Hỗ trợ người lao động mất việc: Dè chừng lỗ hổng

Ngày 23/2, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 30/2009/QĐ-TTg về việc hỗ trợ đối với người lao động mất việc làm trong doanh nghiệp gặp khó khăn do suy giảm kinh tế. Chính sách ra đời với những giải pháp hỗ trợ vốn, lương, và học nghề. Mặc dù vậy, hiệu quả của chính sách có thể bị ảnh hưởng do những lỗ hổng trong quản lý và triển khai.

Ngày 23/2, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 30/2009/QĐ-TTg về việc hỗ trợ đối với người lao động mất việc làm trong doanh nghiệp gặp khó khăn do suy giảm kinh tế. Chính sách ra đời với những giải pháp hỗ trợ vốn, lương, và học nghề. Mặc dù vậy, hiệu quả của chính sách có thể bị ảnh hưởng do những lỗ hổng trong quản lý và triển khai.

Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội), ông Nguyễn Đại Đồng khẳng định, thực trạng mất việc hoàn toàn “không trầm trọng”. như một số báo đã nêu. Thống kê tính tới 23/1 từ các địa phương gửi đến Cục Việc làm cho thấy, có 66.700 người mất việc. Theo Cục này, dự kiến, trong sáu tháng đầu năm 2009, số mất việc cao nhất có thể là 300.000 người. Sáu tháng cuối năm nhiều khả năng kinh tế dần dần phục hồi. Mặc dù vậy, con số mất việc vẫn có thể tăng do ảnh hưởng từ trước đó. Như vậy, số mất việc cao nhất có thể là 400.000 người.

Mặc dù vậy, ông cũng công nhận tình trạng: “Các doanh nghiệp chỉ báo cáo số mất việc mà không báo cáo số được nhận vào làm việc”.

Lo tiền... lạc chỗ

Theo ông Đồng, cũng khó chắc chắn việc tiền hỗ trợ có thực sự đến với người lao động mất việc hay không. Chúng ta hoàn toàn chưa có một hệ thống quản lý quốc gia về lao động. Vì vậy, nếu người lao động chỉ khai mất việc mà không khai đã có việc mới thì nguy cơ trợ cấp nhầm người có việc hoàn toàn có thể xảy ra.

Theo kinh nghiệm các nước, trong đó có Trung Quốc, để quản lý lao động, họ dùng cách quản lý theo thẻ lao động. Đây là loại giấy tờ có các thông số của chủ thẻ, là “chứng minh thư” để đi tìm việc làm. Tuy nhiên, việc này theo ông Đồng, phải chờ sau khi Luật Lao động sửa đổi bổ sung thông qua, sớm nhất vào năm 2010.

Quyết định này có điều khoản quy định việc cho vay ưu đãi với các doanh nghiệp gặp khó khăn do suy giảm kinh tế mà phải giảm số lao động từ 30% hoặc từ 100 lao động trở lên, và sau khi đã sử dụng các nguồn của doanh nghiệp mà vẫn chưa có khả năng thanh toán tiền lương, đóng bảo hiểm xã hội và trợ cấp mất việc, mà làm hoặc trợ cấp thôi việc cho số lao động đã giảm. Những doanh nghiệp này được vay tối đa số kinh phí để thanh toán tiền nợ lương, đóng bảo hiểm xã hội và trợ cấp mất việc hoặc thôi việc cho người lao động mất việc với lãi suất 0%.

Tuy nhiên, theo ông Đồng: “Nếu cả doanh nghiệp lẫn người lao động bắt tay nhau để làm hợp đồng lao động khống nhằm có được khoản vay này, thì nhà quản lý cũng chỉ có cách... cho vay nếu không chứng minh được họ phạm pháp”'. Thực tế cũng cho thấy nguy cơ vay tiền này rất cao, vì hiện nay, để trốn đóng bảo hiểm xã hội nhiều doanh nghiệp đã dùng 2 bảng lương khác biệt: Một cho người lao động, một cho nhà quản lý. Như vậy, tiền có nguy cơ đi lạc sang túi một số doanh nghiệp không đúng đối tượng.

Thêm vào đó, theo quy định của Quyết định 30/2009/QĐ-TTg, chỉ người lao động mất việc kể từ năm 2009 mới được nhận tiền hỗ trợ. Trong khi đó, số người mất việc trong doanh nghiệp gặp khó khăn do suy giảm kinh tế, từ cuối 2008, đã xuất hiện những đối tượng như vậy. Nếu đối tượng quy định được mở rộng linh hoạt hơn, họ đã có thể trở thành đối tượng của chính sách.

Nguy cơ lỡ dịp tái cơ cấu nghề

Quyết định cũng quy định về việc người lao động mất việc làm năm 2009 do doanh nghiệp gặp khó khăn, hoặc chủ doanh nghiệp bỏ trốn sẽ được vay vốn để học nghề theo Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg về tín dụng đối với học sinh, sinh viên trong thời gian 12 tháng, kể từ ngày mất việc làm.

Theo các chuyên gia lao động, việc làm, khủng hoảng việc làm chính là một cơ hội để tái cơ cấu ngành nghề. Cũng vì thế, trong số chính sách của Chính phủ có chính sách đào tạo nghề. Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cũng được giao xây dựng đề án dạy nghề cho người thất nghiệp trong giai đoạn này. Cho tới thời điểm này, theo ông Đồng, việc soạn thảo đề án vẫn chưa hoàn thành.

Một dự án đào tạo nghề để tái cơ cấu nghề muốn có hiệu quả, cần xác định rõ những nghề nào sẽ có nhu cầu lớn trong thời gian tới. Theo bà Nguyễn Thị Lan Hương, Viện phó Viện Khoa học Lao động và Xã hội, trước mắt, trong đào tạo nghề, chúng ta nên chú trọng vào những ngành có lợi thế tương đối như dệt may, da giầy. Mặc dù vậy, nếu tính tới tương lai, chúng ta nên tập trung vào những nghề dịch vụ, Việt Nam có ưu thế như: Giúp việc nhà, chăm sóc sức khoẻ người già trong gia đình, du lịch...

Mặc dù vậy, cho tới nay chưa có nghiên cứu nào được đưa ra để xác định tỷ lệ cần thiết giữa các ngành nghề sẽ được đào tạo. Để thực hiện chính sách đúng hướng của Chính phủ về đào tạo nghề, việc thiếu con số chiến lược này sẽ khiến chương trình hành động khó đi vào đời sống.

Về việc lao động dội lại về nông thôn, cũng còn ý kiến trái chiều. Nếu như Viện Nghiên cứu khoa học dạy nghề (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho rằng, lao động quay về nông thôn kéo theo thiếu việc thì Cục Việc làm lại đánh giá lao động quay lại là do địa phương của họ có thêm khu công nghiệp mới. Căn cứ số lượng các khu công nghiệp mới hình thành, có thể thấy ý kiến của Viện có sức thuyết phục hơn.

Rõ ràng, việc triển khai chính sách đúng đắn về dạy nghề của Chính phủ đang đứng trước khó khăn là chưa có chương trình hành động hợp lý. Điều này, còn dẫn đến một nguy cơ khác là bỏ lỡ dịp tái cơ cấu lại ngành nghề./.

Kiều Trinh (Tin tức/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục