"Hoàn toàn có thể ngăn chặn được bão tài chính"

Ủy ban Thanh tra về khủng hoảng tài chính Mỹ khẳng định khủng hoảng tài chính năm 2008-2009 là thảm họa có thể ngăn chặn được.
Ủy ban Thanh tra về khủng hoảng tài chính, do Quốc hội Mỹ thành lập nhằm xác định nguyên nhân của cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008-2009, khẳng định đây là thảm họa hoàn toàn có thể ngăn chặn được.

Theo phóng viên TTXVN tại Washington, báo cáo cuối cùng về nguyên nhân của cuộc khủng hoảng, công bố ngày 27/1, dày 576 trang, của Ủy ban trên đã chỉ ra nguyên nhân của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008-2009.

Theo đó, Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và một số cơ quan khác đã chấp thuận các hoạt động kinh doanh gây hậu quả lớn như cho vay thế chấp xấu, đóng gói các khoản vay và bán cho nhà đầu tư, cũng như các hoạt động kinh doanh đầy mạo hiểm, những loại chứng khoán được đảm bảo bằng khoản vay.

Đáng lưu ý là các hoạt động này đều được thực hiện trong một "hệ thống ngân hàng mờ ám" gồm Lehman Brothers và Bear Stearn, Goldman Sachs, Merrill Lynch và Citibank. Không chỉ vậy, hoạt động cho vay của các ngân hàng thương mại như Countrywide, hiện do Bank of America quản lý, Wachovia và JPMorgan Chase cũng có nhiều sai phạm.

Ủy ban này nêu rõ Washington phải chịu trách nhiệm về những hậu quả do cuộc khủng hoảng tài chính gây ra đối với nền kinh tế toàn cầu, cũng như đối với hàng triệu người bị mất việc làm.

Các ngân hàng, các nhà xây dựng luật pháp và các thể chế cũng phải chịu trách nhiệm vì không thực hiện được nghĩa vụ đạo đức, nghề nghiệp, để xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Thậm chí, ngay cả người dân Mỹ cũng có lỗi vì đã để lại cho hệ thống tài chính một món nợ khổng lồ trong nhiều thập kỷ qua.

Bên cạnh đó, Ủy ban cũng nêu tên những người có liên đới đến cuộc khủng hoảng tài chính, trong đó có cựu Tổng thống George W. Bush, Tổng thống đương nhiệm Barack Obama - những người trực tiếp đưa ra chính sách trong thời gian đó, cựu Chủ tịch FED Alan Greenspan và Chủ tịch đương nhiệm Ben Bernanke, Bộ trưởng Tài chính Timothy Geithner - người giữ vai trò là Chủ tịch FED khu vực New York trong thời kỳ khủng hoảng và người tiền nhiệm Henry Paulson.

Các đơn vị và cá nhân này đã không sẵn sàng đối phó với các sự kiện diễn ra trong năm 2007-2008, bỏ qua những dấu hiệu cảnh báo như sự bùng nổ của việc cho vay thế chấp thứ cấp, kéo theo các khoản nợ quá lớn của chủ sở hữu nhà đất và việc giá nhà đất tăng không bền vững.

Báo cáo trên là kết quả của các cuộc điều tra được thực hiện trong suốt hơn một năm qua và 19 ngày điều trần cùng các cuộc phỏng vấn với hơn 700 nhân chứng.

Song, theo giới phân tích, bản báo cáo này vẫn bị ảnh hưởng của những yếu tố chính trị vì 6/10 thành viên của Ủy ban là người của Đảng Dân chủ ủng hộ còn bốn thành viên còn lại thuộc đảng Cộng hòa lại không tán thành kết luận của Ủy ban.

Các thành viên Đảng Cộng hòa cho rằng nguyên nhân của cuộc khủng hoảng tài chính là do tỷ lệ lãi suất thấp tạo ra bong bóng tín dụng toàn cầu và sự hỗ trợ của chính phủ đối với tập đoàn cho vay thế chấp Fannie Mae và Freddie Mac./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục