Hỗ trợ nông nghiệp bền vững thích ứng với khí hậu

“Ngay bây giờ trước khi quá muộn, bài học từ những người nông dân thích ứng với biến đổi khí hậu” - đó là lời kêu gọi trong báo cáo mà Tổ chức ActionAid công bố ngày 9/12 tại Hà Nội.

“Ngay bây giờ trước khi quá muộn, bài học từ những người nông dân thích ứng với biến đổi khí hậu” - đó là lời kêu gọi trong báo cáo mà Tổ chức ActionAid công bố ngày 9/12 tại Hà Nội.

Theo ActionAid, những tác động của biến đổi khí hậu rất nghiêm trọng, vì thế hỗ trợ nền nông nghiệp bền vững thích ứng với khí hậu là chìa khóa thúc đẩy nông dân tăng sản xuất lương thực.

Trong khuyến nghị các chiến lược thích ứng với thay đổi khí hậu, AcitionAid cho rằng, nên đưa các chương trình, chính sách liên quan đến lương thực, nông nghiệp vào chiến lược phát triển kinh tế, xã hội các địa phương.

Nghiên cứu tình hình tại Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Ninh, Chủ tịch mạng lưới dân sự xã hội về biến đổi khí hậu cho biết, Việt Nam nằm ở trọng tâm bão lớn nhất của Tây Bắc Thái Bình Dương.

Tại Hà Tĩnh, nhiệt độ mùa hè năm qua nóng hơn, kéo dài hơn, những ngày nắng nóng, nhiệt độ có thể lên tới 42oC. Trước đây, lụt bão thường xảy ra vào tháng 9-11, nay từ tháng 8 kéo dài đến tháng 12. Lũ có cường suất lớn, dòng chảy mạnh…

Biến đổi khí hậu không còn là hiện tượng thiên nhiên, những rủi ro về sinh thái đã tác động đến hệ thống xã hội, an ninh lương thực…Với 1km đê chịu được bão cấp 10, tốn 38 tỷ đồng, nếu cấp 12 sẽ là 138 tỷ đồng. Mưa lũ làm khả năng tự đáp ứng lương thực của người dân giảm 12%.

Biến đổi khí hậu khiến nông nghiệp dễ bị tổn thương nhất, đặc biệt, tại vựa lúa Đồng bằng sông Cửu Long nơi có tần suất, cường độ bão tăng 30%.

Dựa trên thực tế Việt Nam, tổ chức liên chính phủ IPCC cho rằng, các số liệu quan trắc cho thấy, biến đổi khí hậu khiến nhiệt độ năm 2001-2005 tăng cao hơn 1961-1990 là 0,44oC.

IPCC đưa ra 6 kịch bản biến đổi khí hậu thế kỷ 21. Dự báo nhiệt độ ở Việt Nam sẽ tăng lên 1,5oC, ảnh hưởng đến nông nghiệp và tài nguyên nước, khiến dòng chảy kiệt giảm -2,0% đến -25%, dòng chảy lũ tăng -5,0% -15%, xâm nhập mặn gia tăng. Nhiệt độ khí hậu sẽ ảnh hưởng khoảng 3-15% đến sản lượng lương thực.

Tiến sĩ Ninh cho rằng, hậu quả bão lũ những năm qua cho thấy cách tiếp cận của các địa phương là không hiệu quả. Nếu có chỉ dẫn cụ thể bằng công nghệ thông tin, trên điện thoại di động đường nào về nhà, khu vực nào nguy hiểm… số người thiệt mạng trong đợt mưa lũ tại Hà Nội vừa qua không lớn như vậy.

Tiến sĩ Ninh cho rằng, vai trò của xã hội dân sự hết sức quan trọng. Việt Nam cần có cách tiếp cận mới theo nhiều hướng, đa chiều, giảm tối đa thiệt hại. Hệ thống đó phải dựa trên nền tảng thông tin, với hệ thống xã hội thông minh, phản ứng nhanh, sáng tạo với mọi biến đổi.

Đồng thuận với ý kiến của tiến sĩ Ninh, giáo sư Nguyễn Trọng Hiệu, Trung tâm khí tượng thuỷ văn và môi trường nói thêm, "cần chú trọng cảnh báo của IPCC, đặc biệt lưu ý diễn biến khí hậu và nước biển dâng cao".

Những biến đổi trên sẽ tác động xấu tới nông nghiệp. Ở vùng vĩ độ cao và trung bình, năng suất cây lương thực tăng nhẹ. Ở những vùng vĩ độ thấp, nhiệt đới gió mùa, năng suất lương thực sẽ giảm, khả năng thích nghi của cây á nhiệt đới thu hẹp.

Đối mặt với mối đe doạ này, người nông dân đang tìm kiếm hướng giải quyết vấn đề suy giảm sản lượng lương thực, nghèo đói gia tăng bằng việc điều chỉnh các kỹ thuật nông nghiệp bền vững.

Tuy nhiên, tác động của biến đổi khí hậu sẽ giúp mở rộng phạm vi thích nghi của cây nhiệt đới. Ở những địa phương có thời vụ ngặt nghèo, những hạn chế này sẽ được cải thiện khi lượng CO2 tăng.

“Chúng ta có thể sử dụng những loại cây dạng tảo để giảm tác động từ biến đổi khí hậu”, giáo sư Hiệu đề xuất.

Các khảo sát của ActionAid khẳng định, sự giảm sút về sản lượng lương thực do ảnh hưởng khí hậu đang xảy ra. Chỉ tiêu nông nghiệp phải được tăng thêm theo định hướng cải thiện hạ tầng cơ sở nông nghiệp, tăng cường vai trò của chính quyền địa phương.

“Việt Nam cần mở rộng phạm vi hoạt động môi trường, nhất là những cộng đồng dễ bị tổn thương, các đối tượng diện nghèo,” ActionAid kêu gọi.

Hải Vân (Việt Nam+)

Tin cùng chuyên mục