Hòa đàm Syria tại Astana tập trung thảo luận kế hoạch do Nga đề xuất

Vòng đàm phán mới nhằm lập lại hòa bình cho Syria còn nhiều vấn đề chưa được thống nhất sau ngày làm việc đầu tiên, đặc biệt là kế hoạch nhằm đẩy nhanh tiến trình ổn định chính trị do Nga khởi xướng.
Hòa đàm Syria tại Astana tập trung thảo luận kế hoạch do Nga đề xuất ảnh 1Toàn cảnh vòng đàm phán Syria tại Astana, Kazakhstan tháng 9/2017. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 22/12, vòng đàm phán mới nhằm lập lại hòa bình cho Syria do Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran bảo trợ tại thủ đô Astana của Kazakhstan đã bước sang ngày làm việc thứ hai trong bối cảnh nhiều vấn đề chưa được thống nhất sau ngày làm việc đầu tiên, đặc biệt là kế hoạch nhằm đẩy nhanh tiến trình ổn định chính trị do Nga khởi xướng.

Phát biểu trước báo giới, trưởng đoàn đàm phán của Nga Aleksandr Lavrentyev cho biết Nga đang thúc đẩy các kế hoạch chủ trì một "Đại hội đối thoại quốc gia" tại Sochi để tăng cường các buổi thảo luận nhằm đạt được thỏa thuận chính trị cuối cùng, mục tiêu vốn đã bị đình trệ rất lâu trong các vòng đàm phán hòa bình Syria do Liên hợp quốc bảo trợ tại Geneva, Thụy Sĩ.

Ông Lavrentyev cho biết các bên tham gia đàm phán đã dành nhiều thời gian trong ngày đầu tiên để thảo luận về đề xuất này. Ông cũng kêu gọi chính quyền Damascus và các lực lượng đối lập bỏ qua mọi mâu thuẫn trong quá khứ để cùng hướng tới một thỏa thuận chính trị đồng thời khẳng định đại hội sẽ là diễn đàn đối thoại mang đến cơ hội giải quyết các vấn đề ổn định chính trị cho tất cả các đại diện trong xã hội Syria.

Tuy nhiên, phát biểu trong cuộc gặp Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu ngày 21/12, Đặc phái viên Liên hợp quốc về vấn đề Syria Staffan de Mistura đã từ chối bình luận về đề xuất này.

Vòng hòa đàm thứ 8 về Syria do Liên hợp quốc bảo trợ diễn ra tại Geneva đã kết thúc vào tuần trước mà không đạt được tiến triển đáng kể. Ông De Mistura dự kiến cũng tham gia ngày đàm phán thứ hai trong hòa đàm tại Astana lần này.

[Video] Hạ viện Nga phê chuẩn thỏa thuận mở rộng căn cứ ở Syria

Đàm phán về hòa bình Syria do Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ bảo trợ được tổ chức lần đầu tiên tại Astana vào tháng Một năm nay, cho đến nay đã diễn ra bảy vòng đàm phán song song với các cuộc đàm phán hòa bình Syria do Liên hợp quốc bảo trợ tổ chức ở Geneva, Thụy Sĩ. Vòng đàm phán thứ 8 này diễn ra trong bối cảnh Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ra lệnh cho quân đội nước này rút một phần khỏi Syria, sau khi lực lượng của Nga hoàn thành nhiệm vụ hỗ trợ đánh bại tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng trên lãnh thổ quốc gia Trung Đông này theo đề nghị của chính quyền Syria.

Trong diễn biến liên quan, ngày 22/12, Bộ trưởng Quốc phòng Australia Marise Payne cho biết nước này có kế hoạch ngừng các chiến dịch không kích nhằm vào IS tại Syria và Iraq sau ba năm tham gia liên minh quốc tế do Mỹ đứng đầu.

Phát biểu tại cuộc họp báo, bà Payne cho biết quyết định được đưa ra sau khi Iraq tuyên bố chiến thắng trước IS. Sau khi thảo luận với Chính phủ Iraq và các thành viên của liên minh quốc tế chống IS, Chính phủ Australia đã xác định sẽ đưa sáu máy bay không kích Super Hornet của không quân nước này hiện đang đóng tại Trung Đông về nước. Tuy nhiên, bà Payne cho biết các hoạt động khác của quân đội Australia tại đây vẫn sẽ được duy trì bao gồm triển khai lực lượng 80 binh lính tham chiến tại Iraq và nhiệm vụ huấn luyện cho các binh lính nước này tại căn cứ quân sự Taji, bên ngoài thủ đô Baghdad.

Cũng liên quan tới tình hình Syria, phóng viên TTXVN tại Thụy Sĩ đưa tin nước này vừa mở lại văn phòng nhân đạo ở thủ đô Damascus của Syria. Theo Bộ Ngoại giao Thụy Sĩ, văn phòng nhân đạo này đã mở cửa trở lại cách đây gần ba tuần. Đây là văn phòng nhân đạo đầu tiên của một nước phương Tây tại Syria, không kể văn phòng của Liên minh châu Âu (EU).

Thông qua văn phòng, Thụy Sĩ dự kiến sẽ tiếp tục thực hiện các dự án nhân đạo tại Syria. Đến nay, Thụy Sĩ đã hỗ trợ cho các tổ chức khác nhau tại Syria với khoản ngân sách trị giá 60 triệu franc (hơn 60 triệu USD)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục