Hoàn thành phục hồi khu di tích tháp Cánh Tiên

Sau gần 6 năm thi công, sáng 17/6, công trình tu bổ, phục hồi tháp Cánh Tiên, tỉnh Bình Định đã được khánh thành và bàn giao.
Sau gần 6 năm thi công, sáng 17/6 tại xã Nhơn Hậu, huyện An Nhơn, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định và Tổng lãnh sứ quán Cộng hòa Liên bang Đức tại Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức lễ khánh thành và bàn giao công trình tu bổ, phục hồi di tích tháp Cánh Tiên, tỉnh Bình Định.

Công trình tu bổ và phục hồi tháp Cánh Tiên đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thẩm định dự án đầu tư và thỏa thuận hồ sơ thiết kế kỹ thuật. Trên cơ sở đó Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định đã phê duyệt dự án với tổng mức đầu tư trên 7,517 tỷ đồng. Trong đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đầu tư hơn 3,429 tỷ đồng; Cộng hòa liên bang Đức tài trợ 100.000 euro (tương đương hơn 2,241 tỷ đồng) và Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định đầu tư trên 1,792 tỷ đồng.

Công trình được khởi công tháng 7/2005 dưới sự hướng dẫn kỹ thuật của Viện Khoa học Công nghệ xây dựng và Công ty cổ phần xây dựng và phát triển Đô thị Bình Định thi công.

Trong quá trình thi công trùng tu, phục hồi có kết hợp khai quật khảo cổ, bổ sung chứng cứ khoa học hoàn chỉnh thiết kế trùng tu theo nguyên tắc phong cách, chất liệu, vị trí, kỹ thuật, truyền thống, dấu ấn lịch sử tâm linh và gắn bó, thích nghi với môi trường cảnh quan, sự kết tinh đỉnh cao của các nghề thủ công và nghệ thuật truyền thống.

Để tu bổ và phục hồi, đơn vị thi công đã nghiên cứu tạo ra loại gạch giống như gạch thời Champa. Bằng phương pháp dùng khuôn mẫu gạch giống như gạch hiện có tại tháp và cho chế độ sấy nung lửa dưới 850 độ C, với thời gian lưu dài ngày phụ thuộc vào kích thước của viên gạch; thời gian giữ nhiệt trong lò vòm lửa đảo khoảng 10 ngày và trong cả chu kỳ nung kéo dài từ 25-30 ngày mới cho chất liệu viên gạch đảm bảo theo tiêu chuẩn trùng tu.

Tiếp theo là người thợ còn nghiên cứu kỹ thuật thu nhớt làm chất kết dính gạch từ cây bời lời. Nhớt cây bời lời có thể sử dụng vỏ cây tươi, hoặc vỏ cây khô nghiền mịn để đảm bảo cho xây mài chập. Chính nhờ phương pháp này mà công trình tu bổ sau khi hoàn thành có trạng thái giống y hệt khối xây cổ, không làm phá vỡ cấu trúc, đường nét của tháp.

Tháp Cánh Tiên Bình Định, được xây dựng vào thế XI, cao 20m. Trải qua nhiều biến cố của lịch sử cũng như tác động của thiên nhiên, nhưng tháp Cánh Tiên vẫn uy nghi trên một quả đồi cao tại xã Nhơn Hậu.

Tuy nhiên, Tháp Cánh Tiên cũng như nhiều khu tháp Chăm còn lại trên đất Bình Định do trải qua thời gian dài nên cũng xuống cấp như các mảng phù điêu rơi rớt, tháp gốc sụp đổ, cửa tháp sạt lở, các khối xây nứt bị gãy và thẩm thấu... Do đó, việc tu bổ, phục hồi di tích tháp Cánh Tiên có một ý nghĩa to lớn không chỉ bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể có giá trị tiêu biểu mà còn tạo ra một điểm tham quan du lịch, nghiên cứu của du khách ở trong và ngoài nước./.

Viết Ý (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục