Hoàn thiện thể chế để phát triển bền vững kinh tế

Để phát triển bền vững thời gian tới, các chuyên gia cho rằng VN cần hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách về phát triển bền vững.
Đánh giá về tình hình phát triển bền vững kinh tế giai đoạn 2005-2010 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (MPI) cho thấy Việt Nam đã vượt qua thách thức do tác động của khủng hoảng kinh tế thế giới, duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao so với nhiều nước, đưa Việt Nam ra khỏi nhóm nước đang phát triển có thu nhập thấp với tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân ước đạt 7%.

Tuy nhiên, để phát triển bền vững trong thời gian tới, các chuyên gia kinh tế cho rằng Việt Nam cần hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách về phát triển bền vững; thực hiện lồng ghép nguyên tắc phát triển bền vững trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển quốc gia, ngành và địa phương...

Những kết quả đạt được

Theo MPI, năm 2010, tổng sản phẩm trong nước (GDP) tính theo đầu người đạt 1.162 USD, vượt mục tiêu đề ra là 1.050 đến 1.100 USD. Việt Nam tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Cơ cấu kinh tế đã chuyển dịch theo hướng giảm dần tỷ trọng đóng góp vào GDP của khu vực kinh tế nhà nước, trong khi đó, tỷ trọng đóng góp trong GDP của khu vực kinh tế ngoài nhà nước đang có xu hướng tăng lên.

Cơ cấu kinh tế theo vùng, lãnh thổ đã có sự chuyển dịch theo hướng khai thác, phát huy các tiềm năng, thế mạnh của từng vùng và tăng cường đầu tư để có bước tăng trưởng nhanh hơn giai đoạn trước. Tất cả các vùng đều đạt và vượt mục tiêu GDP bình quân đầu người và giảm dần tỷ lệ hộ nghèo.

Công tác xóa đói giảm nghèo đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ. Tính đến cuối năm 2010 tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 10% (tương ứng với 1,7 triệu hộ nghèo). Công tác an sinh xã hội đặc biệt được coi trọng. Các cơ chế, chính sách tạo môi trường và điều kiện cho người lao động từng bước phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, nhờ đó đã giải phóng sức sản xuất, tạo nhiều công ăn việc làm cho người lao động.

Theo ước tính trong 5 năm qua đã giải quyết việc làm cho trên 8 triệu lao động, tỷ lệ thất nghiệp thành thị giảm xuống còn 4,6%, tỷ lệ lao động khu vực nông, lâm, ngư nghiệp còn 50%.

Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra trong giai đoạn 2005-2010, nền kinh tế và đời sống xã hội đã bộc lộ những tồn tại như tăng trưởng chủ yếu theo chiều rộng, thiếu chiều sâu; tính ổn định của kinh tế vĩ mô chưa cao; tăng trưởng trong nhiều lĩnh vực kinh tế chủ yếu dựa vào xuất khẩu tài nguyên thô; năng suất lao động thấp, chất lượng nguồn nhân lực thấp; sản xuất tiêu hao nhiều năng lượng nhất là đối với các loại năng lượng không tái tạo.

Bên cạnh đó, hệ thống chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường còn chưa đồng bộ, chưa phù hợp với cơ chế thị trường, thiếu chế tài xử lý nghiêm với các hành vi vi phạm.

Sự tăng trưởng kinh tế của Việt Nam còn dựa một phần quan trọng vào vốn vay nước ngoài. Theo các chuyên gia kinh tế, phần lớn số vốn vay này là dài hạn và trung hạn, sẽ do các thế hệ tương lai hoàn trả. Đây sẽ là sự vay mượn nguồn lực của các thế hệ tương lai.

Mặt khác, nợ nước ngoài của Việt Nam mặc dù chưa tới giới hạn nguy hiểm song đang tăng lên nhanh chóng và sẽ có nguy cơ đe dọa tính bền vững của sự phát triển kinh tế trong tương lai.

Giải pháp phát triển bền vững

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, nhiệm vụ quan trọng trước mắt giai đoạn 2011-2015 là nâng cao chất lượng tăng trưởng, kết hợp các mục tiêu tổng hợp và hướng tới phát triển bền vững; đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế; thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng tái cấu trúc các ngành sản xuất, dịch vụ gắn với các vùng kinh tế, phát triển công nghiệp hỗ trợ; đồng thời tái cấu trúc các doanh nghiệp và điều chỉnh chiến lược thị trường; tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh bình đẳng, minh bạch, ổn định, thông thoáng... tháo gỡ mọi rào cản, tạo điều kiện để phát triển mạnh mẽ lực lượng sản xuất; phát triển hài hòa, bền vững các vùng.

Bên cạnh đó, cần có cơ quan quản lý thống nhất các vùng kinh tế để chỉ đạo thực hiện quy hoạch vùng một cách hiệu quả, tránh tình trạng chỉ mang tính ước lệ như hiện nay.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương cho rằng, để đạt được mục tiêu phát triển nhanh, bền vững, Việt Nam cần tập trung nghiên cứu và xác định được một mô hình phát triển kinh tế thích hợp, xây dựng một hệ thống tài chính bền vững, hỗ trợ hơn nữa cho các khu vực nông thôn, các lĩnh vực nông nghiệp cũng như các doanh nghiệp nhỏ và vừa, bởi đây là những lĩnh vực rất tiềm năng.

Thứ trưởng nhận định, vấn đề huy động các nguồn lực cho phát triển là rất quan trọng. Không chỉ huy động các nguồn lực về tài nguyên khoảng sản mà Việt Nam cần quan tâm hơn nữa đến việc huy động nguồn lực con người.

Theo ông Đỗ Văn Hùng, Giám đốc Viện Chính sách và Phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trước mắt cần định hướng lại các khoản chi tiêu công, phát triển hệ thống tài chính một cách ổn định. Đây là vấn đề cõi lõi trong phát triển kinh tế bền vững, bởi các cuộc khủng hoảng kinh tế diễn ra gần đây đều bắt nguồn từ khủng hoảng tài chính. Để làm được điều này, Chính phủ cần tăng cường các biện pháp để kiểm soát các chế định tài chính.

Ông Đặng Kiều Sơn, Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp, nông thôn cho rằng các vấn đề như sự chênh lệch giữa thu nhập giữa các vùng, miền hay chênh lệnh giữa 20% người giầu nhất và 20% số người có thu nhập thấp nhất ngày càng cao là những vấn đề cần đặc biệt quan tâm giải quyết trong phát triển kinh tế bền vững. Một vấn đề khác không thể không nhìn nhận đó là sự chênh lệch về cơ hội phát triển giữa các vùng, đặc biệt là giữa thành thị và nông thôn.

Ông Sơn chia sẻ, mặc dù lĩnh vực nông nghiệp của Việt Nam trong thời gian qua phát triển tốt, nhưng có một thực tế là các nguồn lực dành cho phát triển nông nghiệp của Việt Nam ngày càng bị thu hẹp, do đó có thể làm sự phát triển của ngành nông nghiệp chậm lại. “Nếu điều này xẩy ra sẽ là một nguy cơ lớn ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững về kinh tế” - ông Sơn nói.

MPI cũng đề ra giải pháp đẩy mạnh công tác giáo dục phát triển bền vững, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về phát triển bền vững, đào tạo và tăng cường năng lực quản lý về phát triển bền vững cho đội ngũ cán bộ quản lý các cấp, doanh nghiệp, các tổ chức chính trị-xã hội, nghề nghiệp và cộng đồng dân cư. Cùng với huy động các nguồn lực để thực hiện Phát triển bền vững và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đó, theo MPI cần xây dựng hệ thống giám sát, đánh giá việc thực hiện phát triển bền vững.

Ngoài ra cần tăng cường sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, các tổ chức xã hội, nghề nghiệp trong việc triển khai thực hiện Định hướng chiến lược phát triển bền vững, cũng như huy động sự tham gia của các tầng lớp nhân dân trong thực hiện phát triển và mở rộng hợp tác quốc tế về phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, Chính phủ cần sớm phê duyệt và ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện phát triển bền vững giai đoạn 2011-2015; nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ thực hiện phát triển bền vững ở Việt Nam; đồng thời, ban hành bộ chỉ tiêu phát triển bền vững để theo dõi, giám sát và đánh giá việc thực hiện./.

Thúy Hiền (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục