Hòa đàm Syria: Phe đối lập từ chối thảo luận về vấn đề khủng bố

Ủy ban đàm phán cấp cao (HNC) đại diện chính cho phe đối lập Syria bác bỏ khả năng đưa vấn đề khủng bố vào chương trình nghị sự của các vòng hòa đàm được Liên hợp quốc bảo trợ này.
Hòa đàm Syria: Phe đối lập từ chối thảo luận về vấn đề khủng bố ảnh 1Ông Nasr al-Hariri, Trưởng đoàn đàm phán HNC. (Nguồn: EPA/TTXVN)

Các cuộc đàm phán hòa bình về vấn đề Syria đang diễn ra tại Geneva (Thụy Sỹ) tiếp tục gặp trở ngại khi Ủy ban đàm phán cấp cao (HNC) đại diện chính cho phe đối lập Syria bác bỏ khả năng đưa vấn đề khủng bố vào chương trình nghị sự của các vòng hòa đàm được Liên hợp quốc bảo trợ này.

Phát biểu trước báo giới ngày 1/3 sau cuộc gặp tại Geneva với Thứ trưởng Ngoại giao Nga Gennady Gatilov, đại diện của HNC Yehya Kodmani nhấn mạnh phe đối lập không đồng ý và sẽ không thảo luận nếu Đặc phái viên Liên hợp quốc về Syria Staffan de Mistura cố đưa thêm vấn đề khủng bố vào chương trình nghị sự tại bất kỳ thời điểm nào trong cuộc hội đàm tại Geneva.

Tuyên bố này của HNC đã phủ thêm bóng đen lên vòng hòa đàm vừa được nối lại ở Geneva, đặc biệt trong bối cảnh vừa xảy ra vụ đánh bom liều chết tại Homs, thành phố lớn thứ 3 ở Syria, khiến hàng chục người thiệt mạng.

Trước đó, Nga đã đề nghị bổ sung vấn đề khủng bố vào nghị trình của cuộc đàm phám về Syria vốn đến nay đang tập trung vào 3 chủ đề chính là quản trị, hiến pháp và bầu cử.

Trong khi hãng tin SANA của Syria dẫn một nguồn thạo cho biết Đặc phái viên Mistura đã nhất trí đưa nội dung bổ sung này vào các cuộc đàm phán.

Trước đó, phát biểu trước báo giới ngày 1/3 sau cuộc gặp Đặc phái viên de Mistura tại Genevea, ông Nasr al-Hariri - Trưởng đoàn đàm phán HNC xác nhận, cuộc hòa đàm tại Geneva thời gian tới sẽ tập trung thảo luận vấn đề chuyển tiếp chính trị - một trong những vấn đề gây trở ngại lớn nhất tại các vòng hòa đàm giữa các bên liên quan. Đây được xem là tia hy vọng cho tiến trình hòa đàm bế tắc lâu nay ở Syria.

Vấn đề chuyển tiếp chính trị và yêu sách của phe đối lập đòi Tổng thống Assad phải từ bỏ quyền lực là vấn đề gây trở ngại lớn nhất trong các vòng đàm phán trước đây.

Chính phủ Syria vẫn kiên quyết khẳng định số phận của Tổng thống Assad không thể được đưa ra thảo luận trong các vòng đàm phán.

Các cuộc hòa đàm về Syria dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc, được nối lại tại Geneva hôm 23/2 vừa qua, nằm trong nỗ lực mới nhất nhằm chấm dứt cuộc chiến kéo dài 6 năm qua tại quốc gia Trung Đông, cướp đi sinh mạng của hơn 310.000 người và khiến hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục