Hòa nhạc Việt-Pháp tưởng nhớ cố nhạc sỹ Nguyễn Thiện Đạo

Ba buổi hòa nhạc đỉnh cao diễn ra trong các nhà thờ tại ba thành phố khác nhau tại Pháp là Maisons-Alfort, Choisy-le-Roi và Paris nhằm tưởng nhớ cố nhạc sỹ Nguyễn Thiện Đạo.
Hòa nhạc Việt-Pháp tưởng nhớ cố nhạc sỹ Nguyễn Thiện Đạo ảnh 1Buổi hòa nhạc tại nhà thờ Saint-Louis-en-l’Ile tại Paris. (Ảnh: Bích Hà/TTXVN)

Trong các ngày 8, 9 và 10/4, dàn nhạc giao hưởng hợp xướng của thành phố Choisy-le-Roi kết hợp với ban nhạc Hợp ca Quê hương của kiều bào Việt Nam tại Pháp đã tổ chức ba buổi hòa nhạc đỉnh cao trong các nhà thờ tại ba thành phố khác nhau tại Pháp là Maisons-Alfort, Choisy-le-Roi và Paris.

Chương trình diễn ra dưới sự bảo trợ của Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp nhằm tưởng nhớ cố nhạc sỹ Nguyễn Thiện Đạo - nhà soạn nhạc mang hai quốc tịch Việt Nam và Pháp, sáng tác trong lĩnh vực nhạc đương đại, đồng thời cũng nhằm tôn vinh sự gặp gỡ văn hóa Đông-Tây.

Theo phóng viên TTXVN tại Pháp, dưới sự chỉ huy của Nhạc trưởng Laurent Boer, dàn nhạc đã chơi các tác phẩm "Magnificat" của Johann Sebastian Bach, "Linh Giác" của Nguyễn Thiện Đạo và bản Concerto số 2 cho đàn violon của Antonio Vivaldi.

Ý tưởng xây dựng một dự án âm nhạc nhằm giới thiệu những nét đặc thù của văn hóa Việt Nam và tôn vinh hai nền văn hóa Việt-Pháp với sự thể hiện của các nghệ sỹ của dàn hợp xướng thành phố Choisy-le-Roi và Hợp ca Quê hương đã được nhà soạn nhạc Nguyễn Thiện Đạo và Nhạc trưởng Laurent Boer đề cập từ lâu nhằm tiếp nối thành công của Năm giao lưu Việt-Pháp 2014 và các hoạt động hữu nghị giữa Việt Nam và Pháp trong năm 2015.

Trên cơ sở quan điểm đó, nhạc sỹ Nguyễn Thiện Đạo đã sáng tác tác phẩm "Linh Giác" cho giọng Soprano hòa xướng hỗn hợp với đàn dây và bộ gõ.

Tác phẩm mang hơi thở thần bí, thể hiện tư tưởng triết học Phật giáo.

"Linh Giác"
tượng trưng cho 6 kiếp của vạn vật trong vòng luân hồi, kể về sự tích của hai nhân vật lịch sử của Việt Nam là Lý Công Uẩn-nhà vua sáng lập ra vương triều Lý (974-1028), người đã quyết định dời đô từ Hoa Lư về thành Đại La và cho xây dựng kinh thành Thăng Long vào năm 1010; và đức Vua, Phật hoàng Trần Nhân Tông - người đã thoái vị nhường ngôi, lên núi Yên Tử tu hành, lập ra trường phái Trúc Lâm- một dòng Thiền riêng của dân tộc Việt Nam.

Với sự chuẩn bị và dàn dựng công phu, ba buổi hòa nhạc đã mang đến những chương trình âm nhạc sang trọng, bác học cho công chúng Việt Nam và Pháp.

Việc tác phẩm "Linh Giác" được biểu diễn cùng kiệt tác "Magnificat" của nhà soạn nhạc thiên tài Johann Sebastian Bach và bản Concerto số 2 cho đàn violon của Antonio Vivaldi cho thấy giới âm nhạc và công chúng Pháp đánh giá cao giá trị tư tưởng và nghệ thuật được chuyển tải trong tác phẩm của nhạc sỹ Nguyễn Thiện Đạo.

Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Pháp, Nhạc trưởng Laurent Boer cho biết giữa các tác phẩm của Johann Sebastian Bach và Nguyễn Thiện Đạo có sự hòa quyện về tâm linh mặc dù hai tác phẩm thuộc hai dòng nhạc khác nhau: "Magnificat" là bản nhạc rực rỡ thể hiện niềm tin tôn giáo thuộc dòng baroque, còn "Linh Giác" mang âm hưởng Phật giáo. Biểu diễn hai tác phẩm cùng nhau là cách để hai nền văn hóa gặp gỡ nhau, tuy khác biệt nhưng lại bổ sung cho nhau, góp phần tôn vinh chiều sâu trí tuệ và nét đẹp tinh thần của nhau.

Trong khi đó, bà Nguyễn Ngân Hà, chỉ huy dàn hợp xướng Hợp ca Quê hương bày tỏ tự hào khi tác phẩm của cố nhạc sỹ Nguyễn Thiện Đạo được hai ban nhạc tập hợp gần 150 người biểu diễn trong khung cảnh nhà thờ tại Pháp, đồng thời bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với nhạc sỹ Nguyễn Thiện Đạo, người luôn tìm về "Hồn Việt" dù phải sống xa quê hương đất nước.

Sinh năm 1940 tại Hà Nội, nhạc sỹ Nguyễn Thiện Đạo là nhà soạn nhạc thuộc dòng nhạc đương đại đồng thời cũng là một nhà nghiên cứu âm nhạc cổ truyền Việt Nam.

Ông sang Pháp năm 1953 để theo học về soạn nhạc tại Học viện Âm nhạc Paris. Trong sự nghiệp sáng tác, nhạc sỹ Nguyễn Thiện Đạo đã viết 94 tác phẩm âm nhạc, 1 tác phẩm văn học cùng nhiều bài viết về âm nhạc và văn hóa.

Các tác phẩm của ông luôn thể hiện chiều sâu tâm hồn Việt đồng thời cũng cho thấy sự cân bằng của một nhà soạn nhạc đứng vững giữa hai nền văn hóa Đông và Tây.

Ông qua đời ngày 20/11/2015 tại Paris do mắc bệnh hiểm nghèo mà không kịp thấy công trình mà ông ấp ủ nối liền hai nền văn hóa Đông-Tây được thực hiện./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục