Hòa giải tình hình ở Honduras không có đột phá

Cuộc gặp trực tiếp giữa Tổng thống Honduras bị phế truất Zelaya và Tổng thống lâm thời Micheletti đã không diễn ra như dự kiến.
Trong nỗ lực nhằm tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng chính trị ở Honduras, tối 9/7, Tổng thống Costa Rica Oscar Arias đã lần lượt có các cuộc gặp với Tổng thống bị phế truất của Honduras Manuel Zelaya và Tổng thống lâm thời Roberto Micheletti tại dinh thự riêng ở thủ đô San Jose.

Tuy nhiên, cuộc gặp trực tiếp giữa ông Zelaya và ông Micheletti đã không diễn ra như dự kiến.

Phát biểu với báo chí sau cuộc gặp, ông Zelaya cho biết ông và Tổng thống Arias "có chung quan điểm về việc khôi phục nhà nước pháp quyền, dân chủ và phục chức cho tổng thống được nhân dân Honduras bầu ra".

Trong khi đó, ông Micheletti khẳng định ông là "tổng thống hợp hiến" của Honduras, đồng thời bác bỏ khả năng đối thoại trực tiếp với ông Zelaya vào thời điểm hiện tại. Ông cũng cho biết cuộc bầu cử tổng thống ở Honduras sẽ diễn ra vào tháng 11 tới như dự kiến.

Ông Micheletti đã chỉ định 4 quan chức ở lại tham gia các cuộc thương lượng với các đại diện của ông Zelaya. Ngay sau đó, ông đã trở về Honduras.

Theo Bộ trưởng Thông tin Costa Rica Mayi Antillon, các đại diện của hai bên đã bắt đầu các cuộc thương lượng và họ đã gặp Tổng thống Arias cùng các quan chức nước chủ nhà như Chủ nhiệm Văn phòng chính phủ Rodrigo Arias, Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng Tư pháp.

Hiện chưa có tin về phản ứng của ông Zelaya trước việc ông Micheletti bỏ về nước.

Tổng thống Arias được trao giải Nobel hòa bình năm 1987 vì đã có những nỗ lực giúp chấm dứt các cuộc nội chiến ở Trung Mỹ.

Trước khi diễn ra các cuộc gặp, ông hy vọng sẽ thuyết phục được ông Zelaya và ông Micheletti tiến hành cuộc gặp trực tiếp đầu tiên kể từ khi xảy ra cuộc binh biến ngày 28/6 ở Honduras, song những nỗ lực của ông đã thất bại.

Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng chỉ riêng việc ông đưa được hai bên cùng đến một thành phố cũng được coi là một bước tiến bởi cả hai trước đó đều tuyên bố họ "không có gì để đàm phán".

Trong khi đó, tại Honduras, hàng trăm người ủng hộ ông Zelaya đã phong tỏa một tuyến quốc lộ chính ở khu vực miền Nam thủ đô Tegucigalpa. Những người biểu tình, chủ yếu là giáo viên và công nhân, đã phong tỏa hoạt động giao thông trong nhiều giờ để yêu cầu phục chức ngay lập tức cho ông Zelaya. Họ tuyên bố sẽ tiếp tục biểu tình cho tới khi ông Zelaya trở lại nắm quyền./.
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục