Bay lên trong niềm vui

Hoàng Hà: Muốn bay lên trong niềm vui toàn thắng

Nhạc sĩ Hoàng Hà trải lòng về giai điệu vang vọng vào những ngày tháng 4 rực rỡ "Ta đi trong muôn ánh sao vàng, rừng cờ tung bay."
Có một giai điệu từ bài ca khải hoàn của dân tộc vẫn vang vọng trong tâm trí mỗi chúng ta, nhiều nhất là vào những ngày tháng Tư rực rỡ. Đó là bài hát "Đất nước trọn niềm vui" của nhạc sĩ Hoàng Hà: "Ta đi trong muôn ánh sao vàng, rừng cờ tung bay...""Sắt son đã vang khải hoàn" Nhạc sĩ Hoàng Hà kể: "Tôi viết 'Đất nước trọn niềm vui'  trong đúng một đêm (26/4/1975) tại căn nhà ở Yên Phụ, gần  Hồ Tây, Hà Nội. Khi ấy, cảm xúc cao trào, bỗng bật ra giọng hò Đồng Tháp của chị văn công giải phóng năm nào cứ vút cao đưa tâm hồn tôi bay lên, say trong không gian của non sông anh hùng ngày hoàn toàn giải phóng!" Viết xong bài hát, ngay sáng hôm sau, nhạc sĩ mang đến Đài Tiếng nói Việt Nam. Khi đó, nhạc sĩ Nguyễn An là tổ trưởng tổ biên tập đọc và duyệt, rồi ca khúc được giao ngay cho Nhà hát Giao hưởng Việt Nam. Trước đó, nhạc sĩ đã có các sáng tác các bài: "Sục sôi cách mạng", "Hát trên đường phố giải phóng," "Chào Nha Trang giải phóng," "Hội toàn thắng"... Vậy là trong một tháng tròn (từ ngày 1/4 đến 1/5), ông đã viết hàng chục ca khúc được phát đi trên hai làn sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài Phát thanh Giải phóng. Nhạc sĩ trầm ngâm đánh giá: "Thật là một thời điểm kỳ lạ, mà suốt cuộc đời sáng tác của tôi chưa bao giờ làm được. Chính là các chiến công thần kỳ của quân và dân ta năm ấy đã làm cho mỗi người đều cảm thấy mình như lớn lên, tìm được những cảm xúc mạnh mẽ chưa từng thấy." Nhớ lại buổi thu âm đầu tiên ấy, nhạc sĩ Hoàng Hà  kể rằng ông đã rất xúc động khi nghe giọng hát của nghệ sĩ Trung Kiên. "Anh ấy hát có sự đồng cảm, hoàn toàn như tưởng tượng của tôi về ngày toàn thắng vậy," ông nói. Hoàng Hà viết ca khúc lịch sử này khi ông chưa đặt chân vào Sài Gòn. Nhiều người vẫn nghĩ rằng nhạc sĩ đã có mặt tại Sài Gòn trong những ngày đầu sôi động ấy. Nhưng nhạc sĩ Hoàng Hà chia sẻ, như lời bài ca "Ta muốn bay lên say ngắm sông núi bao la," khi ấy tôi ở Hà Nội và muốn được bay lên thực để vào ngay với miền Nam, để nhìn khắp núi sông trong niềm tự hào khôn tả. Ông kể: "Mãi đến năm 1977, tôi mới tận mắt trông thấy Sài Gòn. Hồi đó, từ giữa tháng tư năm 1975, không khí Hà Nội quanh tôi rất sôi động.Trong cơ quan Đài tiếng nói Việt Nam, chúng tôi theo dõi tình hình chiến sự từng giờ từng phút, ai cũng náo nức, rạo rực. Đường phố cũng như vậy, tràn ngập một không khí phấn khởi, rộn ràng." "Nhiều hôm, sau giờ làm việc tôi không về nhà mà ở lại cơ quan để tiếp cận với tin tức nhanh hơn, đầy đủ hơn. Nhưng nếu chỉ có cảm xúc trong bối cảnh ở Hà Nội, thì chắc bài hát đã có một hình dạng khác. Viết được "Đất nước trọn niềm vui" cũng là cả một quá trình," nhạc sĩ hồi tưởng lại. Đến nay, ca khúc "Đất nước trọn niềm vui" vẫn luôn vang lên rất đỗi tự hào. Nhạc sĩ-nghệ sĩ ưu tú Hoàng Lương nói: "Chỉ một chữ 'trọn' trong nhan đề bài hát mà tôi thấy kính phục cha mình quá. Phải sống dưới bom Mỹ, bị mảnh bom găm cả vào gối ngủ như gia đình tôi trong đêm Hà Nội năm ấy thì mới càng hiểu ý nghĩa của chữ 'trọn' trong trọn vẹn niềm vui ấy! Vì trước đó, miền Bắc được sống trong hòa bình, ai cũng thấy vui và tin tưởng nhưng 'trọn' niềm vui lớn lao đúng nghĩa thì phải đến 30/4/1975, khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước."
"Hạnh phúc vô biên... những lời yêu thương"
Bên cạnh con người trong cảm hứng sáng tác dâng tràn về Tổ quốc, còn có một  nhạc sĩ Hoàng Hà rất mực tình cảm với những người thân yêu và cả với những tấm lòng yêu trong cuộc đời. Ông là con cả trong  một gia đình nghèo, cha mất sớm. Từ khi 13 tuổi ông đã đi làm trong một nhà máy in để giúp mẹ nuôi gia đình. Trong ngày cưới, ông đã ôm đứa em trai duy nhất và khóc vì thương em, thương mẹ khi nghĩ mình không còn có thể chăm lo cho mẹ và em được nhiều như trước đây. Năm 1985, ông quyết định vào Bà Rịa- Vũng Tàu lập nghiệp. Khi nói về vợ mình, ông không ngần ngại khi nói rằng: “Hạnh phúc của tôi là cưới được vợ tôi, nếu như không có bà ấy có lẽ tôi không được như bây giờ”. Tình yêu của ông bà vẫn thiết tha, dịu dàng như hương hoa huệ -bài hát đằm thắm mà ông viết tặng bà "Hoa ơi, em nghe chăng xao xuyến tim ta?" Gặp nhạc sĩ Hoàng Hà dù chỉ một lần, ta cảm nhận được rõ sự  nho nhã, chất nghệ sĩ khiêm nhường toát lên trên phong thái của ông. Nhất là đôi mắt sáng, chân tình, hóm hỉnh. Nhạc sĩ đang sống cùng gia đình ở thành phố biển Vũng Tàu. Có lần tôi đã vô phép nói đùa cùng ông: " Về công nghệ thông tin, bác là người cao tuổi sành điệu!" Bởi vì hàng ngày, ông vẫn ngồi trước máy tính viết nhạc, in đĩa và "lướt web". Trí tuệ ông còn minh mẫn, ông khá nhanh nhạy với công nghệ thông tin, làm bạn với máy vi tính trong việc sáng tác âm nhạc, nghiên cứu đọc, viết các tài liệu... Từ nhiều năm trước, khi phóng viên liên lạc cùng ông đã thấy ông đọc địa chỉ hộp thư điện tử và gửi ảnh qua e-mail. Nhạc sĩ Hoàng Lương-con trai trưởng của ông nói với phóng viên: "Chính bố tôi đã vận động tôi sử dụng máy vi tính. Ông còn tặng tôi bộ máy tính đầu tiên đấy!" Gặp ông tại nhà người con gái của ông (thẩm phán Hoàng Yến) ở phố Tôn Thất Tùng (Hà Nội), tôi không khỏi ngạc nhiên khi thấy ông mở chiếc laptop và mời tôi nghe những khúc tình ca ông viết. Khúc tình ca đầu tiên: “Hoa huệ.” Đó chính là ca khúc ông viết tặng người vợ thân thương ngay từ thời điểm tình yêu bắt đầu với "tràn đầy niềm tin, tràn đầy nhựa sống." Nghe khúc tình ca "Nâng niu," tôi thấy lòng mình như được cất lên hòa chung từng lời ca đẹp: “Em như bông hoa hồng tươi thắm cho anh nâng niu" và "Nương nhau trên đường đời dẫu có đôi khi tình thương đau”. Ông bảo, người ta phải nương nhau, cưu mang nhau trên đường đời để sống cho nhân hậu, ấm áp. Những năm gần đây ông còn tham gia viết nhạc cho phim rất "ngọt." Từ chân trời riêng của một cốt cách nghệ sĩ,  tôi bỗng nhớ nét nhạc của ông trong cái chung, giữa dịp kỷ niệm 36 năm vang khúc khải hoàn này, từ tâm trí tôi lại vang ngân "hát nữa đi em những lời yêu thương!" Chúng ta đều biết, niềm tự hào về đất nước, tình yêu thương của con người trong các tác phẩm âm nhạc của Hoàng Hà cùng các nhạc sĩ thuộc thế hệ ông còn gieo lại trong những bài ca, trong từng giai điệu và luôn tiếp tục đâm chồi trong cuộc sống hôm nay!
Nhạc sỹ Hoàng Hà, tên thật là Hoàng Phi Hồng, sinh năm 1929 tại vùng hoa ven Tây Hồ, Hà Nội.

Hoàng Hà là nhạc sĩ thuộc thế hệ đầu tiên của nền âm nhạc Việt Nam sau cách mạng tháng 8 với những ca khúc cách mạng nổi tiếng đã từng đạt nhiều giải thưởng lớn như: "Ánh đèn trên cầu Việt Trì," "Vĩnh Phúc quê tôi," "Chào Nha Trang giải phóng," "Gặp nhau trên đỉnh Trường Sơn," "Cùng hành quân giữa mùa xuân," "Đất nước trọn niềm vui"...
Nguyễn Anh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục