Hoàn tất công tác chuẩn bị bầu cử trong cả nước

Đến ngày 20/5, các địa phương trong cả nước đã hoàn tất công tác chuẩn bị cho ngày bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân.
Đến ngày 20/5, các địa phương trong cả nước đã hoàn tất công tác chuẩn bị cho ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016.

Công tác chuẩn bị bầu cử được các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương phối hợp đồng bộ, tiến hành khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm, đảm bảo đúng tiến độ quy định của pháp luật, tạo không khí phấn khởi, dân chủ.

Cả nước có 91.438 khu vực bỏ phiếu tại 63 tỉnh, thành phố. Hàng chục triệu cử tri sẽ tham gia cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 vào ngày 22/5.

Cử tri sẽ sáng suốt lựa chọn những người có tầm, có đức, có tài để bầu ra 500 đại biểu Quốc hội và 301.954 đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp.

Tại 183 đơn vị bầu cử, cử tri sẽ lựa chọn bầu 500 đại biểu Quốc hội khóa XIII trong số 827 ứng cử viên (gồm 182 người ở trung ương và 645 người ở địa phương).

Tại 1045 đơn vị bầu cử, cử tri sẽ bỏ phiếu để bầu 3.832 đại biểu Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh trong số 5.965 ứng cử viên.

Thực hiện Kế hoạch giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội, đến nay, Hội đồng bầu cử đã tổ chức 3 đợt giám sát, kiểm tra tình hình thực hiện công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp. Đợt I (từ 7/3 đến 18/3) tổ chức giám sát, kiểm tra tại 41 tỉnh, thành phố; đợt II (từ 4/4 đến 19/4) giám sát, kiểm tra tại 21 tỉnh, thành phố; đợt III (từ 2/5 đến 20/5) giám sát, kiểm tra tại 22 tỉnh, thành phố, kịp thời khắc phục những hạn chế trong quá trình chuẩn bị bầu cử tại các địa phương.

Hội đồng bầu cử đã ban hành 14 nghị quyết cho phép bầu cử sớm một số khu vực bỏ phiếu của 13 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và cho phép xã Pha Mu, huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu tổ chức bầu cử đại biểu Hội đồng Nhân dân cấp xã lùi 6 tháng.

Từ ngày 3-18/5, Mặt trận Tổ quốc các cấp tổ chức các cuộc tiếp xúc, gặp gỡ giữa người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIII, Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 với cử tri, để vận động bầu cử theo luật định. Không khí nhiều hội nghị cử tri rất sôi nổi, thẳng thắn nhưng cũng rất xây dựng, có sự trao đổi, đối thoại giữa cử tri với những người ứng cử, thông qua đó, tạo cơ sở để cử tri lựa chọn và bầu được những đại biểu xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của mình.

Công tác thông tin, tuyên truyền về bầu cử đã được các địa phương trong cả nước triển khai tích cực, với các hình thức đa dạng, phong phú, sinh động. Cùng với cách thức thông tin, tuyên truyền như kẻ vẽ panô, áp phích, tranh cổ động tại các khu vực đông dân cư và các địa điểm bỏ phiếu... việc tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng, qua các buổi sinh hoạt văn nghệ, tuyên truyền miệng được các địa phương coi trọng và thực hiện nghiêm túc.

Nội dung tuyên truyền tập trung vào việc nghiên cứu về tiểu sử tóm tắt, chương trình hành động của những người ứng cử; tuyên truyền về cách thức bỏ phiếu, nội quy phòng bỏ phiếu...

Các cấp, các ngành, các địa phương lên kế hoạch và phương án bảo vệ, dự kiến các tình huống phức tạp có thể xảy ra, nhất là trong ngày bầu cử; đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội, đồng thời, duy trì chế độ trực ban, giao ban thường xuyên, phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng bảo vệ bầu cử. Công tác thông tin liên lạc bảo đảm thông suốt, kịp thời trong quá trình bầu cử.

Công tác giải quyết khiếu nại, tố cao liên quan tới bầu cử được thực hiện theo đúng luật định. Các tỉnh, thành phố thành lập Tiểu ban chỉ đạo giải quyết khiếu nại, tố cáo và phân công cán bộ có trách nhiệm, có kinh nghiệm trong công tác tiếp dân, am hiểu pháp luật, địa bàn để chủ động giải quyết theo tinh thần dân chủ, đúng quy định pháp luật.

Tiểu ban chỉ đạo, giải quyết khiếu nại, tố cáo về bầu cử đã tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát về công tác chỉ đạo, giải quyết khiếu nại, tố cáo về bầu cử tại các địa phương Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Bà Rịa-Vũng Tàu, Quảng Ninh, Đồng Nai...; đồng thời Tiểu ban đã phân công các thành viên tham gia các đoàn công tác của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng bầu cử đi kiểm tra, giám sát về công tác bầu cử tại nhiều địa phương trong cả nước.

Tại các địa phương, cùng với việc nghe báo cáo tình hình khiếu nại, tố cáo và việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, Đoàn công tác trực tiếp xem xét việc giải quyết đối với một số trường hợp có nhiều đơn, thư khiếu nại, tố cáo.

Công tác chuẩn bị cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp vào ngày 22/5 đã được triển khai tích cực, chuẩn bị chu đáo, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị từ trung ương tới cơ sở.

Cụ thể, tại tỉnh Quảng Trị, đến thời điểm này, tất cả các điểm bỏ phiếu đều niêm yết danh sách ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XIII và Hội đồng Nhân dân các cấp, nhiệm kỳ 2011-2016. Các điểm bỏ phiếu, nơi công cộng được treo băng cờ, khẩu hiệu cổ vũ cho ngày bầu cử.

Sở Nội vụ cũng đã hoàn tất việc in ấn các tài liệu, biểu mẫu và gửi khuôn dấu, hòm phiếu về các địa phương; 414.258 thẻ cử tri đã được in ấn phát cho người dân trong độ tuổi để thực hiện quyền công dân của mình. Công tác tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử của các ứng cử viên đã hoàn thành.

Lãnh đạo và các thành viên Ủy ban bầu cử tỉnh cùng với cán bộ Sở Nội vụ tăng cường kiểm tra, bám sát cơ sở, giải quyết những vấn đề vướng mắc nảy sinh. Công tác bảo đảm an ninh trật tự cho ngày bầu cử cũng đã có các phương án, kế hoạch cụ thể.

Ủy ban bầu cử tỉnh chỉ đạo các ngành liên quan tăng cường nắm bắt tình hình trước, trong và sau ngày bầu cử, đảm bảo các điểm bầu cử an toàn, trật tự.

Tại Vĩnh Phúc, ông Phạm Văn Vọng, Bí thư Tỉnh ủy cho biết đã yêu cầu các cấp, chính quyền và cơ quan chức năng tiếp tục làm tốt công tác kiểm tra, giám sát toàn bộ công tác chuẩn bị đến từng đơn vị bầu cử, đến từng hòm phiếu; tất cả các công việc chuẩn bị cho ngày bầu cử đến nay cơ bản đã được hoàn tất, đảm bảo đúng tiến độ, người dân từ thành thị đến nông thôn đều tin tưởng, phấn khởi.

Để cuộc bầu cử trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc diễn ra tốt đẹp, Công an tỉnh đã chủ động triển khai kế hoạch bảo vệ bầu cử trên toàn địa bàn tỉnh. Các phòng nghiệp vụ, Ccng an các huyện, thành, thị đã nhanh chóng xây dựng kế hoạch triển khai; phân công trách nhiệm cụ thể cho từng lực lượng và cán bộ chiến sĩ. Căn cứ vào chức năng nhiệm và tình hình thực tế của từng đơn vị, địa phương, lực lượng công an đã chủ động rà soát, nắm chắc tình hình, xác định những địa bàn có tình hình phức tạp liên quan đến công tác bầu cử.

Công an tỉnh còn có kế hoạch phối hợp cùng Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh chỉ đạo Công an-Ban chỉ huy Quân sự các huyện, thành, thị tăng cường lực lượng tổ chức tuần tra canh gác bảo vệ an ninh trật tự, nhất là tại những khu vực bỏ phiếu, nơi niêm yết danh sách cử tri, danh sách và tiểu sử các ứng cử viên, kịp thời phát hiện và ngăn chặn hoạt động của các phần tử xấu, đối tượng quá khích, hoạt động của tội phạm hình sự, tệ nạn xã hội.

Không khí của ngày hội lớn đã lan tỏa khắp mọi nơi trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk từ phố phường đông đúc đến những buôn làng xa xôi. Đi đến đâu cũng thấy các panô, băngrôn, khẩu hiệu, cờ phướn... tuyên truyền cho bầu cử được trang trí công phu.

Ông Hoàng Trọng Hải, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Ủy ban bầu cử tỉnh cho biết đến nay, các bước thực hiện cho công tác bầu cử Quốc hội khóa XIII và Hội đồng Nhân dân các cấp của tỉnh Đắk Lắk đã hoàn tất, đảm bảo đúng quy trình, tiến độ và luật định.

Trong lần bầu cử này, tỉnh Đắk Lắk được bầu 9 đại biểu Quốc hội, 85 đại biểu Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh, 560 đại biểu Hội đồng Nhân dân cấp huyện, 5509 đại biểu Hội đồng Nhân dân cấp xã, phường, thị trấn.

Toàn tỉnh có 3 đơn vị bầu cử Quốc hội, 22 đơn vị bầu cử Hội đồng Nhân dân tỉnh, 164 đơn vị bầu cử cấp huyện, 1531 đơn vị bầu cử Hội đồng Nhân dân xã phường, thị trấn. Số cử tri tham gia bầu cử các cấp của tỉnh là 1.105.227 người, cử tri nữ là 554.967 người, cử tri đi bầu lần đầu 136.144 người.

Tỉnh Đắk Lắk có 8 đơn vị được bầu cử sớm là 7 đồn biên phòng và 1 tiểu đoàn huấn luyện cơ động thuộc 2 huyện biên giới Ea Súp và Buôn Đôn.

Tỉnh Long An đã có 1.328 điểm bầu cử Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp với 1.108.335 cử tri. Hiện nay tỉnh đã hoàn tất việc chuẩn bị mỗi điểm 2 thùng phiếu chính và 1 thùng phiếu phụ để tổ bầu cử mang đến các hộ cử tri già yếu neo đơn, các trạm xá, bệnh viện tạo điều kiện thuận lợi cho cử tri trực tiếp bỏ phiếu chọn lựa những đại biểu có tài, có đức.

Lực lượng công an phối hợp với bộ đội, dân quân tự vệ xã phường, ấp bố trí mỗi điểm bỏ phiếu từ 2-5 cán bộ chiến sỹ, dân quân tự vệ giữ an ninh trật tự điểm bỏ phiếu 24/24 giờ trong ngày 21 và 22/5/2011.

Ngoài ra, lực lượng công an còn phối hợp bộ đội biên phòng, lực lượng quản lý thị trường tỉnh tổ chức tuần tra, kiểm soát dọc theo tuyến biên giới ở các huyện Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, Thạnh Hóa và Đức Huệ, tổ chức các chốt kiểm soát ở trục giao thông và những nơi hẻo lánh tiếp giáp biên giới nhằm bảo vệ tốt ngày bầu cử Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp.

Trước ngày bầu cử, lực lượng công an xã tổ chức kiểm tra đăng ký tạm vắng tạm trú ở các nhà trọ, nhà nghỉ, tuần tra kiểm soát và nhắc nhở những quán bán giải khát, quán nhậu không được bán quá giờ trong những ngày chuẩn bị bầu cử.

Trong ngày bầu cử, ngành y tế Nam Định đảm bảo 100% quân số, trực gác 24/24 giờ, phối hợp với các ngành chức năng giữ gìn an toàn cho hoạt động bầu cử.

Trung tâm Văn hóa thành phố Đà Nẵng đã làm hàng trăm tấm panô, tranh cổ động và khẩu hiệu, 300 phướn, 45 băngrôn… treo tại các tuyến đường. Đặc biệt, Trung tâm đã dựng mới 4 cụm panô tranh cổ động cỡ lớn tại Quảng trường trước Nhà hát Trưng Vương, bùng binh đường Nguyễn Văn Linh (nối dài)-Bạch Đằng; bờ Tây đầu cầu Sông Hàn và tại ngã ba đường 2 tháng 9 và Phan Đăng Lưu.

Ngoài ra, trung tâm đã phát hành cho các quận, huyện đĩa CD hỏi-đáp Luật Bầu cử, đĩa CD nhạc cổ động bầu cử; phát hành 11.000 tờ ápphích khẩu hiệu cho các sở, ban, ngành và quận, huyện trong thành phố.

Bên cạnh đó, Trung tâm còn tổ chức xe đi tuyên truyền lưu động về Luật Bầu cử và nhạc cổ động tại các điểm đông dân cư.

Theo Sở Nội vụ, tất cả các tổ bầu cử đều được bố trí thùng phiếu chính đặt tại khu vực bỏ phiếu và có thùng phiếu phụ trong ngày bầu cử 22/5. Có ít nhất hai thành viên của Tổ bầu cử có trách nhiệm đưa thùng phiếu phụ đến chỗ của cử tri đau ốm không thể đi bầu cử...

Cùng với việc gấp rút triển khai công tác chuẩn bị bầu cử của chính quyền các cấp, tổ chức công đoàn thành phố đã nỗ lực tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao hiểu biết pháp luật trong công nhân viên chức lao động, phát huy quyền và nghĩa vụ công dân trong ngày hội lớn của đất nước; vận động các doanh nghiệp tạo điều kiện thuận lợi để người lao động được tham gia bầu cử đúng thời gian, quy định./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục