Họa sỹ Nguyễn Sáng có nhiều đóng góp tiêu biểu cho hội họa Việt Nam hiện đại, được xem là đỉnh cao của trường phái Hiện thực.
Ngày 29/7, nhân 100 năm ngày sinh cố họa sỹ Nguyễn Sáng (1/8/1923-1/8/2023), Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam phối hợp với Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức chương trình trò chuyện nghệ thuật “Những kỷ niệm về họa sỹ Nguyễn Sáng” hé lộ những câu chuyện ít người biết về một danh họa thuộc nhóm tứ kiệt nửa sau thế kỷ 20 - "Nghiêm, Liên, Sáng, Phái."
‘Cha đẻ’ của hai Bảo vật Quốc gia
Họa sỹ Nguyễn Sáng sinh ngày 1/8/1923 tại làng Điều Hòa, tỉnh Mỹ Tho (nay thuộc thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang). Năm 1938, ông thi đỗ vào Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Tháng 8/1945, ông tham gia cách mạng ở Hà Nội. Cuối tháng 12/1946, ông lên chiến khu Việt Bắc, dùng nét vẽ của mình phục vụ cuộc kháng chiến của dân tộc.
Tên tuổi và sự nghiệp của họa sỹ Nguyễn Sáng đã được ghi nhận với những danh hiệu cao quý: Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật (1996); tác phẩm sơn mài “Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ” và “Thanh niên thành đồng” được công nhận là Bảo vật Quốc gia; một đường phố ở Mỹ Tho quê hương họa sỹ Nguyễn Sáng được mang tên ông.
Họa sỹ Nguyễn Sáng được xem là bậc thầy của nghệ thuật Hiện thực. Nhà phê bình Đỗ Lai Thúy từng nhận định rằng vẽ chân dung với Nguyễn Sáng là sự soi gương. Mỗi chân dung là một chiếc gương.
“Để thích nghi với môi trường chính trị-xã hội Nho giáo, người dân Bắc ít nhiều phải đeo mặt nạ, nhằm che giấu những tâm-tính-tình thật. Lộng giả thành chân, đôi khi mặt nạ thành mặt thật. Nhằm vẽ ra được cái sự thật của sự thật đó, Nguyễn Sáng không chỉ đi theo con đường hiện thực, mà phải kết hợp với chủ nghĩa biểu hiện, chủ nghĩa lập thể,” nhà phê bình Đỗ Lai Thúy nhận định.
[Chăm sóc tốt hiện vật mỹ thuật: Để không còn 'thảm họa' phục chế tranh]
Chia sẻ tại tọa đàm, họa sỹ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam cho rằng minh chứng rõ nét nhất cho tính hiện thực trong hội họa của Nguyễn Sáng là hai bức tranh Bảo vật Quốc gia “Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ” (công nhận năm 2013) và “Thanh niên thành đồng” (công nhận năm 2017).
Theo nhận định của ông Lương Xuân Đoàn, bức tranh sơn mài "Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ" có tạo hình khỏe khoắn, bố cục chặt chẽ, màu sắc trầm ấm, không để lộ quá nhiều kỹ thuật nhưng bằng sự tương phản đậm nhạt và cách xử lý tài tình khi chuyển độ các mảng màu, ông đã cho thấy sự giàu có của sắc độ trên tranh. Tác phẩm được xem như một bản hùng ca của dân tộc giai đoạn kháng chiến chống Pháp.
Tác phẩm “Thanh niên thành đồng” được họa sỹ Nguyễn Sáng bắt đầu sáng tác từ năm 1967 khi ông sống và làm việc tại Hà Nội. Đất nước bị chia cắt, suốt những năm tháng ấy không thể trở về quê hương nhưng ông vẫn luôn hướng về nơi ấy, vẫn nghe những thông tin về tình hình chiến sự ở miền Nam. Một trong những phong trào đấu tranh của quân dân miền Nam làm ông xúc động, thôi thúc ông sáng tác là cuộc đấu tranh của học sinh, sinh viên Sài Gòn chống Mỹ trong những năm 60 của thế kỷ XX.
Nỗi nhớ quê hương miền Nam da diết, lòng căm thù giặc đã hun đúc từ những năm kháng chiến chống Pháp nay càng thôi thúc ông ý tưởng làm một tác phẩm về phong trào chống Mỹ. Vì vậy, trong tác phẩm của mình ông ghi rõ trên góc trên bên trái “Hnội Sgòn (1967-78).”
“Nguyễn Sáng đã lặng lẽ lưu giữ hình tượng người chiến sỹ trong tim mình. Nhờ đó, hình ảnh về người bộ độ Cụ Hồ sống mãi trong nghệ thuật hiện thực của xã hội chủ nghĩa dân tộc suốt những năm qua,” ông Lương Xuân Đoàn bày tỏ.
Tình yêu với Hà Nội
Họa sỹ Nguyễn Sáng sinh ra ở miền Nam nhưng học tập, tham gia cách mạng và gắn bó với miền Bắc, với Hà Nội. Ông từng nói rằng “không có Hà Nội thì cũng không có Nguyễn Sáng.” Do đó, ông coi triển lãm duy nhất trong đời mình ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tại Hà Nội như là sinh nhật lần thứ hai của mình.
Người có công lớn trong việc tổ chức triển lãm đó là họa sỹ Đặng Thị Khuê, nguyên Ủy viên Ban thư ký Hội Nghệ sỹ tạo hình Việt Nam, một người em thân thiết của Nguyễn Sáng.
Chia sẻ tại tọa đàm, bà Khuê rưng rưng nhắc lại câu nói của họa sỹ Nguyễn Sáng trong buổi khai mạc triển lãm năm 1984: “Tôi có gì đâu ngoài một tấm lòng và hai bàn tay trắng.” Với cá nhân bà Khuê, họa sỹ đề nghị: “Em gắng mặc chiếc áo dài và đứng cạnh anh hôm khai mạc nhé.”
“Ngay sau triển lãm, họa sỹ Nguyễn Sáng chuyển vào Nam sinh sống. Mãi sau này tôi mới vỡ ra, có lẽ chiếc áo dài ấy là niềm lưu luyến với đất Bắc, với Hà Nội và với cả người vợ đã khuất của mình. Họ chỉ sống cùng nhau được 11 tháng, không có con cái. Sau triển lãm vài năm thì ông cũng ra đi (1988),” họa sỹ Đặng Thị Khuê ngậm ngùi.
Bà Khuê cho rằng hơn 100 tác phẩm gồm nhiều chất liệu được giới thiệu tại triển lãm là minh chứng cho những thành tựu đỉnh cao của ông trong sáng tạo chuyên nghiệp, sự dấn thân cho nghệ thuật cách mạng và xã hội của nghệ sỹ, đặc biệt là sự độc đáo của cá tính sáng tạo trong cách tân ngôn ngữ.
“Nguyễn Sáng đã đạt tới đỉnh cao của của thời kỳ nghệ thuật hiện thực. Nghệ thuật của ông đã lưu dấu trong tiến trình của nghệ thuật hiện đại Việt Nam, định vị vị thế của một tài năng xuất chúng. Giờ đây nghệ thuật đương đại Việt Nam đã viết thêm những trang mới nhưng tấm gương sáng tạo và nhân cách sống của ông thì còn mãi,” họa sỹ Đặng Thị Khuê nhận định./.