Hoàn thiện dự thảo báo cáo INDC ứng phó biến đổi khí hậu

Bộ Tài nguyên-Môi trường và các bộ, ngành liên quan đã, đang khẩn trương xây dựng, hoàn thiện dự thảo báo cáo xây dựng dự kiến đóng góp quốc gia tự quyết định ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu.
Hoàn thiện dự thảo báo cáo INDC ứng phó biến đổi khí hậu ảnh 1Hồ nuôi tôm cạn kiệt nước. Ảnh minh họa. (Nguồn: Thế Anh/TTXVN)

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng dự kiến đóng góp quốc gia tự quyết định (INDC), Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan đã và đang khẩn trương triển khai xây dựng, hoàn thiện dự thảo báo cáo INDC của Việt Nam để ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu.

Ngày 18/5, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) tổ chức Hội thảo tham vấn với Hội đồng tư vấn của Ủy ban Quốc gia về Biến đổi khí hậu, cùng các bên liên quan về dự thảo báo cáo INDC của Việt Nam.

Chủ trì hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, Chủ tịch hội đồng tư vấn của Ủy ban quốc gia về biến đổi khí hậu (VPCC) cho biết thực hiện Quyết định của Hội nghị lần thứ 19 (COP19) các Bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp quốc về Biến đổi khí hậu (UNFCCC), được yêu cầu xây dựng INDC và báo cáo INDC được coi là nội dung quan trọng, góp phần xây dựng Thỏa thuận quốc tế toàn cầu về biến đổi khí hậu, dự kiến sẽ được thông qua tại COP21 tại Paris, Pháp năm 2015.

Thỏa thuận toàn cầu mới về khí hậu gồm năm trụ cột chính là thích ứng; giảm nhẹ; tăng cường năng lực, chuyển giao công nghệ; tài chính và minh bạch trong các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu và hỗ trợ. Thỏa thuận 2015 dự định có hiệu lực thi hành từ năm 2021 và áp dụng cho tất cả các Bên tham gia Công ước khí hậu.

Hiện đã có 10 Bên tham gia Công ước Khí hậu trình Ban thư ký Công ước INDC của mình. Các quốc gia được khuyến khích đệ trình báo cáo INDC càng sớm càng tốt trước khi diễn ra Hội nghị COP21. Báo cáo INDC của mỗi quốc gia được yêu cầu nêu rõ đóng góp là công bằng, với nỗ lực cao nhất, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế-xã hội của mỗi quốc gia, góp phần đáng kể bảo vệ hệ thống khí hậu Trái Đất. INDC nhằm đóng góp về giảm khí nhà kính, để đạt mục tiêu cuối thế kỷ 21 nhiệt độ tăng không quá 2 độ C và nhân loại chỉ có thể tiêu dùng 790 tỷ tấn cácbon để đạt mục tiêu đấy.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với các nhà tài trợ, các bộ, ngành liên quan để triển khai xây dựng INDC của Việt Nam; nghiên cứu các Quyết định của COP 20 để triển khai một cách phù hợp tại Việt Nam; kiện toàn thành viên Ban công tác đàm phán về biến đổi khí hậu và chuẩn bị tốt năng lực đàm phán, để Việt Nam có thể tham gia thảo luận xây dựng Thỏa thuận khí hậu 2015 đảm bảo quyền lợi chính đáng của Việt Nam, cũng như có những đóng góp phù hợp với các quy định của UNFCCC.

Các đại biểu tham gia hội thảo đều cho rằng, việc xây dựng INDC không chỉ thực hiện nghĩa vụ của một bên nước đang phát triển tham gia Công ước khí hậu, mà còn thể hiện vai trò tích cực, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tận dụng các cơ hội phát triển nền kinh tế các-bon thấp, giảm phát thải khí nhà kính, tăng trưởng xanh, tăng cường năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu, đảm bảo an ninh lương thực, an ninh năng lượng, an sinh xã hội và phát triển bền vững tại Việt Nam.

Mục tiêu của INDC Việt Nam là cung cấp các thông tin ban đầu về mức đóng góp dự kiến của Việt Nam với các thông tin rõ ràng, minh bạch, có định lượng và kỳ vọng về giảm phát thải khí nhà kính và các hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu sẽ được thực hiện tại Việt Nam, trong giai đoạn 2021-2030 cho Công ước khí hậu. Qua đó thể hiện nỗ lực to lớn của Chính phủ Việt Nam cùng cộng đồng thế giới ứng phó với biến đổi khí hậu, để bảo vệ hệ thống khí hậu Trái Đất và phát triển bền vững trong thời gian tới.

Với sự hỗ trợ của UNDP và GIZ, hai nhóm chuyên gia trong nước và quốc tế xây dựng hợp phần giảm nhẹ và hợp phần thích ứng của INDC đã được tuyển chọn. Bước đầu đã hoàn thành xây dựng dự thảo INDC của Việt Nam.

Vì vậy, Hội thảo tham vấn với Hội đồng tư vấn của Ủy ban Quốc gia về Biến đổi khí hậu và các bên liên quan, về dự thảo báo cáo INDC của Việt Nam là cơ hội để các thành viên Hội đồng tư vấn quốc gia, đại diện các tổ chức quốc tế, các bộ, ngành góp ý chi tiết cho dự thảo INDC của Việt Nam. Chỉnh sửa, hoàn thiện trước khi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt vào tháng 6/2015./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục