Hóa chất độc hại khiến loài cá voi sát thủ có nguy cơ tuyệt chủng

Các hóa chất độc hại, viết tắt là PCB, là một nhóm các hợp chất nhân tạo khó phân hủy được sử dụng rộng rãi trong quá khứ và hiện vẫn còn tồn tại trong môi trường biển.
Hóa chất độc hại khiến loài cá voi sát thủ có nguy cơ tuyệt chủng ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: wikipedia.org)

Loài cá voi sát thủ tại châu Âu đang phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng do các chất thải gây ô nhiễm tồn tại trong môi trường biển từ lâu. Các chất này cũng đe dọa một số loài cá heo mỏ.

Đây là kết quả nghiên cứu đối với hơn 1.000 cá thể cá voi, cá heo mỏ và cá voi sát thủ bị mắc cạn do nhóm nghiên cứu thuộc Hội nghiên cứu động vật London (Anh) vừa công bố.

Theo kết quả nghiên cứu trên, các hóa chất độc hại, viết tắt là PCB, là một nhóm các hợp chất nhân tạo khó phân hủy được sử dụng rộng rãi trong quá khứ và hiện vẫn còn tồn tại trong môi trường biển. PCB đang làm tổn thương các loài động vật biển có vú và một số trường hợp có thể bị mất khả năng sinh sản, dẫn đến tuyệt chủng.

Khi chuyển hóa thức ăn, PCB sẽ đọng lại trong mô mỡ của loài động vật ăn thịt hàng đầu trong đại dương. Và khi cá voi sát thủ sinh sản, chúng sẽ truyền khoảng 90% lượng PCB tồn tại nhiều thập kỷ trong cơ thể sang cho con. Ngoài ra, các chất này có thể cũng đã truyền sang những con cá voi sát thủ và cá heo mỏ con khi bú sữa mẹ.

Theo trưởng nhóm nghiên cứu Paul Jepson, hiện số lượng voi sát thủ ở khu vực ven biển Tây Âu còn rất ít mà không có khả năng sinh sản, trong khi tại Địa Trung Hải và khu vực Biển Bắc đã hoàn toàn biến mất.

Các nhà khoa học đã theo dõi và cho biết tổng cộng 36 con cá voi sát thủ đã chết ở ngoài khơi biển Bồ Đào Nha trong những thập kỷ qua và chúng không sinh ra bất kỳ con nào trong hơn 10 năm qua. Một nhóm nhỏ hơn của loài cá này ở gần Scotland dự kiến cũng sẽ bị tuyệt chủng. Kết quả sinh thiết các cá thể cũng cho thấy cá voi sát thủ không sinh sản.

Trước đây, PCB được sử dụng rộng rãi trong sản xuất thiết bị điện, sơn, chất chống cháy và chất chống ăn mòn. Châu Âu đã sản xuất 300.000 tấn hợp chất trong khoảng thời gian từ năm 1954-1984 và 90% trong số đó vẫn chưa tiêu hủy. PCB không tan trong nước và trôi ra đại dương qua các con sông./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục