Hoàn thiện dự thảo hồ sơ Khu dự trữ sinh quyển Lang Biang

Các nhà khoa học trong nước và đại diện một số tổ chức quốc tế đang tiến hành hoàn thiện hồ sơ đề cử khu dự trữ sinh quyển Lang Biang để chuyển lên UNESCO trong tháng Chín này.

Ngày 4/9, tại Hà Nội, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng tổ chức hội thảo khoa học quốc tế nhằm hoàn thiện dự thảo hồ sơ Khu dự trữ sinh quyển Lang Biang (Lâm Đồng) với sự tham gia đông đảo của các nhà khoa học trong nước và đại diện một số tổ chức quốc tế.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Phạm S, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng và ông Nguyễn Mạnh Thắng, Phó Tổng thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam cho biết Khu dự trữ sinh quyển Lang Biang có vùng lõi là Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà (Lâm Đồng) là một trung tâm đa dạng sinh học của cả nước, đứng đầu danh sách ưu tiên cao về bảo tồn đa dạng sinh học cấp quốc gia.

Nhiều loài động, thực vật có tên trong Sách Đỏ Việt Nam và được liệt kê vào danh mục Sách Đỏ của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế.

Đây cũng là địa danh nổi tiếng trong cả nước về cảnh quan, các giá trị đa dạng sinh học và không gian văn hóa bản địa phong phú.

Một trong những điểm đáng chú ý ở đây chính là mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên được gắn kết rất chặt chẽ, hài hòa - là điều kiện cơ bản cho việc bảo tồn các giá trị văn hóa, đa dạng sinh học và phát triển kinh tế chất lượng bền vững của địa phương.

Bởi vậy, việc bảo tồn đa dạng sinh học ở khu dự trữ sinh quyển đề cử Lang Biang, có vùng lõi là Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà, có vai trò quan trọng trong bảo vệ, phòng hộ đầu nguồn, cung cấp dịch vụ môi trường, phát triển du lịch bảo vệ an ninh quốc phòng và phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Lâm Đồng, ông Phạm S, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng nhấn mạnh.

Trình bày dự thảo hồ sơ khu dự trữ sinh quyển Lang Biang, giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Hoàng Trí, Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia Chương trình Con người và Sinh quyển Việt Nam cho rằng, giá trị của khu dự trữ sinh quyển Lang Biang là sự kết nối văn hóa với vùng Tây Nguyên và sử dụng văn hóa để bảo tồn thiên nhiên, thể hiện triết lý con người với thiên nhiên. Nó cũng chính là sự kết nối đa dạng cảnh quan sinh học với không gian văn hóa bản địa trong bảo tồn và phát triển.

Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học trong nước, đại diện một số tổ chức quốc tế thống nhất cho rằng, để hoàn thiện hồ sơ khu dự trữ sinh quyển Lang Biang, Hội đồng tư vấn cần phải bổ sung cập nhật các số liệu mới, đảm bảo độ chính xác cao đồng thời làm rõ hơn nữa tầm quan trọng trong việc xây dựng khu dự trữ sinh quyển, nhấn mạnh thông tin thể hiện ý thức của người dân trong việc bảo vệ rừng với những mô hình dẫn chứng cụ thể.

Trong hồ sơ lần này cần phải bổ sung tính đa dạng sinh học bởi đây là một nội dung quan trong trong hệ sinh thái bền vững, bảo tồn phát triển, cả về động vật và thực vật, bên cạnh đó cần nêu bật văn hóa đặc hữu chỉ có ở nơi đây.

Các chuyên gia đề nghị cần phân tích làm rõ hơn về vấn đề sinh thái ở địa phương gắn với hoạt động của con người, đặc biệt là kinh tế xanh và phải đưa ra những sản phẩm cụ thể để chứng minh thì mới có sức thuyết phục.

Các nhà khoa học cũng cho rằng, trong quá trình hoàn thiện hồ sơ đề cử khu dự trữ sinh quyển Lang Biang cần chú ý nhấn mạnh đến vấn đề đánh giá sự hài hòa, sự tiếp cận sẵn sàng của con người gắn với bảo tồn thiên nhiên.

Các ý kiến đóng góp trong hội thảo lần này sẽ được xem xét bổ sung vào dự thảo xây dựng hồ sơ khu dự trữ sinh quyển Lang Biang.

Dự kiến, từ ngày 5-10/9, hồ sơ sẽ hoàn thiện bản tiếng Anh lần 1; từ ngày 11-19/9, hoàn chỉnh bản thảo lần cuối, cả tiếng Việt, tiếng Anh, trong đó có cả chữ ký của chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng, từ ngày 19-22/9 cơ quan chức năng sẽ chuyển hồ sơ cho UNESCO tại Jakarta (Indonesia); từ ngày 22-25/9, hồ sơ sẽ được chuyển sang UNESCO Paris (Pháp)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục