Hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển bền vững

Trong giai đoạn tới, để thúc đẩy phát triển bền vững ở Việt Nam, cần hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách về phát triển bền vững.
Chiều 6/1, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch Hội đồng phát triển bền vững Quốc gia đã chủ trì Hội nghị phát triển bền vững toàn quốc lần thứ 3 với sự tham dự của đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương, các tổ chức quốc tế tại Việt Nam.

Đại diện lãnh đạo 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tham dự Hội nghị theo hình thức truyền hình trực tuyến.

Hội nghị xác định trong giai đoạn tới, để thúc đẩy việc thực hiện phát triển bền vững ở Việt Nam, cần hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách về phát triển bền vững; thực hiện lồng ghép nguyên tắc phát triển bền vững trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển quốc gia, ngành và địa phương. Cần đẩy mạnh công tác giáo dục phát triển bền vững, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về phát triển bền vững, đào tạo và tăng cường năng lực quản lý về phát triển bền vững cho đội ngũ cán bộ quản lý các cấp, doanh nghiệp, các tổ chức chính trị-xã hội, nghề nghiệp và cộng đồng dân cư .

Cùng với huy động các nguồn lực để thực hiện phát triển bền vững và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đó, cần xây dựng hệ thống giám sát, đánh giá việc thực hiện phát triển bền vững.

Ngoài ra cần tăng cường sự phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, các tổ chức xã hội, nghề nghiệp trong việc triển khai thực hiện Định hướng chiến lược phát triển bền vững, cần huy động sự tham gia của các tầng lớp nhân dân trong thực hiện phát triển và m ở rộng hợp tác quốc tế về phát triển bền vững

Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh Việt Nam đã đạt được những kết quả nhất định là duy trì tăng trưởng kinh tế trong thời gian 10 năm qua trên 7%, đạt thành tích nổi bật trong xóa đói giảm nghèo, đạt yêu cầu về phổ cập giáo dục, chăm sóc y tế cơ bản đã có bước tiến bộ lớn, 19 lĩnh vực hoạt động ưu tiên trong Định hướng đều xuất hiện các mô hình...

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cho rằng kết quả đạt được trong thời gian qua là đáng tự hào những vẫn còn có những hạn chế cần rút kinh nghiệm. Đó là sự quan tâm chỉ đạo của các cấp còn chưa đúng mức, công tác tuyên truyền chưa được chú trọng, năng suất lao động trong nhiều lĩnh vực có xu hướng giảm, đóng góp vốn vào tăng trưởng kinh tế ngày càng tăng, chỉ quan tâm đến cân đối vốn, đất đai cho sản xuất nhưng chưa quan tâm đến quy hoạch phát triển nhân lực, vấn đề ô nhiễm môi trường không giảm, chênh lệch thu nhập ngày càng cao, sự phát triển của khoa học công nghệ chưa đạt yêu cầu đặt ra...

Những vấn đề trên đặt ra yêu cầu cần thay đổi mô hình tăng trưởng, tiêu hao ít hơn để tăng trưởng như cũ hoặc cao hơn. Đặc biệt, trong bối cảnh môi trường kinh tế thế giới, biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến khó lường, Việt Nam hơn lúc nào hết cần tự quyết định vận mệnh phát triển của mình.

Theo Phó Thủ tướng, Việt Nam cần có giải pháp, lộ trình trung, dài hạn để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô. Để phát triển bền vững cần cân đối vốn, đất đai, con người và năng lượng, trong đó chú trọng cân đối về con người, thực hiện quy hoạch nhân lực.

Cần giám sát phát triển xuất khẩu, sử dụng ngân sách có hiệu quả, đầu tư cho các vùng khó khăn để các vùng này tự lực vươn lên, phát huy tốt vai trò của khoa học công nghệ, cần có sự hỗ trợ đối với sự phát triển của doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Ngoài ra, cần có chỉ tiêu giám sát quá trình phát triển bền vững, trong đó chú trọng sản phẩm nội địa xanh, giám sát chỉ tiêu năng suất lao động, tỷ lệ chấp hành luật pháp của các tổ chức, cá nhân, tỷ lệ đạt chuẩn về an sinh xã hội, khả năng tiếp cận các thông tin thông qua hệ thống Internet.

Cần quan tâm hoàn thiện các hệ thống chỉ tiêu, qua đó có thể đánh giá việc thực hiện tại các địa phương, các ngành và cả nước, xác định nguyên tắc vận hành của các đơn vị tham gia vào chương trình mục tiêu phát triển bền vững...

Phó Thủ tướng đề nghị ngay sau Hội nghị, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương hoàn thiện Báo cáo bao gồm các giải pháp, hệ thống chỉ tiêu để trong tháng 2/2011 trình Chính phủ Định hướng phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011-2020 và Kế hoạch hành động Quốc gia thực hiện phát triển bền vững giai đoạn 2011-2015. Các Bộ, ngành, địa phương xây dựng chương trình kế hoạch hành động và hoàn thiện trong tháng 6/2011.

Hội nghị được tổ chức nhằm tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Định hướng Chiến lược phát triển bền vững ở Việt Nam giai đoạn 2005-2010 và để xuất các khuyến nghị, giải pháp nhằm thực hiện phát triển bền vững ở Việt Nam trong giai đoạn tới.

Hội nghị là cơ hội để đánh giá lại các vấn đề phát triển bền vững dưới tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu và tác động của biến đổi khí hậu để có những hiệu chỉnh cần thiết trong chiến lược và chính sách phát triển nhằm bảo đảm phát triển bền vững đất nước trong giai đoạn tới. Hội nghị cũng là diễn đàn quốc gia nhằm đạt đến một sự cam kết mạnh mẽ hơn đối với việc thực hiện Định hướng Chiến lược phát triển bền vững ở Việt Nam.

Trong khuôn khổ Hội nghị phát triển bền vững toàn quốc lần thứ 3 đã diễn ra năm diễn đàn về phát triển bền vững về kinh tế, về xã hội, về tài nguyên và môi trường, về giáo dục và diễn đàn doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững do các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Lao động - Thương binh và Xã hội, Tài nguyên và Môi trường, Giáo dục và Đào tạo và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chủ trì./.

Nguyễn Bích Thủy (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục