Hoàng Điệp: Đưa nhạc hàn lâm đến gần công chúng

Nữ nhạc trưởng Hoàng Điệp - giảng viên Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh luôn cố gắng để đưa nhạc hàn lâm đến gần hơn với công chúng.
Thạc sĩ-nghệ sĩ ưu tú Hoàng Điệp - giảng viên Khoa Lý luận-Sáng tác-Chỉ huy của Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh là một trong số ít nữ nhạc trưởng thành danh ở Việt Nam.

Hoàng Điệp sinh ra trong gia đình có truyền thống làm nghệ thuật. Ba chị là giáo sư-tiến sĩ Nghệ sĩ Nhân dân Quang Hải, thuộc thế hệ đầu tiên tốt nghiệp chuyên ngành chỉ huy giao hưởng tại Liên Xô những năm 60 thế kỷ trước và sau này là Giám đốc Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh.

Từ nhỏ Hoàng Điệp đã theo học đàn violin, rồi đàn tranh. Nhưng cái nghiệp nhạc trưởng đã ngấm vào chị và năm 17 tuổi, Hoàng Điệp quyết định học bộ môn chỉ huy hợp xướng.

Đỗ xuất sắc trong kỳ thi tuyển sinh sang học tại Liên Xô, Hoàng Điệp đã có gần 10 năm học tập và tốt nghiệp xuất sắc ngành chỉ huy hợp xướng tại Nhạc viện Tchaikovsky danh tiếng.

Nhạc trưởng là một nghề chông gai với quy luật đào thải khắc nghiệt, nhất là đối với phụ nữ. Vượt lên tất cả Hoàng Điệp đã chứng tỏ được mình với những chương trình hòa nhạc thính phòng tại Nhạc viện và tham gia dàn dựng và chỉ huy một số vở diễn của Nhà hát giao hưởng-nhạc vũ kịch Thành phố Hồ Chí Minh, được giới chuyên môn đánh giá cao.

Nghệ sĩ ưu tú Tạ Minh Tâm - trưởng khoa Thanh nhạc Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Trình độ chuyên môn của nhà chỉ huy sẽ đảm bảo cho chất lượng công việc. Bản lĩnh và phong cách ứng xử đối với các thành viên trong dàn hợp xướng và dàn nhạc sẽ quy tụ được mọi người và sự đồng thuận trong công việc. Ngoài ra, nếu không có cá tính mạnh, uy tín lớn thì sẽ rất khó khăn cho nhà chỉ huy. Chị Điệp đã hội đủ những điều kiện đó, nên khi làm việc với nữ nhạc trưởng Hoàng Điệp, mọi người rất yên tâm.”

Tháng 10/2006, nhạc trưởng Hoàng Điệp dẫn đầu đoàn nghệ sĩ Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh "đem chuông đi đánh xứ người" tại Festival dàn nhạc giao hưởng Đông Nam Á và dàn nhạc kèn Đông Nam Á tổ chức tại Thái Lan.

Năm 2007, sau 10 năm ấp ủ, Hoàng Điệp đã thực hiện dàn dựng và chỉ huy chương trình “Âm nhạc và thế giới văn hóa” có một không hai ở Việt Nam, khi quy tụ được hơn 100 nữ nghệ sĩ dòng nhạc thính phòng cùng biểu diễn.

Quan điểm "đưa dòng nhạc hàn lâm đến gần hơn với công chúng" trở thành động lực chính để nhạc trưởng Hoàng Điệp góp phần làm phong phú thêm đời sống âm nhạc của Thành phố Hồ Chí Minh.

Hoàng Điệp đã chứng tỏ mình và êkíp rất năng động khi tổ chức và tham gia dàn dựng được những chương trình xã hội hóa gây tiếng vang như hai liveshow của ca sĩ Tuấn Ngọc và Lệ Thu, ba chương trình “Duyên dáng Việt Nam” 14,15, 21, chương trình “Hội ngộ Âm nhạc,” Liên hoan kèn Thành phố Hồ Chí Minh, “Rock-Symphony” (kết hợp giữa ban nhạc Rock và dàn nhạc giao hưởng), “Bước nhảy hoàn vũ"...

"Dòng nhạc hàn lâm chưa được khán giả Việt Nam ưu ái, nên buộc tôi phải suy nghĩ làm thế nào để đưa dòng nhạc này đến gần với công chúng, xuất hiện như thế nào để chương trình của mình được công chúng chấp nhận. Chúng tôi muốn minh chứng rằng nhạc viện và dòng nhạc hàn lâm không phải là thành trì bất khả xâm phạm, mà chúng tôi vẫn có thể đến với khán thính giả dưới nhiều hình thức khác nhau,” Hoàng Điệp tâm sự.

Trong hai đêm 24 và 25/4 tại khán phòng Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh, Hoàng Điệp sẽ xuất hiện trở lại trong vai trò dàn dựng và chỉ huy chương trình không bán vé "Dấu ấn một chặng đường." Chương trình đánh dấu 30 năm làm nhạc trưởng, 20 năm giảng dạy, tôn vinh và tri ân thầy cô, bạn bè, đồng nghiệp.

“Một chặng đường của tôi là một thời gian dài và trong âm nhạc thì cũng có những dòng chảy từng thời kỳ, từ quá khứ đến hiện tại, từ cổ điển đến hiện đại. Chương trình của tôi như một bữa ăn đặc sản đã được chọn lọc,” chị bật mí./.

Minh Hạnh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục