Hoàn thiện kỳ thi THPT quốc gia thông qua đổi mới phương thức thi

Rút kinh nghiệm từ thực tiễn triển khai những năm gần đây, năm 2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục hoàn thiện kỳ thi trung học phổ thông quốc gia thông qua đổi mới phương thức thi.
Hoàn thiện kỳ thi THPT quốc gia thông qua đổi mới phương thức thi ảnh 1Ảnh chỉ có tính minh họa. (Ảnh: Quý Trung/TTXVN)

Trong phiên họp báo Chính phủ tối 4/10, Người phát ngôn của Chính phủ cho hay trên cơ sở tổng kết, rút kinh nghiệm từ thực tiễn triển khai những năm gần đây, năm 2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục hoàn thiện kỳ thi trung học phổ thông quốc gia thông qua đổi mới phương thức thi.

Theo Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, hầu hết các môn thi (trừ môn Ngữ văn) được thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan. Thời gian thi được rút ngắn từ bốn ngày xuống còn hai ngày. Số bài thi tăng lên để tránh tình trạng học lệch.

Mỗi thí sinh trong cùng một phòng thi có một mã đề thi trắc nghiệm riêng, kết quả làm bài của thí sinh được chấm bằng máy nên cơ bản loại trừ được tiêu cực có thể xảy ra trong quá trình coi thi, chấm thi làm cho kết quả kỳ thi có độ tin cậy cao hơn. Đây là sự tiếp nối quá trình đổi mới trong những năm vừa qua theo lộ trình.

Từ năm 2007, Bộ đã tổ chức bốn môn thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan. Bộ cũng đã chỉ đạo các Sở Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn giáo viên kiểm tra, đánh giá quá trình học tập tất cả các môn học của học sinh bằng cả hai phương thức tự luận và trắc nghiệm. Giáo viên và học sinh đã quen thuộc với hình thức thi trắc nghiệm từ nhiều năm nay, do vậy không làm ảnh hưởng đến kế hoạch dạy học và ôn tập của giáo viên và học sinh.

Trong quá trình xây dựng phương án tổ chức kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2017 đã tham vấn ý kiến các chuyên gia, các trường đại học và các Sở Giáo dục và Đào tạo trong cả nước.

Để tổ chức tốt kỳ thi, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo sớm công bố đề thi minh họa để thí sinh và giáo viên tham khảo, chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết, nhất là ngân hàng đề thi; đồng thời tích cực thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa, phương pháp giảng dạy; tăng cường kiểm định và nâng cao chất lượng đào tạo, qua đó nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển đất nước trong thời gian tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục