Hóa chất đổ trộm là của công ty Thắng Lợi

Phòng Cảnh sát môi trường (PC36) Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã điều tra và xác định chủ nguồn thải trong vụ việc đổ trộm 18 tấn hóa chất độc hại xảy ra tại xã Đá Bạc, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vào đêm ngày 7/11/2008 là Công ty Cổ phần Dệt may Thắng Lợi (gọi tắt là Công ty Thắng Lợi).

Phòng Cảnh sát môi trường (PC36) Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã điều tra và xác định chủ nguồn thải trong vụ việc đổ trộm 18 tấn hóa chất độc hại xảy ra tại xã Đá Bạc, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vào đêm ngày 7/11/2008 là Công ty Cổ phần Dệt may Thắng Lợi (gọi tắt là Công ty Thắng Lợi).

Công ty Thắng Lợi tiến hành thanh lý một lượng hóa chất dư thừa (khoảng 27 tấn), trong đó, có phần còn sử dụng được. Ngày 29/10/2008, Công ty TNHH Thương mại Sản xuất Dịch vụ Duy Phúc (gọi tắt là Công ty Duy Phúc) ở Thành phố Hồ Chí Minh do ông Bùi Văn Tuệ làm Giám đốc đã ký hợp đồng mua số hóa chất trên của Công ty Thắng Lợi với số tiền 60 triệu đồng.


Sau khi phân loại, khoảng 18 tấn quá hạn không sử dụng được (Công văn của Công ty Thắng Lợi gửi PC36 Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết có tới 39 loại hóa chất độc hại), ông Tuệ đã thuê ông Cao Anh Thiều (chuyên buôn bán ve chai ở phường Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú) với giá 10 triệu đồng để chở đi xử lý (thực chất ý đồ là đem đi đổ, vì ông Tuệ biết ông Thiều muốn lấy những thùng phuy, can, thùng cáctông đựng số hóa chất để bán ve chai).

Sau đó, ông Thiều đã thuê 4 xe tải nhỏ với giá 5 triệu đồng chở số hóa chất trên đổ trộm xuống ruộng ở xã Đá Bạc, huyện Châu Đức. Tuy nhiên, khi đổ xuống, các hóa chất phản ứng với nhau bốc khói, mùi rất khó chịu nên ông Thiều sợ bỏ về không dám lấy số vỏ thùng này.

Vụ việc đã được Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu kết luận Công ty Duy Phúc đã vi phạm các quy định về vận chuyển, xử lý chất thải nguy hại. Công ty này không có đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại, không có giấy phép quản lý chất thải nguy hại nhưng lại ký hợp đồng mua hóa chất quá hạn sử dụng và thuê người không có chức năng vận chuyển, xử lý số hóa chất quá hạn trên.

Thừa nhận sai phạm, Công ty Duy Phúc đã nộp phạt 20 triệu đồng và cùng một số đối tượng liên quan chi hơn 293 triệu đồng khắc phục hậu quả. Còn Công ty Thắng Lợi đã cố ý bán một lượng lớn chất thải nguy hại cho đơn vị không có chức năng vận chuyển, xử lý, tiêu hủy chất thải nguy hại, đã vi phạm nghiêm trọng khoản 1, điều 17, Nghị định 68/NĐ/2005/CP của Chính phủ ngày 20/5/2005.

Mặc dù sai phạm đã quá rõ ràng, bản thân Công ty Thắng Lợi cũng đã thừa nhận nhưng Công ty này vẫn không chấp hành quyết định xử lý của cơ quan quản lý nhà nước về môi trường tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Công ty này lập luận, Công ty đã bán cho Công ty Duy Phúc rồi và “phủi tay” cho rằng Công ty Duy Phúc phải chịu trách nhiệm toàn bộ với số hóa chất đã mua.

Tuy nhiên, áp dụng theo quy định trong Nghị định 68/NĐ/2005/CP, Nghị định 06 ngày 16/1/2008 của Chính phủ về xử phạt vi phạm trong hoạt động thương mại và các hình thức xử phạt trong kinh doanh hàng hóa hết hạn, Công ty Thắng Lợi phải có trách nhiệm thu hồi lại số hóa chất độc hại trên. Bên cạnh đó, hợp đồng giữa Công ty Thắng Lợi và Công ty Duy Phúc vẫn chưa thực hiện xong: gần 10 tấn hóa chất vẫn nằm trong kho của Công ty Thắng Lợi và Công ty Duy Phúc chưa kịp chở đi.

Tuy nhiên, mặc dù cơ quan Công an và Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã yêu cầu nhiều lần có công văn yêu cầu Công ty Thắng Lợi phải vận chuyển toàn bộ số hóa chất độc hại đổ trộm trên đưa đi xử lý nhưng phía Công ty đều từ chối không thực hiện. Thậm chí, cán bộ PC36 Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã 2 lần đến trụ sở Công ty tại Thành phố Hồ Chí Minh làm việc nhưng lãnh đạo cao nhất của Công ty né tránh, không tiếp. Còn Sở Tài nguyên Môi trường Bà Rịa - Vũng Tàu mời Công ty đến làm việc 3 lần, PC36 mời 2 lần nhưng Công ty chỉ cử người không có thẩm quyền đến làm việc nên không giải quyết được.

Trao đổi với Phóng viên TTXVN, ông Lê Văn Ninh, Phó Phòng PC36 Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết đã điều tra làm rõ sai phạm rồi nhưng mãi không xử lý được nên rất bức xúc. Thời gian qua, đơn vị và Sở Tài nguyên môi trường đã tốn rất nhiều thời gian, công sức, kể cả tiền bạc yêu cầu công ty Thắng Lợi khắc phục nhưng luôn bị lờ đi./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục