiện các phương án sản xuất, kinh doanh. Loại cho vay được hỗ trợ lãi suất là các khoản cho vay ngắn hạn (thời hạn cho vay đến 12 tháng) bằng VND theo các hợp đồng tín dụng được ký kết và giải ngân trong khoảng thời gian từ ngày 1/2 đến 31/12.

Không chỉ có ngân hàng trong nước mới ráo riết thực hiện chương trình này, nhiều ngân hàng thương mại nước ngoài cũng đang chuẩn bị kế hoạch cho vay để đăng ký với Ngân hàng Nhà nước.

Theo ông Nguyễn Đức Hưởng, Tổng Giám đốc Ngân hàng Liên Việt (LienVietBank), các ngân hàng cũng được hưởng lợi từ chương trình bù lãi suất của Chính phủ. Mặc dù vậy, một số ngân hàng vẫn lo ngại sẽ lỗ ngược nếu xảy ra tình trạng giải ngân chậm.

Vì vậy, ông Hưởng đề xuất sau 3 tháng triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất của Chính phủ, nên có đợt sơ kết 17.000 tỷ đồng đã được sử dụng đến đâu, hiệu quả ra sao, trên cơ sở đó đưa ra những biện pháp mới thích hợp hơn. Khi kết thúc chương trình, cũng có đợt tổng kiểm tra và kỷ luật mạnh những trường hợp sai phạm.

Vẫn thờ ơ với “thuốc tăng lực”

Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về hỗ trợ bù lãi suất 4% với doanh nghiệp vay vốn lưu động để sản xuất, kinh doanh, cảm xúc chung của các doanh nghiệp trong nước là phấn khởi và chuẩn bị sẵn sàng các thủ tục để được vay vốn nhanh nhất. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp xuất khẩu do đơn hàng bị thu hẹp, sản phẩm xuất khẩu bị sụt giá, nên vẫn e dè tiếp cận vốn vay mặc dù được hỗ trợ.

Ông Vũ Thái Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Thạnh Sơn cho biết các doanh nghiệp trong ngành điều xuất khẩu đang đứng trước khó khăn sụt giảm giá sản phẩm. Lãi suất vay thấp doanh nghiệp phấn khởi nhưng vấn đề quan trọng nhất vẫn là đầu ra, thị trường tiêu thụ còn bế tắc.

Thể hiện sự hờ hững với vốn vay rõ nhất là các doanh nghiệp trong ngành dệt may, giày da khi trống vắng các đơn hàng. Vấn đề vay vốn hiện nay chỉ thực sự cấp bách đối với số ít doanh nghiệp đang đầu tư dang dở máy móc thiết bị. Những công ty này trước phải tạm ngưng đầu tư do gặp lúc lãi suất tăng cao, điều kiện cho vay thắt chặt; nay có cơ hội sử dụng nguồn vốn giá rẻ lại tiếp tục trang bị máy móc theo kế hoạch.

"Trên thực tế, chỉ có khoảng trên dưới 10% doanh nghiệp trong ngành thực sự có nhu cầu vay vốn ngân hàng để phục vụ sản xuất kinh doanh", lãnh đạo một tập đoàn dệt may tại Thành phố Hồ Chí Minh nhận định.

Ông Lê Đông Triều, Tổng Giám đốc Công ty dệt may Gia Định cho rằng những chính sách hỗ trợ của Chính phủ giúp ích nhiều cho doanh nghiệp như ngành may mặc đang bị cạnh tranh về giá gia công cũng như việc giảm sút các đơn hàng, cùng với việc mở rộng thị trường bán lẻ trong nước. Việc bù lãi suất 4% sẽ đóng vai trò rất quan trọng trong khuyến khích doanh nghiệp tái mở rộng sản xuất.

Giám đốc Công ty TNHH một thành viên thương mại Miền Nam (T.B.H) Đinh Ngọc Chính cho biết hiện tại một số doanh nghiệp triển khai việc ký kết hợp đồng xuất khẩu gạo. Nhu cầu về vốn đang khá bức thiết để đáp ứng cho việc thu mua, chuẩn bị lượng hàng của các hợp đồng vừa ký. Giá gạo đang bị đẩy lên do chưa vào vụ thu hoạch, nguồn hàng bị hạn chế. Khoảng một tháng nữa, khi nông dân bắt đầu thu hoạch, nhu cầu về vốn vay của các doanh nghiệp sẽ tăng đột biến nên việc được bù lãi suất vay 4% là rất kịp thời.

Nhiều doanh nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng ngoài gói giải pháp kích cầu lãi suất và hỗ trợ thuế của Chính phủ, lãnh đạo thành phố cần thông qua vai trò các hiệp hội, ngành nghề tổ chức thêm các hoạt động hỗ trợ xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư, mở rộng thị trường mới; đồng thời phát động khai thác thị trường nội địa một cách bài bản./.

(Tin tức/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục