Hòa thượng Thích Phổ Tuệ được tái suy tôn Pháp chủ Giáo hội Phật giáo

Hội đồng tái suy tôn Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ là Pháp chủ Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam khóa VIII (nhiệm kỳ 2017-2022), suy tôn 13 Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh.
Hòa thượng Thích Phổ Tuệ được tái suy tôn Pháp chủ Giáo hội Phật giáo ảnh 1Quang cảnh lễ bế mạc Đại hội. (Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN)

Sau hai ngày làm việc nghiêm túc với tinh thần, dân chủ, hòa hợp, đoàn kết, chiều 22/11, Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VIII đã bế mạc.

Đại hội đã thống nhất suy tôn 96 thành viên Hội đồng Chứng minh và suy cử 225 thành viên chính thức, 45 thành viên dự khuyết Hội đồng Trị sự.

Tại phiên họp thứ nhất, thành viên Hội đồng Chứng minh đã thống nhất suy tôn 27 thành viên tham gia Ban thường trực Hội đồng Chứng minh. Hội đồng tái suy tôn Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ là Pháp chủ Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam khóa VIII (nhiệm kỳ 2017-2022), suy tôn 13 Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh.

Tại phiên họp thứ nhất của Hội đồng Trị sự, các thành viên đã thống nhất suy cử 61 thành viên tham gia Ban thường trực Hội đồng Trị sự. Hội đồng tái suy cử Hòa thượng Thích Thiện Nhơn là Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam khóa VIII (nhiệm kỳ 2017-2022), suy cử 16 Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, tăng bốn Phó Chủ tịch so với nhiệm kỳ trước.

Đại hội thực hiện nghi thức tấn phong 1.864 tăng ni lên hàng giáo phẩm, Hòa thượng, Ni trưởng, Thượng tọa, Ni sư.


[Khai mạc trọng thể Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VIII]

Đại hội đã tiến hành thảo luận thông qua Báo cáo tổng kết công tác hoạt động phật sự nhiệm kỳ VII (2012-2017) và thảo luận Chương trình hoạt động phật sự nhiệm kỳ VIII (2017 - 2022). Đại hội ghi nhận những ý kiến phát biểu, tham luận góp ý xây dựng chương trình hoạt động phật sự ngày một hiệu quả và khắc phục những mặt còn hạn chế trong nhiệm kỳ VII, phân tích về 9 mục tiêu đề ra, cũng như thông qua việc tu chỉnh Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho phù hợp với Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo.

Trong nhiệm kỳ khóa VIII, Giáo hội Phật giáo Việt Nam phát huy trí tuệ tập thể, giữ vững kỷ cương, giới luật và nêu cao tinh thần đoàn kết, hòa hợp trong xây dựng, phát triển Giáo hội vững mạnh trong hội nhập quốc tế, kiên định lý tưởng “Đạo pháp-Dân tộc.”

Đổi mới, sáng tạo trong sự nghiệp hoằng dương chính pháp, trong phương thức hướng dẫn phật tử. Định hướng pháp môn tu tập phù hợp với xã hội hiện đại, với mọi tầng lớp trong xã hội và xiển dương đạo đức học Phật giáo, góp phần xây dựng và làm đẹp nền đạo đức xã hội. Nâng cao công tác quản lý chất lượng đào tạo, đổi mới phương pháp giảng dạy và tu học tại các cơ sở đào tạo tăng ni của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Hòa thượng Thích Phổ Tuệ được tái suy tôn Pháp chủ Giáo hội Phật giáo ảnh 2Hòa thượng Thích Phổ Tuệ được Đại hội suy tôn Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam khóa VIII, nhiệm kỳ 2017-2022. (Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN)

Giáo hội cũng đề ra mục tiêu giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa Phật giáo Việt Nam đảm bảo có sự tiếp nối giữa truyền thống và hiện đại, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong thời đại hội nhập quốc tế. Mở rộng hoạt động đối ngoại đa phương theo định hướng ngoại giao văn hóa, ngoại giao nhân dân; chủ động, tích cực trong quan hệ đối ngoại với các tổ chức Phật giáo và tổ chức tôn giáo thế giới; kết nối chặt chẽ với các hội phật tử Việt Nam ở nước ngoài. Đẩy mạnh truyền thông Phật giáo như một kênh hoằng pháp và chuyển tải các hoạt động Phật sự vào đời sống xã hội nhằm nêu cao giá trị từ bi, trí tuệ của đạo Phật, hình ảnh tốt đẹp của tăng ni, phật tử, của tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam các cấp trong sự nghiệp phụng đạo, yêu nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc...

Trong lời đạo từ bế mạc buổi lễ, Hòa thượng Thích Trí Quảng, Phó Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam bày tỏ niềm tin vào tăng đoàn Giáo hội Phật giáo Việt Nam đoàn kết, hòa hợp, giới luật kiên trì. Hòa thượng mong muốn tăng ni, phật tử vì sự xương minh của đạo pháp, sự hưng thịnh của dân tộc, luôn đặt lợi ích chung của Giáo hội và đất nước lên trên tất cả trong mọi hoạt động Phật sự, sinh hoạt tự viện, nhằm phục vụ tốt cho nhân dân, đồng bào trong nước và kiều bào ở nước ngoài, để Phật giáo thực sự là trung tâm của sự đoàn kết trong khối đại đoàn kết dân tộc, là động lực tích cực thúc đẩy sự phát triển đất nước dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, góp phần xây dựng cuộc sống an lạc, hạnh phúc cho nhân dân.

Hòa thượng cũng cảm ơn sự quan tâm sâu sắc, sự giúp đỡ chân tình của các cấp chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã quan tâm đến mọi hoạt động Phật sự của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đến đời sống của tăng ni, phật tử Việt Nam trong và ngoài nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục