Hoàn thiện thị trường trái phiếu chuyên biệt

Trước tình trạng hàng loạt phiên đấu thầu trái phiếu Chính phủ thất bại thì việc hoàn thiện thị trường trái phiếu chuyên biệt càng trở nên cần thiết.
Trong thời gian gần đây, nhiều luồng thông tin bình luận, phân tích đều cho rằng hàng loạt phiên đấu thầu trái phiếu Chính phủ không gọi được vốn, không ai tham gia, là những phiên đấu thầu thất bại.

Tuy nhiên lãnh đạo Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội lại cho rằng đó chưa hẳn là thất bại. Xoay quanh vấn đề này ông Trần Văn Dũng, Tổng giám đốc Chứng khoán Hà Nội đã có cuộc trao đổi với báo chí.

Ông lý giải thế nào về việc có tới 36/40 phiên đấu thầu trái phiếu Chính phủ không gọi được vốn?

Ông Trần Văn Dũng: Từ trước đến giờ, đối với thị trường trái phiếu Chính phủ chúng ta mới tập trung vào thị trường phát hành cho nên chúng ta quan tâm nhiều đến việc đợt này huy động được bao nhiêu và coi đó là tiêu chí để đánh giá thành công hay không thành công của đợt phát hành. Việc thành công không chỉ đánh giá bằng số vốn huy động được.

Hoạt động đấu thầu trái phiếu Chính phủ có một tác dụng rất tốt trong định hướng chính sách vĩ mô, cụ thể là định hướng lãi suất. Theo quan điểm đó, khi đánh giá sự thành công của các đợt phát hành cần xét đến những yếu tố phía sau kết quả.

Kể từ khi hoạt động đấu thầu trái phiếu Chính phủ được tập trung về Chứng khoán Hà Nội, quan điểm của đầu mối này thứ nhất là phải tổ chức được một thị trường mang tính cạnh tranh thực sự, từ cạnh tranh để hình thành các mức lãi suất chuẩn, thứ hai, trong mọi điều kiện vẫn cần tổ chức định kỳ để có định hướng, tín hiệu về lãi suất ra bên ngoài, cho cả hệ thống ngân hàng và nền kinh tế.

Vậy theo ông đâu là nguyên nhân khiến hoạt động đấu thầu kém hấp dẫn?

Ông Trần Văn Dũng: Thứ nhất, cơ chế đấu thầu hiện vẫn sử dụng lãi suất trần. Lãi suất trần là ý chí của nhà tổ chức phát hành, cụ thể ở đây là Bộ Tài chính. Việc Việt Nam vẫn sử dụng lãi suất trần và chưa bỏ được là do Bộ Tài chính có những lý do của mình. Đây là cả một quá trình chuyển tiếp, nếu Việt Nam tổ chức được như các nước, mua bên này bán bên kia để có sự điều hòa thì phải đi kèm với những điều kiện vĩ mô khác thì mới bỏ được lãi suất trần.

Thứ hai, thời gian gần đây, do áp lực giải ngân cho các dự án trong gói kích cầu của Chính phủ nên lãi suất huy động trên thị trường tăng lên, cao hơn lãi suất kỳ vọng của Bộ Tài chính nên không huy động được vốn hoặc rất ít. Như thế không có nghĩa là không thành công, bởi vì đấy cũng là một tín hiệu cho thị trường, cho thấy thị trường chỉ chấp nhập các mức lãi suất ở khoảng như vậy.

Ông có thể cho biết hệ thống giao dịch phiếu Chính phủ chuyên biệt giải quyết được vấn đề gì?

Ông Trần Văn Dũng: Trước hết, chúng ta có hệ thống giao dịch riêng, vì từ trước đến giờ trái phiếu được giao dịch chung với cổ phiếu. Trước đây vẫn xây dựng hệ thống chung. Có hệ thống công bố thông tin riêng. Điều này tôi cho rằng là rất quan trọng, nhất là với thông tin đối với các tổ chức quốc tế. Chúng tôi đã trình và cũng đã được cho phép các ngân hàng thương mại là thành viên của thị trường phiếu Chính phủ chuyên biệt.

Tiếp theo, thị trường này sẽ tách biệt được giữa thị trường mua đứt bán đoạn với thị trường mua đi bán lại. Hoạt động mua đi bán lại trên thị trường phiếu Chính phủ là một hoạt động quan trọng, vì là hoạt động chủ yếu điều hòa vốn giữa các ngân hàng thương mại với nhau.

Có giải pháp nào để kích thích thị trường phiếu Chính phủ hay không?

Ông Trần Văn Dũng: Thị trường trái phiếu khác với thị trường cổ phiếu và khó trong việc kích thích. Thị trường trái phiếu Chính phủ vốn hóa hiện khoảng 12-13% GDP. Một biện pháp để có thể kích thích được ngay, sôi động được ngay thì rất khó. Cái cơ bản nhất của thị trường phiếu Chính phủ là phải bảo đảm được tính công khai, minh bạch, phải tạo được thanh khoản, phát triển được nhiều sản phẩm...

Đó là những bước đi cơ bản và dài hạn nhất để tạo ra một thị trường hoạt động một cách thị trường. Hiện sản phẩm tôi cho là quan trọng, tiếp đến là các hợp đồng tương lai nhưng phải có thêm thời gian. Trong tương lai là sự kết nối với thị trường khu vực, như ASEAN+3, nhưng không đơn giản.

Theo ông, công việc trước mắt cần làm gì?

Ông Trần Văn Dũng: Hiện nay có trên 500 mã trái phiếu, quá nhiều. Các đợt phát hành cách đây mấy năm rồi lượng phát hành rất nhỏ, nhất là số tiếp nhận từ Thành phố Hồ Chí Minh chuyển ra. Trước đây, về kỹ thuật, bảo lãnh phát hành song song với đấu thầu, những thời điểm tốt thì đấu thầu và bảo lãnh cũng thành công, chúng ta có những lô khá lớn, nhưng có thời điểm bảo lãnh được một ít, đấu thầu được một ít nên có nhiều mã trái phiếu mà lượng thì ít.

Tới đây, chắc chắn chúng tôi sẽ có kiến nghị để gom nó lại, cơ cấu lại về một số loại chuẩn có thể mất từ 2 năm, 3 năm, 5 năm... không để tình trạng như hiện tại rất khó giao dịch, giao dịch rất lẻ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục