Hòa bình và ổn định vẫn còn quá xa vời với Iraq

Với Mỹ, cuộc chiến "hao người tốn của" ở Iraq đã dần khép lại cùng động thái rút quân khỏi quốc gia vùng Vịnh này hồi cuối năm ngoái. Nhưng với Iraq, cuộc chiến đó vẫn chưa có hồi kết.

Tình hình có vẻ yên ắng hơn so với giai đoạn cao điểm khốc liệt, song một loạt vụ đánh bom liên hoàn đầu tuần này đã chứng tỏ rằng hòa bình và ổn định là những khái niệm còn rất xa vời đối với Baghdad.
Với Mỹ, cuộc chiến "hao người tốn của" ở Iraq đã dần khép lại cùng động thái rút quân khỏi quốc gia vùng Vịnh này hồi cuối năm ngoái. Nhưng với Iraq, cuộc chiến đó vẫn chưa có hồi kết.

Tình hình có vẻ yên ắng hơn so với giai đoạn cao điểm khốc liệt, song một loạt vụ đánh bom liên hoàn đầu tuần này đã chứng tỏ rằng hòa bình và ổn định là những khái niệm còn rất xa vời đối với Baghdad.

29 vụ đánh bom tại 19 thành phố làm ít nhất 115 người thiệt mạng, hàng trăm người bị thương đã biến ngày 23/7 vừa qua trở thành ngày đẫm máu nhất ở Iraq trong hơn hai năm qua.

Không khó nhận thấy đây là một âm mưu phá hoại được lên kế hoạch kỹ lưỡng với nhiều dấu hiệu can dự của các phần tử khủng bố. Các vụ tấn công chủ yếu xảy ra ở những khu vực của người Shiite và đối tượng nhằm vào hầu hết là các nhân viên an ninh nước này.

Theo giới phân tích, các nhóm "thánh chiến" người Sunni có liên hệ với mạng lưới al-Qaeda có nhiều động lực đằng sau kiểu tấn công diện rộng như vậy.

Anthony Cordesman, chuyên gia về Iraq tại Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và chiến lược tại Washington (Mỹ), cho rằng mục đích của các vụ tấn công một phần nhằm giết hại các quan chức Iraq, một phần nhằm thể hiện cho người dân thấy chính phủ hiện nay không thể đảm bảo được an ninh.

Ngoài ra, các cuộc tấn công còn nhằm châm ngòi cho xung đột sắc tộc giống như đã xảy ra vài năm trước hòng khơi dậy tình trạng nội chiến.

Sau khi lực lượng Mỹ rút khỏi Iraq, bạo lực đã không bùng phát như nhiều người quan ngại. Trong nửa đầu năm nay, trung bình mỗi tháng, thương vong dân thường ở nước này là hơn 300 người, giảm nhẹ so với năm 2010 và 2011.

Dĩ nhiên con số như vậy được xem là tích cực nếu so với cao điểm xung đột sắc tộc trong các năm 2006 và 2007. Song, giống một ngọn lửa dai dẳng khó dập tắt, bạo lực đẫm máu tại Iraq sẵn sàng bùng lên bất cứ lúc nào như ngày 23/7 vừa qua.

Có một số dấu hiệu cảnh báo sớm khi cuối tuần trước, tân thủ lĩnh nhánh al-Qaeda tại Iraq là Abu Bakr al-Baghdadi tuyên bố mạng lưới khủng bố đang trở lại với những chiến dịch mới, đặc biệt trong tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo. Việc ngăn chặn các âm mưu này lại quá khó khăn.

Giới phân tích cho rằng quyết định rút quân của Mỹ là "nóng vội", tạo ra khoảng trống an ninh cho các nhóm khủng bố tận dụng để khôi phục lại hoạt động.

Một điều khá nghịch lý là trước khi Mỹ tiến hành cuộc chiến năm 2003 lật đổ nhà lãnh đạo Saddam Hussein, al-Qaeda có ít ảnh hưởng tại Iraq. Thế nhưng, mạng lưới khủng bố này sau đó lại phát triển mạnh cùng với những mối liên hệ với các nhóm nổi dậy địa phương chống lại phương Tây.

Bối cảnh hậu chiến ở Iraq với mâu thuẫn sắc tộc gia tăng và quản lý chính quyền lỏng lẻo là môi trường lý tưởng cho chủ nghĩa khủng bố hồi sinh. Chính phủ Iraq, vốn bị bao trùm bởi những bất hòa về quyền lực giữa các nhóm sắc tộc, không đủ sức để kiểm soát tình hình.

Khi vấn đề của Iraq là một bài toán hóc búa khó có lời giải trong tương lai gần, bạo lực đang leo thang tại đây có những dấu hiệu gắn với làn sóng bất ổn ở các nước láng giềng. Đó là sự hỗn loạn đang diễn biến nghiêm trọng với sự can thiệp từ phương Tây.

Sheikh Sabah, giáo sư khoa chính trị tại đại học Baghdad nhận xét Mỹ cần cảm thấy "đã hành động thiếu cân nhắc" khi các nhóm khủng bố từ các quốc gia Bắc Phi đang chiếm được những vị trí chiến lược trong khu vực.

Không ít bằng chứng cho thấy một số tay súng Iraq đã vượt biên giới xâm nhập Syria tranh thủ tình trạng rối ren ở quốc gia láng giềng này.

Chính phủ Iraq đã bày tỏ lo ngại rằng những phần tử trên, có được vũ khí và hỗ trợ tài chính từ nước ngoài, sẽ quay trở lại gây bất ổn ở Iraq.

Từ tình trạng bạo lực dai dẳng ở Iraq hay Afghanistan sau khi các cuộc chiến do phương Tây phát động "kết thúc," hoàn toàn có cơ sở để nhận định rằng đối thoại chính trị và hòa giải dân tộc mới là giải pháp tối ưu cho các cuộc khủng hoảng nội bộ ở các quốc gia này chứ không phải là sự can thiệp từ bên ngoài./.

Trung Sơn (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục