Hoa Kỳ và Việt Nam ký thỏa thuận để xử lý dioxin tại Biên Hòa

Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Quân chủng Phòng không-Không quân, Bộ Quốc phòng Việt Nam vừa ký thỏa thuận viện trợ không hoàn lại bản hạn chế cho dự án xử lý dioxin sân bay Biên Hòa.
Hoa Kỳ và Việt Nam ký thỏa thuận để xử lý dioxin tại Biên Hòa ảnh 1Trung tướng Lê Huy Vịnh, Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân và ông Michael Greene, Giám đốc USAID tại Việt Nam ký Bản thỏa thuận để bắt đầu tiến trình lập kế hoạch và chuẩn bị cho việc xử lý ô nhiễm dioxin tại Biên Hòa. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Chiều 11/5, tại Hà Nội, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Quân chủng Phòng không-Không quân, Bộ Quốc phòng Việt Nam tổ chức Lễ ký thỏa thuận viện trợ không hoàn lại bản hạn chế cho dự án xử lý dioxin khu vực sân bay Biên Hòa.

Ông Michael Greene, Giám đốc USAID tại Việt Nam đại diện cho phía Hoa Kỳ và Trung tướng Lê Huy Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh Quân chủng Phòng không-Không quân đại diện phía Việt Nam đã ký bản thỏa thuận để bắt đầu tiến trình lập kế hoạch chuẩn bị cho việc xử lý ô nhiễm dioxin tại Biên Hòa.

Biên Hòa là điểm nóng ô nhiễm dioxin lớn nhất còn lại tại Việt Nam. Việc xử lý thành công ô nhiễm dioxin tại khu vực này sẽ góp phần làm giảm nguy cơ phơi nhiễm dioxin và nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

[Thúc đẩy các hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh]

Chi phí dự kiến để xử lý dioxin tại Biên Hòa là 390 triệu USD. Quá trình xử lý dự kiến sẽ hoàn thành trong 10 năm.

Hoa Kỳ cam kết hợp tác với Việt Nam cũng như Bộ Quốc phòng Việt Nam giải quyết các di sản chiến tranh, đồng thời tiếp tục thúc đẩy các quan hệ kinh tế, văn hóa, an ninh giữa hai nước.

Từ năm 2000 đến nay, Hoa Kỳ đã hợp tác với Việt Nam để giải quyết các vấn đề nhân đạo và di sản chiến tranh.

Các hoạt động hợp tác bao gồm loại bỏ vật liệu chưa nổ, xác định danh tính hài cốt của những người mất tích và xử lý dioxin.

Cuối năm 2018, dự kiến Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Bộ Quốc phòng Việt Nam sẽ hoàn thành dự án kéo dài 6 năm với kinh phí 110 triệu USD giúp làm sạch đất ô nhiễm dioxin tại sân bay quốc tế Đà Nẵng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục