Mỗi năm phát hiện khoảng 2.000 trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại

Hoàn thiện Báo cáo thực hiện chính sách về phòng, chống xâm hại trẻ em

Công tác bảo vệ trẻ em, tình hình xâm hại trẻ em, đặc biệt là tình trạng xâm hại tình dục, bạo lực học đường vẫn diễn biến phức tạp, gây bức xúc trong xã hội.
Hoàn thiện Báo cáo thực hiện chính sách về phòng, chống xâm hại trẻ em ảnh 1Pano giúp người dân nhận thức về xâm hại tình dục trẻ em. (Nguồn: AFP)

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam giao Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tổng hợp, tiếp thu ý kiến thành viên Chính phủ và hoàn thiện Báo cáo của Chính phủ việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em.

Đồng thời, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội thay mặt Chính phủ, thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ ký và chịu trách nhiệm về Báo cáo của Chính phủ, gửi Đoàn giám sát Quốc hội trong ngày 17/12/2019.

Thời gian qua, Nhà nước luôn quan tâm, chỉ đạo sâu sát công tác bảo vệ trẻ em như: việc Quốc hội ban hành Bộ luật Hình sự năm 2015, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, Luật Trẻ em năm 2016; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều văn bản nhằm tăng cường các giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em; phê duyệt Chương trình bảo vệ trẻ em giai đoạn 2016-2020, thành lập Ủy ban quốc gia về trẻ em năm 2017...

Tuy nhiên, công tác bảo vệ trẻ em, tình hình xâm hại trẻ em, đặc biệt là tình trạng xâm hại tình dục, bạo lực học đường vẫn diễn biến phức tạp, gây bức xúc trong xã hội.

Theo số liệu thống kê tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác bảo vệ trẻ em (ngày 6/8/2018), mỗi năm có khoảng 2.000 trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại được phát hiện, xử lý. Trên thực tế, con số này còn lớn hơn nữa vì trẻ em và gia đình của nạn nhân không tố giác do e ngại lộ thông tin, ảnh hưởng đến trẻ em và gia đình.

[Ra mắt ứng dụng ‘Tổng đài 111’ bảo vệ trẻ em trên điện thoại]

Qua một số vụ xâm hại trẻ em diễn ra gần đây có thể thấy sau lần đầu bị xâm hại, nhiều em và gia đình không tố cáo, trình báo sự việc sớm mà chấp nhận tiếp tục là nạn nhân của những hành vi đó, bởi đây là vấn đề có tính nhạy cảm, người thân thường muốn giữ kín, không tố giác, sợ ảnh hưởng đến các em. Chính sự sợ hãi, thiếu hiểu biết, sợ bị kỳ thị là những rào cản khiến các em khó chia sẻ, tâm sự với người thân khi mình đang bị lạm dụng.

Mặt khác, kẻ phạm tội thường uy hiếp, đe dọa tinh thần, khiến các em chỉ biết chọn cách im lặng và chịu đựng. Hầu hết các vụ xâm hại tình dục trẻ em không có nhân chứng, việc bảo vệ hiện trường, thu thập chứng cứ thường gặp nhiều khó khăn khi vụ việc được đưa ra ánh sáng, việc lấy lời khai bị hại dễ dẫn đến trẻ bị tổn thương về tinh thần.

Phần lớn bị hại còn nhỏ tuổi, nhận thức chưa đầy đủ nên không thể nhớ chính xác những vấn đề liên quan như thời gian, địa điểm, diễn biến của vụ việc, không cung cấp được thông tin chính xác, gây khó khăn trong quá trình điều tra của cơ quan chức năng, khó có căn cứ khởi tố bị can.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do công tác bảo vệ trẻ em ở nhiều nơi chưa được quan tâm đúng mức, kịp thời; không ít trẻ em vẫn chưa nhận được sự quan tâm, chăm sóc, giáo dục, bảo vệ cần thiết nên bị xâm hại cả về thể xác và tinh thần.

Bạo lực, xâm hại trẻ em hiện không chỉ diễn ra trong cộng đồng hay tại nơi làm việc mà còn diễn ra ngay tại gia đình, nhà trường và các cơ sở chăm sóc trẻ em.

Nhiều vụ việc, hành vi xâm hại trẻ em chưa được phát hiện, ngăn chặn kịp thời, có vụ việc xử lý chưa nghiêm; văn bản quy phạm pháp luật còn có những khoảng trống, như ở địa phương còn thiếu các quy định, triển khai các chính sách về bảo vệ trẻ em, thiếu đội ngũ cán bộ làm công tác trẻ em... Vì vậy, đây là cơ sở quan trọng để Quốc hội tiếp tục tiến hành giám sát vấn đề này trong năm 2020./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục