Hỗ trợ lãi suất mua máy móc: Vì sao giải ngân chậm?

Sau gần 4 tháng thực hiện, con số giải ngân của chương trình hỗ trợ lãi suất vốn vay đối với khu vực nông thôn để mua máy móc chỉ đạt 0,2% tổng dư nợ.
Chính sách hỗ trợ lãi suất vốn vay trung và dài hạn của Chính phủ đối với khu vực nông thôn để mua máy móc, thiết bị, vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp và vật liệu xây dựng nhà ở khu vực nông thôn… đã được triển khai gần 4 tháng.

Tuy nhiên đến nay, dư nợ cho vay hỗ trợ lãi suất trung và dài hạn mới chỉ đạt 0,2% tổng dư nợ cho vay được hỗ trợ lãi suất.

Vốn “treo”, nông dân đợi

Quyết định 497/2009/QĐ-TTg được coi là đòn bẩy cho cơ giới hóa nông nghiệp, là động lực kích cầu đầu tư hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, giúp cho nông dân có điều kiện mua máy móc phục vụ sản xuất, nâng cao đời sống, cải thiện bộ mặt nông thôn.

Tuy nhiên, sau gần 4 tháng thực hiện, con số giải ngân của chương trình đạt rất thấp. Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tính đến tháng 8/2009, dư nợ hỗ trợ lãi suất theo Quyết định 497 chỉ đạt 812,26 tỷ đồng, chiếm vỏn vẹn 0,2% trong tổng dư nợ được hỗ trợ lãi suất.

Lý giải cho vấn đề này, chi nhánh Ngân hàng Nhà nước ở một số tỉnh cho biết, nhiều nơi nông dân không thể tiếp cận nguồn vốn ưu đãi vì thủ tục, quy định quá chặt. Đối với nhiều nông dân, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã được đem đi thế chấp ngân hàng ở những khoản vay trước đây, nay muốn vay hỗ trợ lãi suất thì không có sổ đỏ hoặc nếu có, giá trị tài sản thế chấp cũng không đủ để ngân hàng duyệt cho vay mua máy móc thiết bị sản xuất nông nghiệp.

Mặt khác, đối với các món vay thuộc đối tượng bắt buộc phải có hóa đơn theo quy định của Bộ Tài chính hoặc phiếu xuất kho,... nhưng khách hàng vay vốn, vốn là nông dân quen mua bán “trao tay”, ít khi lấy “hóa đơn đỏ”, do đó không có chứng từ chứng minh mục đích sử dụng vốn vay nên ngân hàng thương mại không thể cho vay có hỗ trợ lãi suất.

Về các quy định vay vốn, để được hưởng lãi suất hỗ trợ, nông dân phải mua máy móc lắp ráp trong nước có tỉ lệ nội địa hóa từ 40% trở lên, trong khi ngoài thị trường những loại nông cụ đạt tỉ lệ nội địa trên rất ít. Các ngân hàng sợ làm sai quy định nên không dám cho vay.

“Nút thắt chính khiến các ngân hàng không thể giải ngân được là do các máy móc thiết bị mà người nông dân muốn mua không đủ điều kiện để vay tiền theo chương trình hỗ trợ lãi suất”, ông Nguyễn Thanh Toại, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Á Châu (ACB) cho biết. Hơn nữa, ngoài tài sản thế chấp, lập kế hoạch sử dụng máy móc, vật tư, nông dân phải mua hàng tại các điểm bán hàng cố định.

Về phía doanh nghiệp bán hàng phải công khai nội dung đăng ký kèm theo niêm yết giá bán trong khi giá cả thị trường luôn biến động nên các doanh nghiệp cũng không tham gia tích cực.

Tại tỉnh Bến Tre, Quyết định 497 của Thủ tướng Chính phủ được thực hiện hơn 2 tháng nhưng nông dân vẫn chưa “mặn mà" với chương trình này, mới có 53 khách hàng vay 1,7 tỉ đồng, dư nợ chiếm 0,5%.

Một trong các nguyên nhân là số tiền vay không được nhiều: 7 triệu đồng/ha để mua vật tư nông nghiệp và 5 triệu đồng/hộ mua vật liệu xây dựng nhà ở mà phải có hóa đơn, chứng từ...

Về vấn đề thủ tục, ông Toại khẳng định, mỗi ngân hàng có các điều kiện cho vay khác nhau nhưng dù thế nào thì cũng là để đảm bảo các khoản vay được an toàn, trả nợ đúng hạn. Còn về hóa đơn, chứng từ chứng minh xuất xứ hàng hóa, nếu không có các giấy tờ này thì các ngân hàng không thể định giá sản phẩm để cho vay.

Không thiếu vốn

Lãnh đạo nhiều ngân hàng khẳng định không thiếu vốn để cho vay, tuy nhiên trong bối cảnh thị trường còn nhiều khó khăn, lãi suất huy động đã lên rất cao, vì vậy rủi ro đối với việc phát triển tín dụng trung và dài hạn rất lớn, khiến ngân hàng “đắn đo” giải ngân vốn trung và dài hạn.

Hơn nữa, việc Ngân hàng Nhà nước quyết định hạ tỷ lệ sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung hạn và dài hạn đối với các tổ chức tín dụng từ 40% xuống còn 30% cũng là một trong những lý do khiến các ngân hàng phải cân nhắc khi cho vay trung và dài hạn. Ngoài ra, “khách hàng chưa mặn mà tiếp cận vốn ngân hàng để đầu tư vì đầu ra của sản phẩm còn hạn chế.

Về phía ngân hàng thì không có lý do gì để từ chối cung ứng vốn cho những khách hàng có dự án kinh doanh khả thi và hiệu quả”, ông Phạm Quốc Thanh, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng An Bình (ABBank) nhận xét.

Một thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng, để việc tổ chức thực hiện chính sách kích cầu đầu tư và tiêu dùng ở khu vực nông nghiệp - nông thôn nhanh chóng đi vào cuộc sống, sớm đem lại hiệu quả tích cực, rất cần các ngân hàng thương mại tiếp tục cải tiến quy trình, thủ tục thẩm định dự án vay vốn, giải ngân vốn vay nhanh chóng, kịp thời theo nhu cầu người vay; không được thu thêm bất kỳ khoản phụ phí nào chưa được pháp luật quy định.

Các doanh nghiệp trong nước sản xuất ra máy móc, thiết bị phục vụ nông nghiệp cần nghiên cứu thực tiễn sản xuất để cải tiến nâng cao chất lượng sản phẩm, hạ giá thành, giảm giá bán hợp lý; tăng cường đội ngũ cán bộ kỹ thuật, hướng dẫn nông dân vận hành máy móc, thiết bị cơ giới; thực hiện tốt chính sách hậu mãi, bảo dưỡng, sửa chữa các sản phẩm đã bán cho khách hàng.

Một số tỉnh kiến nghị đối với máy móc thiết bị, đề nghị chỉ cần xác định xuất xứ hàng hóa có nhãn hiệu sản xuất tại Việt Nam. Các nhu cầu vay vốn cao hơn mức tối đa có hỗ trợ lãi suất như chi phí sản xuất/ha lúa, mức cho vay có hỗ trợ lãi suất trong xây dựng nhà ở nông thôn, đề nghị ngân hàng vẫn được cho vay nhưng khi hỗ trợ chỉ tính hỗ trợ lãi suất theo quy định.../.
(Tin tức/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục