Hỗ trợ người nghèo: Cần dự báo biến động vĩ mô

Đầu tư nghiên cứu để có các dự báo chính xác hơn về các biến động vĩ mô, có các phương án dự phòng về chính sách nếu tình hình thực tế vượt ra ngoài khả năng dự báo là một trong những giải pháp được các chuyên gia đề xuất nhằm giảm thiểu ảnh hưởng của suy giảm kinh tế đến người nghèo và việc làm.

Đầu tư nghiên cứu để có các dự báo chính xác hơn về các biến động vĩ mô, có các phương án dự phòng về chính sách nếu tình hình thực tế vượt ra ngoài khả năng dự báo là một trong những giải pháp được các chuyên gia đề xuất nhằm giảm thiểu ảnh hưởng của suy giảm kinh tế đến người nghèo và việc làm.
 
Tại hội thảo ngày 10/6, ở Hà Nội do Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức, ông Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn dẫn kết quả nghiên cứu mới đây tại 4 tỉnh An Giang, Bình Thuận, Lạng Sơn và Nam Định cho thấy suy giảm kinh tế đã khiến trung bình mỗi tỉnh có gần 22% lao động di cư từ thành phố trở về nông thôn và hơn 17% lao động xuất khẩu phải về nước trước thời hạn. Trong số này, chỉ có trên 11% số lao động di cư trở về tìm được việc làm mới.
 
Trong khi đó, ở nông thôn, trung bình 15,4% số cơ sở sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp ở những địa phương này phải ngừng hoạt động từ đầu năm 2009 đến nay do không bán được sản phẩm, 8% cơ sở giảm quy mô lao động.
 
Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy tỷ lệ hộ nghèo nói chung tại 4 tỉnh tuy có giảm 7,2% so với năm 2008, nhưng ở các xã đặc biệt khó khăn thì số hộ nghèo đói vẫn tăng lên.
 
Kết quả này đòi hỏi cần có "một hệ thống giám sát thông tin để nắm bắt chính xác diễn biến sản xuất, đời sống người dân ở nông thôn và có cơ chế điều chỉnh chính sách kịp thời trước những tác động bất lợi của khủng hoảng kinh tế," ông Sơn nói.
 
Dự báo tình hình nghèo đói thời gian tới sẽ diễn biến phức tạp do tính bền vững của giảm nghèo chưa cao và còn phải phụ thuộc vào tình hình hồi phục kinh tế, bà Vũ Thị Hồng Lê, Vụ Lao động, văn hóa, xã hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng cùng với việc tiếp tục triển khai các chính sách an sinh xã hội thời gian qua, Nhà nước cần xúc tiến nghiên cứu, hình thành mạng lưới an sinh xã hội phù hợp với yêu cầu phát triển trong giai đoạn tiếp theo của nền kinh tế, bảo đảm tiếp cận đến với tất cả người dân.
 
Bà Lê cũng kiến nghị cần sớm nghiên cứu điều chỉnh chuẩn nghèo mới để tăng tính bền vững của công tác xóa đói giảm nghèo.
 
Liên quan đến vấn đề việc làm, bà Lê cho rằng công tác thống kê lao động-việc làm cần được tăng cường để tạo điều kiện thuận lợi cho công tác điều hành các giải pháp. Bên cạnh đó, việc quản lý chặt lao động nước ngoài, hạn chế tình trạng du nhập lao động phổ thông cũng là một biện pháp để tăng cường việc làm cho lao động trong nước.
 
Kết quả điều tra khảo sát ở 6 tỉnh, thành phố trọng điểm do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tiến hành cho thấy hiện có khoảng 75.000 lao động nước ngoài đến làm việc tại Việt Nam, tương đương với con số lao động Việt Nam xuất khẩu ra nước ngoài trong một năm là điều “đáng quan tâm,” bà Lê nhận định./.
 
Hồng Hạnh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục