Hòa Bình: Dự án thủy điện Suối Mu "trốn" báo cáo đánh giá môi trường

Mặc dù “trốn” thực hiện Báo cáo đánh giá tác động môi trường, nhưng Dự án Thủy điện Suối Mu tại tỉnh Hòa Bình vẫn ngang nhiên thi công, bất chấp phản đối của người dân địa phương.
Hòa Bình: Dự án thủy điện Suối Mu "trốn" báo cáo đánh giá môi trường ảnh 1Thác Mu tại xã Tự Do, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình đang đứng trước nguy cơ mất nước do xây dựng Thủy điện Suối Mu. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Bất chấp việc Dự án Thủy điện Suối Mu “trốn” thực hiện Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), “mọc” trong khu vực Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Sơn - Ngổ Luông, nhưng Ủy ban Nhân dân tỉnh Hòa Bình vẫn chấp thuận cho triển khai thi công dựa trên Giấy đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường của doanh nghiệp.

Theo thiết kế kỹ thuật dự án, Thủy điện Suối Mu sẽ xây đập tích nước ngay trên đỉnh Thác Mu. Việc này khiến nhiều người lo ngại thủy điện sẽ làm thay đổi dòng chảy của thác, ảnh hưởng đến du lịch, cũng như nguồn nước phục vụ nông nghiệp của hàng trăm người dân xã Tự Do, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình.


Cam kết “lấp” lỗ hổng ĐTM?

Theo tìm hiều của phóng viên, Dự án Thủy điện Suối Mu (công suất lắp máy 9 MW) do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Văn Hồng làm chủ đầu tư, được triển khai xây dựng tại xã Tự Do, huyện Lạc Sơn. Dự án này được khởi công từ đầu năm 2016, với tổng vốn đầu tư 167 tỷ đồng.

Dự án Thủy điện Suối Mu được Ủy ban Nhân dân tỉnh Hòa Bình phê duyệt quy hoạch tại Quyết định số 495/QĐ-UBND ngày 10/11/2015. Theo kế hoạch, đến tháng 3/2017, dự án sẽ hoàn thành đưa nhà máy vào vận hành hòa lưới điện. Tuy nhiên, đến đầu tháng 7/2017, dự án “trốn” ĐTM này mới chỉ thực hiện được khoảng gần 50% khối lượng công trình.

Theo quy định tại Điểm d, khoản 1, Điều 28 Nghị định 201/2013/NĐ-CP ngày 27/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của luật Tài nguyên nước: Các dự án khai thác, sử dụng nước mặt để phát điện với công suất lắp máy 2 MW trở lên thuộc thẩm quyền cấp giấy phép tài nguyên nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Tại phụ lục III, Nghị định số 18/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ cũng quy định, dự án khai thác nước thuộc thẩm quyền cấp giấy phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường thì thẩm quyền tổ chức thẩm định, phê duyệt ĐTM thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường. Như vậy, cơ quan có thẩm định, phê duyệt ĐTM của Thủy điện Suối Mu là Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Quy định rõ ràng là vậy nhưng tại Văn bản số 284/XN-STNMT ngày 15/8/2016, ông Đinh Văn Hòa - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hòa Bình lại ký chấp thuận Giấy xác nhận đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường cho Công ty Trách nhiệm hữu hạn Văn Hồng, thay vì phải lập ĐTM theo quy định của Chính phủ.

[Quy hoạch thủy điện Việt Nam: "Quản lý kém nên có rất nhiều lỗ hổng"]

Câu hỏi đặt ra là, tại sao Dự án Thủy điện Suối Mu được triển khai thi công xây dựng từ đầu năm 2016, nhưng đến giữa tháng 8/2016 mới được Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hòa Bình chấp thuận Giấy xác nhận đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường, thay vì phải lập ĐTM? Liệu Dự án Thủy điện Suối Mu triển khai xây dựng có đúng quy trình, quy định của pháp luật?

Nhìn nhận thực trạng nêu trên, ông Nguyễn Khắc Long - Phó Chi cục Bảo vệ Môi trường tỉnh Hòa Bình cho biết, về thẩm quyền phê duyệt dự án là do Ủy ban Nhân dân tỉnh quyết định trên cơ sở ý kiến tham vấn của các Sở, ngành gửi lên. Còn ở quy mô Dự án Thủy điện Suối Mu, tỉnh chỉ làm xác nhận đăng ký cam kết bảo vệ môi trường, do một số điểm tại Nghị định 18/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ còn chưa thống nhất giữa thẩm quyền của tỉnh và Bộ.

“Việc này, chúng tôi sẽ hỏi lại Bộ Tài nguyên và Môi trường, nếu Bộ cho ý kiến sẽ điều chỉnh ngay,” ông Long nói thêm.

Trong khi đó, ông Phạm Duy Đức, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường tỉnh Hòa Bình cho rằng, nếu việc triển khai Thủy điện Suối Mu chỉ dừng lại ở quy mô cam kết về bảo vệ môi trường thì sẽ rất khó đảm bảo việc triển khai. Không thể làm Giấy đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường để “lấp” lỗ hổng ĐTM được.

“Lý do là, nội dung trong bản cam kết rất chung chung như một cái hồ sơ đơn giản, cũng không thể hiện rõ quy định. Việc này tôi sẽ cho kiểm tra lại, nếu đúng thì sẽ khó cho chủ đầu tư, vì giữa chủ đầu tư và cơ quan quản lý nhà nước ký tá với nhau một cách chung chung, cho nên khó vặn vẹo nhau,” ông Đức nhấn mạnh.

Hòa Bình: Dự án thủy điện Suối Mu "trốn" báo cáo đánh giá môi trường ảnh 2Người dân xóm Khướng, xã Tự Do, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình đứng bên công trình xây nhà máy thủy điện ngay dưới chân Thác Mu. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

“Nếu được chọn, tôi sẽ chọn thác…”

Không chỉ “trốn” lập, Dự án Thủy điện Suối Mu còn gây ra nhiều nỗi lo, bởi theo thiết kế kỹ thuật, Dự án Thủy điện Suối Mu sẽ xây đập chắn tích nước ngay trên đỉnh Thác Mu. Việc này có thể sẽ làm thay đổi dòng chảy, ảnh hưởng đến du lịch, và nguồn nước tưới tiêu phục vụ nông nghiệp của hàng trăm hộ dân sinh sống dưới chân thác.

Chia sẻ với phóng viên, ông Bùi Văn Thụ, Trưởng ban quản lý Thác Mu cho biết, Thác Mu không chỉ tạo cảnh quan, mang lại nguồn nước tưới tiêu phát triển nông nghiệp, mà còn mở ra du lịch giúp bà con cải thiện cuộc sống. Thế nhưng, du lịch mới bắt đầu, du khách mới biết đến thác thì thủy điện lại “mọc” lên, khiến dân vô cùng lo lắng.

“Nếu Dự án Thủy điện Suối Mu thi công đúng như thiết kế kỹ thuật của chủ đầu tư, thì khi đi vào vận hành, thủy điện này sẽ tác động tiêu cực đến dòng chảy của thác, ảnh hưởng tới nguồn nước phục vụ nông nghiệp, nguy cơ gây sạt lở rất cao. Thậm chí sẽ làm mất thác vĩnh viễn,” ông Thụ rầu rĩ nói.

Trưởng ban quản lý Thác Mu cũng nhấn mạnh, việc xây dựng Thủy điện Suối Mu là chủ trương của tỉnh, nên dân phải theo. Tuy nhiên, nếu được chọn, ông và người dân thôn bản sẽ chọn thác, bởi thác không có lợi cho riêng ai, mà có lợi cho tất cả dân bản vì khách du lịch đến đây là để ngắm thác và dân có cơ hội phục vụ, bán thực phẩm dân tộc của mình.

“Còn thủy điện, tại sao chúng tôi phản đối? Đơn giản là thủy điện xây dựng sẽ làm mất thác, khi vận hành chỉ làm lợi cho doanh nghiệp và một nhóm người,” ông Thụ nói thêm.

Ngoài việc lo mất thác, theo ông Thụ, việc xây dựng Dự án Thủy điện Suối Mu cũng đã khiến nhiều hộ dân mất đất canh tác. Mặc dù người dân có được nhận tiền đền bù, nhưng trên tinh thần “ép buộc” chứ không phải tự nguyện. Lý do là nếu dân không nhường đất cho thủy điện thì xã cũng sẽ thu hồi đất?.

“Trước khi người dân nhận tiền đền bù, các vị lãnh đạo xã đã lên đây thông báo với dân, nhưng dân không đồng tình. Sau đó, họ bảo, nếu dân không đồng ý bán đất, đây đất của xã, xã sẽ thu hồi lại thì dân không được gì. Vì thế, một số hộ dân đã phải nhận mấy chục triệu tiền đền bù, và chấp nhận mất đất sản xuất,” ông Thụ nói thêm.

​Là người dân mất đất sản xuất, chị Quách Thị Quảng, nguời dân xóm Khướng, xã Tự Do cho biết, Công ty cổ phần thủy điện Vân Hồng bắt đầu xây dựng nhà máy từ năm 2016, trước khi làm công ty này có đền bù cho dân nhưng không thỏa đáng, nên phần lớn người dân đều phản đối, không muốn để doanh nghiệp làm thủy điện.

“Như của nhà tôi có 100m2 đất, doanh nghiệp đền bù cho hơn 20 triệu đồng, chủ yếu là diện tích đất ở và một phần đất ruộng. Còn diện tích dân tự khai hoang nay bị ảnh hưởng thì không được đền bù, phần diện tích này coi như mất,” chị Quảng rầu rĩ nói.

Không kém phần lo lắng, ông Bùi Văn Dưng, người dân xóm Mu thở dài nói: “Tôi không đồng tình với phương án đền bù, nhường đất cho thủy điện, nhưng bị xã 'ép' nên vẫn phải bán 500m2 đất ruộng với giá hơn 30 triệu đồng. Hôm chính quyền xã gọi xuống, lãnh đạo xã có khuyên bán đất, sau này sẽ có lợi cho dân. Nhưng bây giờ nhận tiền rồi thì mất hết, tiền cũng chẳng còn, đất thì đã mất, nên cuộc sống rất khó khăn."

[“Vỡ trận quy hoạch" thủy điện nhỏ ở các tỉnh miền núi phía Bắc]

Trao đổi với phóng viên VietnamPlus về thực trạng nêu trên, ông Bùi Đình Thiên, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Tự Do thừa nhận: “Lo lắng thủy điện xây dựng ảnh hưởng đến Thác Mu của người dân lo chính đáng. Nếu được chọn, tôi cũng chọn thác, nhưng phân tích ra có chủ trương của tỉnh và huyện nên xã tạo điều kiện và đồng thuận.”

Ông Thiên cũng cho biết, lúc đưa ra chủ trương, địa phương rất băn khoăn, vì có Thác Mu từ lâu, đi đến đâu nói đến mình ở xã Tự Do, họ nói có Thác Mu nên tự hào lắm, nhưng cấp trên phân tích rằng thủy điện mang lại nguồn thu cho tỉnh, cho dù khi làm thủy điện chắc chắn ảnh hưởng đến thác.

Còn về việc đần bù đất đai, ông Thiên cho biết việc xây dựng Thủy điện Suối Mu làm mất vĩnh viễn khoảng 1,7ha đất; cũng như làm giảm đất canh tác của 79 hộ dân. Tuy nhiên, việc đền bù thiệt hại về hoa màu, tài sản trên đất cho người dân căn cứ theo giá của nhà nước. Thủy điện cũng hỗ trợ đền bù cho bà con theo diện tích thực địa và đo đạc trên bản đồ.

“Trước năm 2006 chưa có bản đồ chính quy, một số diện tích của xã bà còn sử dụng, nhưng do canh tác lâu năm nên bà con cứ nghĩ là của mình nên đòi đền bù. Vì thế, xã đã tổ chức tuyên truyền cho bà con hiểu rằng phần đất bà con khai hoang trước đây là đất của xã và xã có quyền thu hồi, chứ không có chuyện ép dân,” ông Thiên phân trần.

Ở cấp quản lý Nhà nước cao hơn, ông Bùi Văn Thắng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Lạc Sơn cho rằng: “Chủ trương của tỉnh thì huyện ủng hộ, chúng tôi đã đề xuất đưa Thác Mu vào danh thắng du lịch cấp tỉnh, hiện tỉnh đang làm dự kiến trong tháng 7/2017 sẽ được công nhận, ở đây chỉ có một điểm nhấn là thác, nếu xây dựng thủy điện mà hỏng thác thì không nên. Quan điểm của huyện là phải làm song song, vẫn phát triển thủy điện nhưng không làm ảnh hưởng đến thác.”

Có chung quan điểm, ông Lưu Huy Linh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Hòa Bình cho biết: “Ở góc độ ngành, chúng tôi vẫn muốn bảo vệ, giữa tài nguyên Thác Mu để cho phát triển du lịch. Vì thế, làm thủy điện thì không được phá vỡ cảnh quan Thác Mu. Tuy nhiên, việc này cũng cần phải nghiên cứu, bởi hiện nay người dân đang rất phản đối việc xây dựng Thủy điện Suối Mu.”

“Bản thân tôi cũng ủng hộ người dân ở góc độ nên giữ thác để tạo cảm hứng cho du khách khi đến tham quan, để đảm bảo việc phát triển bền vững lâu dài. Chứ xây thủy điện chắc chắn sẽ làm mất nguồn nước, đến khi không còn đảm bảo nguồn nước thì thủy điện cũng sẽ phải bỏ, cảnh quan cũng không còn,” ông Linh nói thêm.

Ông Linh cũng cho biết, theo đề xuất của địa phương (xã, huyện) và ý kiến chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân tỉnh, hiện Sở đang giao cho Ban Quản lý di tích đi khảo sát, lập hồ sơ để xếp hạnh danh lam thắng cảnh cấp tỉnh, để quản lý và phát triển du lịch. Tuy nhiên, nếu vừa phát triển thủy điện, vừa phát triển du lịch dựa vào nguồn nước của Thác Mu thì sẽ rất khó quản lý.

Để làm rõ thông tin từ phía người dân phản ánh, ngày 27/6/2017, phóng viên VietnamPlus đã liên hệ với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Văn Hồng, chủ đầu tư Dự án Thủy điện Suối Mu. Tuy nhiên, lãnh đạo công ty  đã nêu các lý do để nhiều lần tránh các cuộc hẹn gặp./.

Hòa Bình: Dự án thủy điện Suối Mu "trốn" báo cáo đánh giá môi trường ảnh 3Giấy xác nhận đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường của chủ đầu tư Dự án Thủy điện Suối Mu, do ông Đinh Văn Hòa - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hòa Bình ký ngày 15/8/2016. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục