Hỗ trợ tín dụng cho hợp tác xã: Nguồn quỹ tín dụng nghèo nàn

Mục tiêu đặt ra đến năm 2020 có 15.000 hợp tác xã trên cả nước hoạt động hiệu quả, nhưng trên thực tế, có rất ít hợp tác xã chủ động kế hoạch phát triển và có nguồn vốn ổn định để đầu tư phát triển.
Hỗ trợ tín dụng cho hợp tác xã: Nguồn quỹ tín dụng nghèo nàn ảnh 1 Người dân giao dịch tại một điểm Quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn tỉnh Quảng Bình. (Ảnh: Đức Thọ/TTXVN)

Mục tiêu đặt ra đến năm 2020 có 15.000 hợp tác xã trên cả nước hoạt động hiệu quả, nhưng trên thực tế, có rất ít hợp tác xã chủ động kế hoạch phát triển và có nguồn vốn ổn định để đầu tư phát triển. Bởi, bên cạnh sự hợp tác vốn của các thành viên hợp tác xã, các hợp tác xã còn cần đến nguồn vốn hỗ trợ từ các quỹ tín dụng và ngân hàng. Thế nhưng, vấn đề tiếp cận vốn của hợp tác xã còn nhiều gian nan, hợp tác xã muốn phát triển vẫn phải tự lực là chính.

Bài 1: Nguồn quỹ tín dụng nghèo nàn

Tính đến hết tháng 6/2018, cả nước có 47 Liên minh hợp tác xã các tỉnh, thành phố; bao gồm: gần 20.000 hợp tác xã, vốn điều lệ 34.000 tỷ đồng. Theo đó, cả nước có 39 liên hiệp hợp tác xã và 12.596 hợp tác xã đang hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Thế nhưng, chỉ có 1% trong số hợp tác xã này tiếp cận được nguồn vốn tín dụng từ các Quỹ phát triển hợp tác xã. Theo đánh giá của Liên minh hợp tác xã Việt Nam, các hợp tác xã luôn trong thế bị động vốn là vì nguồn quỹ dành cho phát triển hợp tác xã còn quá nghèo nàn.


Tỷ lệ vay vốn thấp

Theo thống kê của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, cả nước hiện có 48 Quỹ phát triển Hợp tác xã, với số vốn điều lệ trên 800 tỷ đồng, vốn hoạt động trên 1.600 tỷ đồng; trong đó, 1 Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã Trung ương trực thuộc Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, số còn lại trực thuộc Liên minh Hợp tác xã các tỉnh, thành phố. Số lượng Quỹ hỗ trợ hợp tác xã vốn đã ít, nguồn kinh phí của các quỹ này lại càng ít hơn so với số lượng hợp tác xã đang cần, chỉ từ 5-10 tỷ đồng/quỹ.

Với Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, ổn định an sinh xã hội và an ninh chính trị, việc phát triển các hợp tác xã kiểu mới, nâng cao thu nhập và phát triển kinh tế cho người dân khu vực nông thôn là một trong những tiêu chí để hoàn thành chương trình này.

[Ban hành Thông tư hỗ trợ cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn]

Thực tế, hầu như các hợp tác xã chỉ vay được tối đa 70 tỷ đồng trong năm 2016, chủ yếu là các hợp tác xã sản xuất tiểu thủ công nghiệp. Các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp chỉ tiếp cận được nguồn vốn khiêm tốn.

Tính đến cuối năm 2017, vốn điều lệ thực có (được ngân sách Nhà nước cấp và tự tích lũy) của Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã Trung ương là 136 tỷ đồng. Trong quá trình xét duyệt hồ sơ cho vay, Quỹ Trung ương đạt doanh số hơn 235 tỷ đồng, dư nợ 96 tỷ đồng. Đối với 43 Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã địa phương, tổng vốn điều lệ là 1.500 tỷ đồng, sau xét duyệt cho vay đạt tổng doanh số hơn 10.400 tỷ đồng, dư nợ 1.314 tỷ đồng.

"Vì vậy, việc tăng nguồn vốn cho các Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã đang là bài toán khó cho chính Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và các Liên minh Hợp tác xã các tỉnh, thành phố," ông Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam chia sẻ.

Theo nhận xét của các chuyên gia kinh tế hợp tác xã, kinh tế hợp tác, hợp tác xã đã phát triển ở hầu hết các nước, đóng góp từ 10-30% GDP cho quốc gia. Điều này đã chứng minh được sức mạnh và tiếng nói của các hợp tác xã. Do đó, trong khuôn khổ chương trình mục tiêu quốc gia, phát triển hợp tác xã kiểu mới trong Chương trình xây dựng nông thôn mới, đến năm 2020, Việt Nam có khoảng 15.000 hợp tác xã nông nghiệp hoạt động hiệu quả theo mô hình chuỗi giá trị. Để làm được điều này, vấn đề cấp thiết cần giải quyết là huy động được nguồn vốn để nâng cao khả năng hoạt động.


Thiếu phương án sản xuất kinh doanh

Theo quy định các quỹ hỗ trợ hợp tác xã, để có thể tiếp cận được nguồn vốn vay, các hợp tác xã phải có phương án kinh doanh cụ thể, báo cáo tài chính trong 2 năm hoạt động trước đó và kế hoạch thu hồi vốn hiệu quả. Nhưng hầu như rất ít hợp tác xã có khả năng lập một phương án sản xuất, kinh doanh đúng theo yêu cầu của hồ sơ đăng ký vay vốn.

Ông Huỳnh Kim Khuê, Giám đốc Quỹ đầu tư phát triển Đồng Tháp cho biết, Quỹ đầu tư phát triển chỉ xét duyệt cho các hợp tác xã vay vốn tín dụng theo 2 hình thức. Đó là hợp tác xã phải trình được phương án sản xuất, kinh doanh và thời gian hoàn vốn sớm nhất để có thể sinh lợi nhuận sau đó. Hoặc sẽ cho vay bằng hình thức thanh toán trực tiếp cho bên thứ 3 (bên cung ứng, lắp đặt thiết bị sản xuất cho hợp tác xã) theo từng đợt thanh toán hợp đồng lắp đặt thiết bị.

Hỗ trợ tín dụng cho hợp tác xã: Nguồn quỹ tín dụng nghèo nàn ảnh 2Phơi lúa giống để cung cấp cho các thành viên của Hợp tác xã Thạnh Hòa, xã Mong Thọ A, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang. (Ảnh: Hồng Nhung/TTXVN)

Tuy nhiên, hầu như Quỹ phát triển Đồng Tháp chỉ cho vay theo trường hợp thứ hai. Với trường hợp thứ nhất, rất ít hợp tác xã có thể trình được phương án sản xuất và kinh doanh hiệu quả. Theo quy định, Quỹ phát triển phải có phương án cho vay và thu hồi vốn vay hiệu quả trong nguồn quỹ trên dưới 10 tỷ đồng. Do đó, hợp tác xã cũng phải có một phương án sản xuất, kinh doanh đảm bảo, thay cho các loại tài sản thế chấp như vay vốn từ ngân hàng.

Từ những khảo sát thực tế các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, số lượng hợp tác xã được tiếp cận vốn vay thuận lợi không nhiều. Hầu hết đều do Ban Quản trị Hợp tác xã tự thế chấp tài sản cá nhân để huy động nguồn vốn cho hợp tác xã. Có trường hợp hợp tác xã có tài sản riêng là tài sản bất động sản, nhưng mức vốn huy động được lại thấp hơn so với giá trị tài sản, cũng đã gây không ít khó khăn cho các hợp tác xã này.

Ông Võ Lợi Dân, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã nông nghiệp Phú An, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang chia sẻ, yêu cầu đầu tiên để hợp tác xã tiếp cận nguồn vốn từ các quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã là phương án kinh doanh phải cụ thể, chi tiết, báo cáo tài chính rõ ràng, phải có biên bản họp hội đồng quản trị trong 2 năm gần nhất.

Bên cạnh đó, kế hoạch tiêu thụ sản phẩm nông sản của các thành viên phải đảm bảo ổn định và hiệu quả. Nguồn vốn vay không được giao trực tiếp cho hợp tác xã, mà thông qua việc thanh toán các hóa đơn mua hàng và đầu tư thiết bị cho hợp tác xã sản xuất.

"Nguồn vốn chung của Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã ít ỏi, khiến cho nhiều hợp tác xã khó tiếp cận. Nhưng có nhiều hợp tác xã dù có vốn để phát triển kinh doanh nhưng các hợp tác xã vẫn không biết cách tự lập một phương án kinh doanh hiệu quả. Đây là một lỗ hổng lớn trong việc xoay vòng vốn tự có, để đi đến sinh lợi nhuận cao hơn, phát triển hợp tác xã lớn mạnh của chính các thành viên trong hợp tác xã," tiến sỹ Trần Minh Hải, Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Tư vấn kinh tế hợp tác, Trường Cán bộ Quản lý nông nghiệp và phát triển nông thôn 2 chia sẻ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục