Hoàn thiện “xã hội hóa” đầu tư bảo vệ môi trường

Ngoài nguồn vốn Trung ương và địa phương, giai đoạn 2006-2011, vốn ODA dành cho bảo vệ môi trường đạt khoảng 2.914 triệu USD.
Kể từ năm 2006, ngân sách cho bảo vệ môi trường đã được Chính phủ bố trí thành một nguồn riêng (chi sự nghiệp môi trường), không thấp hơn 1% tổng chi ngân sách Nhà nước.

Mặc dù đây chỉ là nguồn chi ngân sách thường xuyên nhưng nguồn chi này đã và đang hỗ trợ, thúc đẩy mạnh mẽ công tác bảo vệ môi trường ở các bộ, ngành và địa phương. Tuy vậy, để đáp ứng được nhu cầu thực tiễn của công tác này, nên tập trung nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện chính sách “xã hội hóa” đầu tư bảo vệ môi trường hiệu quả hơn nữa.

Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Giáo dục Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Tuấn Anh cho biết trong giai đoạn 2006-2011, vốn đầu tư phát triển trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đã tăng khoảng 2 lần, từ 1.429 tỷ đồng năm 2006 lên 2.954,3 tỷ đồng vào năm 2011. Bình quân trong cả giai đoạn 5 năm (2006-2011), vốn đầu tư cho bảo vệ môi trường đạt khoảng 2% tổng chi đầu tư phát triển của ngân sách Nhà nước; trong đó nguồn vốn Trung ương bình quân đạt khoảng 19%, địa phương đạt khoảng 81%.

Ngoài nguồn vốn Trung ương và địa phương, trong giai đoạn 2006-2011, nguồn vốn ODA dành cho công tác bảo vệ môi trường đạt khoảng 2.914 triệu USD (trong đó vốn vay là 2.856 triệu USD, viện trợ không hoàn lại là 58 triệu USD). Riêng năm 2011, giá trị giải ngân của các chương trình, dự án bảo vệ môi trường đạt khoảng 259,3 triệu USD (trong đó vốn vay là 249,7 triệu USD và vốn viện trợ không hoàn lại đạt 9,6 triệu USD).

Nhờ đó, một số chương trình mục tiêu quốc gia có nội dung bảo vệ môi trường được triển khai như nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn, trồng 5 triệu ha rừng, cải thiện nhà vệ sinh cho hộ nghèo đã giải quyết, xử lý được một phần những hiện tượng ô nhiễm môi trường trên toàn quốc. Nhờ hỗ trợ kinh phí từ nguồn sự nghiệp môi trường đã xử lý được 73% số cơ sở ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thuộc danh mục theo Quyết định 64 của Thủ tướng Chính phủ.

Tuy nguồn vốn đầu tư phát triển cho bảo vệ môi trường đã đạt trung bình khoảng 2% tổng chi đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước, nhưng mới chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu đầu tư. Nhất là đối với một số đề án lớn có yêu cầu vốn đầu tư lớn như xử lý môi trường các lưu vực sông Cầu, Nhuệ-Đáy, Đồng Nai; xây dựng hệ thống các trạm quan trắc môi trường quốc gia... Tỷ trọng phân bổ nguồn vốn giữa Trung ương và địa phương cũng còn bất cập.

Môi trường ở các khu công nghiệp, làng nghề, khu đô thị có mật độ dân số cao… vẫn tiếp tục bị xuống cấp, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người dân. Việc xử lý rác thải còn nhiều bất cập, hầu hết các địa phương sử dụng biện pháp chôn lấp chất thải với số lượng trung bình một bãi chôn lấp/đô thị, trong đó 85%-90% các bãi chôn lấp không hợp vệ sinh, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao.

Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, trước hết cần tập trung hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về đầu tư cho bảo vệ môi trường; hoàn thiện công tác quy hoạch ngành, đặc biệt quy hoạch một số vấn đề bức xúc còn tồn đọng như quy hoạch các bãi chôn lấp, bãi xử lý rác thải. Nhất là tăng cường nguồn vốn đầu tư phát triển để thực hiện các quy hoạch đã được phê duyệt; cải thiện cơ sở vật chất, hạ tầng, trang thiết bị hiện đại phục vụ công tác quản lý tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường, xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, các văn bản chỉ đạo của Đảng, Quốc hội.

Đồng thời, phải tăng cường công tác giám sát đầu tư, đảm bảo sử dụng đúng mục đích và hiệu quả nguồn vốn đầu tư cho bảo vệ môi trường; xây dựng các chế tài và hình thức xử phạt đủ mạnh, để đảm bảo các doanh nghiệp thực hiện đúng quy định của Luật Bảo vệ môi trường là người gây ô nhiễm phải trả tiền; đa dạng hóa đầu tư cho bảo vệ môi trường, thực hiện phương châm xã hội hóa, tiếp tục huy động nguồn vốn ODA cho công tác này./.

Văn Hào (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục