Hoài niệm với thanh đường ray trên cầu Long Biên

Rộ thông tin dỡ đường sắt cầu Long Biên, những đôi uyên ương chụp vội ảnh cưới còn người nông dân sợ mất đi "chiếc đồng hồ báo thức."
Những ngày qua rộ lên thông tin hệ thống đường ray trên cầu Long Biên có thể bị dỡ bỏ, người dân Hà Nội rất…lo. Báo đài đã tốn khá nhiều giấy mực, không ít người can và cũng không ít ý đồng tình.

Người lo sợ cây cầu sẽ mất đi vẻ đẹp cổ điển vốn có. Kẻ không nỡ mất một phần thuộc cây cầu mà họ để lại trên đó quá nhiều kỷ niệm vui buồn. Người... hoài cổ lại sợ "dao kéo" cây cầu thời điểm Hà Nội sắp Đại lễ nghìn năm e phù hợp và khả thi chăng?

Thật dễ hiểu cho tất cả những quan ngại đó nếu phải mất đi thứ đã gắn bó quá bền bỉ, thủy chung với hình hài, xúc cảm mọi cư dân của thành phố.

Ra ngoài hành lang bình luận "xôn xao" đó, phạm vi bài viết chỉ xin ghi lại những tâm tư, xúc cảm những người mà phần lớn, nhỏ cuộc sống của họ thuộc về cây cầu này.

Người trẻ vội vàng… yêu

Cầu Long Biên đẹp cổ kính trong giá trị văn hóa, lịch sử của một Hà Nội sắp 1000 năm tuổi như thế nào ắt hẳn ai cũng đã rõ. Qua năm tháng, cây cầu gây kinh ngạc bởi vẫn kiên cường đứng “trơ gan cùng tuế nguyệt,” vắt qua sông Hồng, khiến bao lớp người Hà Nội ngơ ngẩn yêu.

Dạo một vòng, thấy đông hơn thường lệ các nhóm cô cậu học trò đứng tụ tập nơi thành cầu trò chuyện. Chốc chốc, từng toán dắt díu nhau ra giữa đường ray tạo dáng, chụp hình say mê.

Những khuôn mặt vừa háo hức, vừa có nét bịn rịn hệt như tâm trạng ngày cuối cùng thời cắp sách đến trường.

Người này tiếp nối người kia, tay hí hoáy ký tên mình, khắc hình và ngày tháng lên thành cầu. Ai kỳ công hơn thì viết đôi dòng chữ kỷ niệm nếu tìm ra khoảng trống lớn trên các thanh chắn. Những dòng chữ ngây ngô, đều hàm ý yêu thương, luyến tiếc nếu một ngày đường ray tàu trên cầu Long Biên bị gỡ bỏ.

Tôi vội lấy máy chụp lại những bút ký ngộ nghĩnh, trong sáng tuổi học trò. Kia là biểu tượng “I love you. HN 17/11/09 tao đã đến đây tạm biệt mày - con đường kỷ niệm.” Trên một thanh chắn giữa đường ray, dòng chữ nguệch ngoạc rất nghệ: “Buồn. Người tình bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ, dựa đâu ngồi đàn vào những đêm trăng…” khiến tôi khó khăn lắm mới thu hết vào khuôn hình.

Đứng bên thành cầu Long Biên ngắm những cồn cát và cánh đồng ngô cùng cô bạn gái, Dương, 24 tuổi, sinh viên trường Đại học Đông Đô chia sẻ: “Nghe tin đường ray sắp bị gỡ bỏ, em và bạn gái chăm lên cầu hơn, tranh thủ ngắm, chụp hình kỷ niệm với cây cầu.”

Chúng tôi ngạc nhiên khi được một anh bạn làm nghề chụp ảnh cưới than thở đang... vắt chân lên cổ chạy vì đắt “sô” chụp trên cầu Long Biên.

Té ra, biết tin đường ray trên cầu có thể sắp bị dỡ bỏ, nhiều đôi uyên ương "tranh nhau" xếp hàng đăng ký với studio chụp bộ ảnh cưới trên cầu Long Biên. Nhiều đôi "cuống" đến độ chụp… vội ảnh cưới trên cầu như một... phương án B vì đến tận năm sau, năm kia đám cưới của họ mới được diễn ra.

Đến các cửa tiệm chụp ảnh cưới cũng nhận thấy không khí khẩn trương, nhốn nháo để chạy kịp danh sách dài ngoằng những bộ ảnh cưới ở cầu Long Biên. Từ thợ chụp ảnh đến các tân lang, tân nương đều... vội bởi nếu không nhanh thì chỉ mai kia thôi, không còn đường ray tàu để cô dâu và chú rể đứng làm dáng nữa.

Cô dâu Hương Điểm, Thanh Trì - Hà Nội ngậm ngùi: “Tình yêu đến sau bức ảnh đầu tiên mình được chú rể chụp ở đường ray cầu Long Biên. Chúng mình đã khắc ngày hạnh phúc đó lên một thanh chắn của đường ray để làm kỷ niệm. Đám cưới sẽ được tổ chức cuối năm sau nhưng chúng mình quyết định thực hiện luôn bộ ảnh cưới bây giờ cho chắc ăn.”

Người nông dân mất đi… đồng hồ báo thức

Với những người nông dân một đời cày cuốc, cúi gằm mặt xuống đồng ruộng ở bãi giữa sông Hồng, cầu Long Biên như con đường làng thân thuộc, ngày ngày họp chợ vào mỗi buổi sớm mai.

Trong những khuôn hình của người người đã đến đây, cầu Long Biên trăn trở lắm! Cầu oằn mình, cong tấm lưng đầy vẻ lam lũ, chịu thương chịu khó với từng rổ ngô khoai, gánh rau, hàng hoa mưu sinh mà người nông dân sớm tối kĩu kịt đi về.

Hỏi thăm các bác nông dân đang lúi húi, nhấp nhổm trên cánh đồng ngô, chúng tôi được biết những hộ dân quanh năm canh tác ở bãi giữa sông Hồng đều thuộc làng Đông Hà, Ngọc Thụy, Tứ Liên… Mỗi năm đến mùa nước cạn, họ nuôi sống gia đình bằng ba vụ mùa, hai vụ đông trồng ngô và đến vụ xuân gieo lạc.

Tuổi thơ của Bác Lê Thị Tư, người làng Đông Hà đã theo cha gieo lạc, tỉa bắp ở triền sông Hồng sau lũ đỏ đặc phù sa. Khi đã trở thành một bà lão 60 tuổi, năm hai mùa nắng mưa, ngày hai buổi sớm tối bác vẫn đứng trên thành cầu Long Biên bán bắp ngô, củ khoai từ năm sào ruộng của gia đình.

Bác Tư cho biết, năm nào vụ mùa bội thu thì dư nông sản bán cả năm không lo bị đói. Ngày ngày đứng trên thành cầu bán cho người xe qua lại cũng tích cóp vài trăm bạc cho con cái học hành, sắm sửa tấm chăn bông cho mùa rét.

Bác tâm sự bằng giọng trầm buồn: “Đối với những hộ dân canh tác ở bãi giữa sông Hồng có ơn nặng với cây cầu này lắm. Đó không chỉ là cây cầu cho người dân qua lại, người làng Đông Hà chúng tôi coi nó như con đường làng thứ hai. Tính ra, vào vụ mùa chúng tôi đứng trên cây cầu còn nhiều hơn có mặt ở nhà…"

Cũng có thể vì gắn bó với cây cầu nhiều năm mà bác Tư “sốc” khi biết tin có khả năng đường ray cho tàu chạy trên cầu Long Biên sẽ bị dỡ bỏ.

Bác nghèn nghẹn, đôi mắt chực trào nước, cứ nhìn xa xăm theo đoàn tàu vừa đi khỏi: “Nếu dỡ bỏ đường tàu thì vô lý quá, cầu Long Biên sẽ đâu còn đẹp nữa. Với người nông dân như chúng tôi, dỡ bỏ đường ray cũng không ảnh hưởng tới cuộc sống, mưu sinh nhưng về tình cảm như là mất trắng…”

Rồi bác nói tiếp, “nông dân quanh năm cúi gằm mặt xuống ruộng đồng, làm gì biết đến thời gian, nghèo khó không biết đến hình dáng chiếc đồng hồ. Tiếng tàu chạy xậm xịch, tiếng còi tàu leng keng xa gần như tiếng đồng hồ báo thức cho người nông dân cày cấy dưới bãi giữa sông Hồng…

Nhớ lắm tiếng báo thức 9 giờ sáng của chuyến tàu đầu tiên trong ngày, chuyến tàu thứ hai báo 12 giờ để bà con nghỉ tay ăn cơm trưa. Quên sao được tiếng tàu báo 3 giờ chiều để mọi người ra đồng. Bà con nông dân làm hăng say, đợi chuyến tàu lúc 5 giờ chiều để sửa soạn ra về sau ngày làm mệt nhọc. Bà con nông dân một đời lam lũ, oằn lưng sát mặt đất mỗi lúc nghe tiếng còi tàu như có tiếng lay dậy, động viên. Họ vươn vai trong chốc lát, hít căng tràn lồng ngực hơi nắng khí gió trong lành để lạc quan về cuộc đời mình…

Những hộ dân vùng Đông Hà kể cho chúng tôi nghe, hễ năm nào “trời yên bể lặng” ngô trẩy tròn bắp, lạc cho mập hạt gia đình họ sẽ an lòng mà đón Tết. Cũng có những năm dân đói phải đi lượm rác, làm cửu vạn vì thủy điện sông Đà xả lũ “bất thình lình”, bà con nông dân không kịp trở tay tê tái nhìn cả cánh đồng lạc bị nuốt trong biển nước trắng xóa. Tiếc công xót của, phần vì túng bấn nên vẫn có người bơi chuyền chấp chới trên dòng nước lớn mót những khúm lạc lô nhô mà quên sự đe dọa của Hà Bá…

Những ngày này, gần hết tháng 10 Âm lịch, sông Hồng mùa nước cạn, cũng là lúc vụ đông đi qua phân nửa, cánh đồng ngô gần đến ngày thu hoạch. Đứng trên cầu Long Biên nhìn những cánh đồng ngô trải dài tít tắp, thấy khó tìm được một góc nhìn lý tưởng hơn ngắm lớp lớp hoa ngô tím tím và đằm thắm trong màu nắng tắt./.

Cẩm Thơ (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục