Hoàn thiện luật về công tác chăm sóc sức khỏe

Sáng 15/6, thảo luận tại hội trường về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh, đa số ý kiến của các đại biểu Quốc hội đều bày tỏ sự nhất trí với việc cần thiết xây dựng Luật Khám bệnh, chữa bệnh, góp phần bổ sung và tiếp tục hoàn thiện cơ chế, pháp luật cho công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân; tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, cũng như đẩy mạnh xã hội hóa, huy động nguồn lực để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.

Sáng 15/6, thảo luận tại hội trường về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh, đa số ý kiến của các đại biểu Quốc hội đều bày tỏ sự nhất trí với việc cần thiết xây dựng Luật Khám bệnh, chữa bệnh, góp phần bổ sung và tiếp tục hoàn thiện cơ chế, pháp luật cho công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân; tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, cũng như đẩy mạnh xã hội hóa, huy động nguồn lực để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.

Luật Khám bệnh, chữa bệnh ra đời sẽ góp phần tạo môi trường bình đẳng và cạnh tranh lành mạnh giữa các cơ sở khám chữa bệnh của Nhà nước với cơ sở khám chữa bệnh tư nhân, trên cơ sở đó đáp ứng ngày càng tốt hơn chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Còn nhiều ý kiến khác nhau về tên gọi của dự án Luật

Thảo luận về nội dung này, đại biểu Nguyễn Thị Sáng (Tiền Giang) cho rằng tên của dự án Luật nên là Luật hành nghề y vì hiện tại trên thế giới, đa số các nước ban hành Luật hành nghề y, không có nước nào ban hành Luật khám bệnh, chữa bệnh. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần cân nhắc để xây dựng pháp luật phù hợp với xu hướng hội nhập quốc tế hiện nay.

Đại biểu Lưu Thị Chi Lan (Vĩnh Phúc) cùng nhiều ý kiến khác cho rằng dự thảo Luật quy định chủ yếu liên quan đến người hành nghề y, điều kiện hành nghề, cấp mới, thu hồi, gia hạn chứng chỉ hành nghề, giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám chữa bệnh nên tên gọi là Luật Khán chữa bệnh không phù hợp mà nên đổi thành Luật hành nghề y.

Đại biểu Triệu Sỹ Lầu (Cao Bằng) lại đề nghị giữa tên gọi là Luật Khám bệnh, chữa bệnh như trong dự thảo vì dễ hiểu, gần gũi với người dân. Nhưng để cho phù hợp, đại biểu đề nghị bổ sung thêm đầy đủ các nội dung theo hướng quy định để phục vụ cao nhất đối với người bệnh; đồng thời bổ sung thêm các quy định về tiêu chuẩn đối với người thầy thuốc, chính sách, chế độ đào tạo, chế độ ưu đãi đối với cán bộ y tế.

Đại biểu Trương Thị Thu Hằng (Đồng Nai) và một số đại biểu khác tán thành với quan điểm của Ủy ban về các vấn đề xã hội nếu lấy tên là Luật khám bệnh, chữa bệnh thì cần bổ sung thêm một số nội dung liên quan đến điều kiện bảo đảm khám chữa bệnh và điều chỉnh lại bố cục cho hợp lý mới đáp ứng được yêu cầu Luật ban hành nhằm góp phần cải thiện chất lượng khám chữa bệnh cho người dân.

Công chức, viên chức ngành y có được làm thêm ngoài giờ

Đại biểu Trần Thị Hằng (Nam Định) đề nghị cần phân biệt rõ giữa việc công chức, viên chức y tế đứng tên thành lập hoặc tham gia thành lập, tham gia quản lý điều hành các cơ sở khám bệnh tư nhân với việc công chức, viên chức y tế làm thêm ngoài giờ hành chính. Theo đại biểu nên cấm hoàn toàn các công chức, viên chức y tế thành lập hoặc quản lý điều hành cơ sở khám chữa bệnh tư nhân để hạn chế nẩy sinh các tiêu cực như lôi kéo bệnh nhân từ các cơ sở công lập về khám chữa bệnh tư nhân, coi việc công là phụ việc tư là chính. Đại biểu nhấn mạnh việc nghiêm cấm này phù hợp với Luật Phòng chống tham nhũng.

Đại biểu đề nghị không nên cấm công chức, viên chức y tế làm thêm ngoài giờ tại các cơ sở khám, chữa bệnh; đồng thời dự luật cần có những quy định cụ thể, hữu hiệu để quản lý số công chức viên chức làm thêm ngoài giờ. Đại biểu cho rằng thực tế hiện nay lương của cán bộ y tế thấp, đời sống của đa số công chức, viên chức trong ngành y còn gặp nhiều khó khăn. "Đối với cán bộ y tế có nhu cầu, có chuyên môn trình độ nên cho phép được hành nghề ngoài giờ" - đại biểu nhấn mạnh và đề nghị để quản lý cần cấp chứng chỉ hành nghề, trong trường hợp vi phạm sẽ bị tước giấy phép.

Đại biểu Nguyễn Phạm Ý Nhị cũng tán thành với quan điểm này, đề nghị quy định cán bộ, viên chức ngành y được quyền làm thêm ngoài giờ tại các cơ quan y tế khác với những lý do: khai thác triển để chất xám của cán bộ ngành y, đặc biệt đội ngũ có trình độ tay nghề cao, có bề dày kinh nghiệm, góp phần khắc phục tình trạng thiếu nguồn nhân lực trong ngành y; đồng thời đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng khám chữa bệnh của một bộ phận bệnh nhân và tạo điều kiện tăng thu nhập, giúp cán bộ, viên chức ngành y an tâm công tác.

Không cùng với quan điểm trên, đại biểu Hoàng Thị Hương (Lạng Sơn) đề nghị khi xem xét có nên cho phép công chức, viên chức ngành y ở các cơ sở y tế công lập tham gia khám chữa bệnh bên ngoài cần cân nhắc một số nội dung như người hành nghề khám chữa bệnh là những người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật đặc thù, liên quan đến sức khỏe con người, làm việc nhiều nơi có thể không đảm bảo hiệu quả làm việc, xung đột lợi ích hoặc ảnh hướng tới chính sức khỏe của y, bác sĩ do làm việc quá nhiều.

Đại biểu nhấn mạnh trong pháp luật cán bộ công chức đều có quy định hạn chế người lao động, công chức viên chức tham gia nhiều quan hệ lao động (như Luật Luật sư). Nếu cho phép công chức, viên chức thuộc cơ quan y tế công tham gia khám chữa bệnh bên ngoài phải cân nhắc quy định sao cho đảm bảo tính thống nhất của pháp luật.

Đại biểu đề nghị nên nghiên cứu đổi mới mạnh mẽ cơ chế sử dụng và trả lương cho công chức, viên chức ngành y để đảm bảo sử dụng, phát huy tối đa chuyên môn và đảm bảo quyền và lợi ích để y, bác sĩ được sử dụng, cống hiến, đãi ngộ xứng đáng ngay tại cơ sở của mình./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục