Hỗ trợ sử dụng tần số vô tuyến điện ở vùng xa

Chiều 18/6, Quốc hội làm việc tại Hội trường dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cho ý kiến vào một số nội dung còn có ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Tần số vô tuyến điện.

Chiều 18/6, Quốc hội làm việc tại Hội trường dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cho ý kiến vào một số nội dung còn có ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Tần số vô tuyến điện.

Cho ý kiến vào dự thảo Luật Tần số vô tuyến điện, đại biểu Lê Văn Cuông (Thanh Hóa) và nhiều đại biểu khác đề nghị bổ sung vào Điều 5 dự thảo Luật một khoản quy định các giải pháp hỗ trợ việc khai thác và sử dụng tần số vô tuyến điện cho các khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo và phục vụ quốc phòng, an ninh.

Các đại biểu cho rằng việc này cũng thể hiện rõ những hoạt động nhà nước ưu tiên sử dụng tần số vô tuyến điện phục vụ quốc phòng, an ninh, phục vụ lợi ích công cộng...

Đa số đại biểu cho rằng việc xây dựng và ban hành Luật Tần số vô tuyến điện là cần thiết, góp phần hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng tần số vô tuyến điện. Theo các đại biểu, về cơ bản, nội dung của dự thảo Luật có tính khả thi cao, tạo hành lang pháp lý tăng cường quản lý nhà nước về tần số vô tuyến điện, đáp ứng yêu cầu hội nhập và tình hình phát triển đất nước.

Các quy định của dự thảo Luật giải quyết phần lớn những vấn đề bất cập của pháp luật trong lĩnh vực tần số vô tuyến điện. Tần số vô tuyến điện là tài nguyên quý hiếm của quốc gia, đang được sử dụng rộng rãi trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Do vậy, tần số vô tuyến điện cần được quản lý, sử dụng một cách khoa học và hiệu quả hơn, đáp ứng nhu cầu sử dụng ngày càng tăng trong tương lai.

Cho ý kiến vào vấn đề cơ quan quản lý chuyên ngành về tần số vô tuyến điện quy định tại khoản 4, Điều 7 dự thảo luật, đại biểu Vũ Văn Hiến (Hậu Giang), Trần Thị Hoa Ry (Bạc Liêu), Lê Văn Cuông (Thanh Hóa) và nhiều đại biểu khác cho rằng, cần có điều riêng quy định rõ hơn về vai trò, vị trí và chức năng của cơ quan quản lý chuyên ngành về tần số vô tuyến điện. Hoạt động quản lý tần số không chỉ liên quan đến lĩnh vực kinh tế-xã hội mà còn liên quan đến lĩnh vực an ninh, quốc phòng và bảo vệ quyền lợi quốc gia về tần số vô tuyến điện. Trong nhiều trường hợp cần phải giải quyết các tình huống có tính cấp bách, vì vậy cơ quan quản lý phải có vai trò, vị trí pháp lý đủ mạnh để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quản lý được giao.

Trong một số luật thông qua gần đây vẫn có quy định về tổ chức dưới Bộ, phụ thuộc vào tầm quan trọng của tổ chức đó. Mặt khác, hoạt động quản lý và sử dụng tần số vô tuyến điện liên quan đến tất cả các lĩnh vực kinh tế-xã hội, đặc biệt là bảo đảm an ninh, quốc phòng, là một hoạt động rất nhạy cảm, có tính kỹ thuật cao, do đó quy định chức năng nhiệm vụ của tổ chức này vào luật là xác đáng.

Theo các đại biểu ở phần lớn ở các nước có trình độ quản lý, sử dụng và khai thác tốt tần số vô tuyến điện đều có tổ chức này. Việc thành lập cơ quan lý chuyên ngành về tần số vô tuyến điện là phù hợp với các cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO về việc minh bạch hóa các chính sách quản lý tài nguyên viễn thông. Đại biểu Trần Thị Hoa Ry đề nghị quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, địa vị pháp lý của cơ quan này trong dự thảo Luật.

Vấn đề thanh tra chuyên ngành tần số vô tuyến điện quy định tại Điều 8 dự thảo Luật nhận được nhiều ý kiến khác nhau của các đại biểu. Đại biểu Ngô Minh Hồng (Thành phố Hồ Chí Minh), bày tỏ băn khoăn khi dự thảo Luật quy định “Thanh tra tần số vô tuyến điện thuộc hệ thống tổ chức của Thanh tra Thông tin và Truyền thông”; “được tổ chức tại Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông, tại Cơ quan quản lý chuyên ngành về tần số vô tuyến điện và Sở Thông tin và Truyền thông” để thực hiện chức năng thanh tra đối với các hoạt động về tần vô tuyến điện theo quy định của pháp luật.

Đại biểu Hồng đề nghị chỉ nên quy định trong Luật việc tổ chức thanh tra chuyên ngành về tần số vô tuyến điện tại cơ quan quản lý chuyên ngành để đảm bảo xử lý nhanh chóng các vi phạm, can nhiễu và tránh việc đầu tư thiết bị kỹ thuật tràn lan, chồng chéo, kém hiệu quả.

Tuy nhiên, nhiều đại biểu đề nghị thanh tra chuyên ngành tần số vô tuyến điện có thể quy định trong Luật, nhưng chỉ mang tính định hướng, tạo điều kiện cho Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông quyết định. Không nên quy định quá cụ thể, trong khi Luật Thanh tra đang trong quá trình sửa đổi. Dự thảo Luật cần làm rõ chức năng thanh tra chuyên ngành về tần số vô tuyến điện trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an; bổ sung điều quy định chi tiết mang tính đặc thù về nội dung thanh tra trong lĩnh vực tần số vô tuyến điện./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục