Hoài nghi về những hứa hẹn phi hạt nhân hóa của Kim Jong-un

Một số chuyên gia hoài nghi tuyên bố sẽ đóng cửa vĩnh viễn một cơ sở thử tên lửa chủ chốt của lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un không phải là bước tiến lớn hướng tới phi hạt nhân hóa.
Hoài nghi về những hứa hẹn phi hạt nhân hóa của Kim Jong-un ảnh 1Bãi thử hạt nhân Punggye-ri của Triều Tiên. (Nguồn: AP/TTXVN)

Theo mạng tin npr.org, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ngày 19/9 tuyên bố sẽ đóng cửa vĩnh viễn một cơ sở thử tên lửa chủ chốt của nước này, đồng thời khẳng định việc đóng cửa cơ sở này sẽ được tiến hành dưới sự giám sát của các thanh sát viên quốc tế.

Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng quyết định nói trên của Bình Nhưỡng hoàn toàn không ảnh hưởng đến khả năng hạt nhân và tên lửa của nước này.

Thay vào đó, họ cho rằng động thái đó chỉ góp phần thể hiện việc Bình Nhưỡng thực thi từng bước giải giáp hạt nhân theo đúng trách nhiệm.

Tháng 5 vừa qua, Triều Tiên đã tiến hành phá hủy các lối vào một cơ sở thử nghiệm hạt nhân dưới lòng đất mà không có sự giám sát của các thanh sát viên quốc tế.

Vipin Narang, nhà nghiên cứu kiểm soát vũ khí tại MIT, nhận định việc đóng cửa cơ sở thử tên lửa của Bình Nhưỡng "có thể rất tốn kém nhưng lại nằm trong một mưu đồ lớn. Đó không phải là bước tiến lớn hướng tới phi hạt nhân hóa."

Narang lưu ý thêm rằng đó cũng chính là cam kết mà Kim Jong-un đã đưa ra trong cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Donald Trump ở Singapore hồi tháng 6/2018.

Ông nói: "Trên thực tế, Kim Jong-un cho đóng cửa một cơ sở đã ngừng hoạt động trong nhiều tháng."

[Đóng cửa cơ sở hạt nhân là bước đi đầu tiên trong phi hạt nhân hóa]

Tuyên bố này của Triều Tiên được đưa ra trong hội nghị thượng đỉnh lần thứ ba trong năm nay giữa Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tại thủ đô Bình Nhưỡng. Hai nhà lãnh đạo cũng đã thảo luận việc giảm bớt số lượng quân đồn trú ở khu vực dọc biên giới cũng như nỗ lực cùng đăng cai tổ chức các kỳ Olympic.

Cơ sở thử nghiệm nói trên được biết đến với nhiều tên gọi khác nhau như Tongchang-ri, Dongchang-ri và Sohae.

Trong các cuộc hội đàm với Trump, cái tên Sohae được nhắc nhiều hơn nhưng trong tuyên bố mới nhất, Kim Jong-un lại nhắc tới cái tên Dongchang-ri.

Nhà nghiên cứu Narang cho rằng: "Đó là một sự mập mờ và tôi nghĩ, có tính chủ đích."

Việc sử dụng các tên gọi khác nhau có thể thuyết phục được một số người rằng Triều Tiên đang thực hiện cam kết bổ sung.

Theo Joseph Bermudez, chuyên gia phân tích hình ảnh của trang mạng 38 North, Sohae là nơi thức hiện chương trình không gian của Triều Tiên.

Năm 2012, Triều Tiên đã thành công trong việc đưa vệ tinh đầu tiên lên quỹ đạo bằng tên lửa đẩy từ bãi thử Sohae. Vụ phóng thứ hai được thực hiện vào năm 2016.

Mặc dù bề ngoài có vẻ cơ sở này chủ yếu phục vụ mục đích dân sự, nhưng hai nhà nghiên cứu Bermudez và Narang cho rằng các tên lửa đẩy được sử dụng để đưa vệ tinh lên không gian lại có nhiều điểm tương đồng với loại tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM).

Chuyên gia Bermudez nói; "Công nghệ có thể được chuyển đổi giữa các chương trình dân sự và quân sự." Còn nhà nghiên cứu Narang khẳng định rằng một số động cơ tên lửa ICBM từng được thử nghiệm tại bãi thử Sohae.

Theo số liệu của Trung tâm nghiên cứu không phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt James Martin, Sohae từng đóng vai trò quan trọng đối với chương trình không gian của Triều Tiên, nhưng trong vài năm trở lại đây đã không còn hoạt động.

Sau vụ phóng vệ tinh năm 2016, cơ sở này được chính quyền Bình Nhưỡng sử dụng để thử nghiệm các loại tên lửa tầm ngắn (scud). Vụ thử nghiệm mới nhất diễn ra vào tháng 3/2017.

Trong vài tháng trở lại đây, chuyên gia Bermudez và một số chuyên gia khác của trang 38 North phát hiện những dấu hiệu cho thấy các tòa nhà tại Sohae đã bị phá hủy từng phần và hoạt động phá dỡ ở thời điểm hiện tại đã kết thúc. Chương trình phát triển tên lửa ICBM của Triều Tiên có thể được thực hiện ở nhiều cơ sở khác nhau.

Vụ phóng thử tên lửa ICBM mới nhất của Bình Nhưỡng được thực hiện ở các bãi đất và các đường băng nằm rải rác trên lãnh thổ Triều Tiên.

Trong những năm gần đây, Triều Tiên đã nghiên cứu loại động cơ tên lửa sử dụng dầu nặng, có thể được phóng thử một cách nhanh hơn so với các thế hệ động cơ tên lửa ICBM sử dụng nhiên liệu lỏng.

Các loại tên lửa này đã được Bình Nhưỡng tiến hành thử nghiệm tại bãi thử có tên gọi Magunpo nằm ở phía bên kia của Bán đảo Triều Tiên.

Trong khi đó, theo nhà nghiên cứu Narang, Triều Tiên được cho là đã tăng cường kho vũ khí hạt nhân của mình: "Họ tuyên bố đã sản xuất hàng loạt các loại tên lửa đạn đạo và vũ khí hạt nhân sau khi đã hoàn tất quá trình thử nghiệm."

Cả hai chuyên gia đều có chung quan điểm nghi ngờ về lời hứa hẹn của Kim Jong-un rằng sẽ cho phép các thanh sát viên quốc tế chứng kiến việc phá hủy bãi thử Sohae. Theo Narang, điều đơn giản là "không rõ ai sẽ là thanh sát viên."

Chuyên gia Bermudez bổ sung thêm rằng việc cho phép các thanh sát viên tới chứng kiến là để đáp ứng yêu cầu "phi hạt nhân hóa có kiểm chứng."

Trong khi vấn đề phi hạt nhân hóa thực sự phải bao gồm việc Triều Tiên công khai số lượng vũ khí hạt nhân và các cơ sở thử nghiệm liên quan. Sau đó các thanh sát viên quốc tế mới có cơ sở để giám sát và đảm bảo rằng Triều Tiên đã giữ đúng cam kết.

Mặc dù có những hạn chế tự nhiên trong cam kết mới đây của Bình Nhưỡng, song chuyên gia Bermudez cho rằng động thái đó cũng được xem như một bước tiến khả quan: "Bất cứ thỏa thuận nào đạt được với Triều Tiên cũng là sự khởi đầu cho một tiến trình dài hơi. Và tôi vẫn lạc quan về điều đó"./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục