Hoàng Ngọc Hiến: Người thầy của nhiều lớp nhà văn

Không ai có thể phủ nhận dấu ấn khó lẫn của học giả Hoàng Ngọc Hiến trong đời sống văn hóa, văn học Việt Nam mấy thập niên qua.


Ngày 21/7/2010 là ngày thầy giáo, học giả Hoàng Ngọc Hiến tròn 80 tuổi. Nhiều thế hệ nhà văn, các nhà nghiên cứu văn học nghệ thuật ở Việt Nam thừa nhận rằng, họ cảm thấy ý nghĩa và rất tự hào được làm học trò của thầy Hiến. Gặp nhà giáo Hiến vào một chiều hè oi nồng, ngột ngạt của áp thấp nhiệt đới tàn dư sau cơn bão số 1, với cái bắt tay thật chặt như gặp lại lớp học trò quen, gương mặt và ánh mắt hiền từ của thầy khiến chúng tôi không khỏi không nghĩ đến câu nói của nhà văn Văn Giá: “Thầy Hiến là bậc giáo sư được nhân dân phong tặng.” Ngôi trường mang "tinh thần Hoàng Ngọc Hiến!” Mới đây, Khoa Sáng tác, lý luận, phê bình văn học, trường Đại học Văn Hóa Hà Nội (trước là Trường Viết Văn Nguyễn Du) đã tổ chức lễ kỉ niệm lần thứ 80 ngày sinh Giáo sư Hoàng Ngọc Hiến thật long trọng mà ấm áp, thân tình. Các thế hệ học viên Trường Viết văn Nguyễn Du đã về chúc mừng sinh nhật thầy. Học viên các khóa có mặt chúc thọ thầy bao gồm Chủ tịch Hội Nhà văn Hữu Thỉnh, các cây bút nổi danh như Nguyễn Khắc Trường, Trần Nhương, Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Thụy Kha, Đạo Tĩnh, Đào Thắng, Nguyễn Hoa, Y Phương, Trần Quang Quý, Văn Chinh, Tạ Duy Anh, Võ Thị Xuân Hà, Y Ban, Thùy Dương, Dương Thuấn và nhiều người khác. Các đồng nghiệp lớn như Giáo sư Phạm Vĩnh Cư, Tiến sĩ Phan Hồng Giang, Giáo sư Chu Hảo cũng về dự. Ông Chu Hảo, Giám đốc Quỹ Phan Châu Trinh nói sẽ rất vinh dự nếu được trao giải thưởng cho Giáo sư Hoàng Ngọc Hiến trong nay mai vì những đóng góp to lớn của Giáo sư vào nền học thuật nước nhà. Trong bài phát biểu của mình, nhà văn Văn Giá, Chủ nhiệm Khoa Sáng tác, lý luận, phê bình văn học trường Đại học Văn hóa Hà Nội đã nói: “Hình dung về thầy, có thể thấy thầy hiện ra trong ba tư cách: nhà giáo, nhà nghiên cứu khoa học và nhà nghệ sĩ. Riêng với ngôi trường Viết văn, thầy là Chủ nhiệm khoa Viết văn đầu tiên từ 1976, Có thể nói, thầy là một trong những bậc 'xây thành đắp lũy' làm nên ngôi Trường Viết văn Nguyễn Du danh tiếng. Không thể hình dung nổi nếu thiếu vắng một danh xưng: thầy Hoàng Ngọc Hiến.” Theo nhà thơ Hữu Thỉnh: “Các giáo trình do thầy Hiến xây dựng, cho dù từ sơ thảo cũng đã có ý nghĩa khai sáng cho chúng tôi. Chúng tôi đã vừa học vừa khai phá kiến thức theo sự dày công nghiên cứu, chỉ đường của thầy Hiến.” Nhà văn Văn Giá khẳng định: “Trong tư cách nhà nghiên cứu, tác giả Hoàng Ngọc Hiến để lại dấu ấn quan trọng trong ba loại công việc: thứ nhất, nghiên cứu phê bình văn học; thứ hai, nghiên cứu văn hóa gắn liền với triết học và minh triết; thứ ba là dịch thuật, truyền bá và ứng dụng một số trường hợp tư tưởng và lý thuyết của phương Tây vào Việt Nam.” Ai đã nghe phát biểu của chủ nhiệm khoa Văn Giá đều ấn tượng với câu: “Thầy và trò khoa Viết văn hôm nay hoàn toàn được quyền tự hào mà nói rằng: Ngôi trường văn chương nơi đây đã và đang có được một tinh thần Hoàng Ngọc Hiến.” Người "trẻ mãi"... "Trong tư cách một nhà văn, một nghệ sĩ, Hoàng Ngọc Hiến là người đã thực sự luôn sống với văn chương cùng thời, tham gia rất sâu và thật xuất sắc vào các cuộc chuyển mình lớn của văn chương dân tộc. Nhân cách trong đời sống và đời viết của thầy. Có thể nói, Hoàng Ngọc Hiến là hiện thân cho một nhân cách trung thực, cứng cỏi, mang cốt cách kẻ sĩ." Đó là nhận định của Ban tổ chức đã thu được nhiều sự đồng tình trong buổi lễ  mừng thọ thầy Hoàng Ngọc Hiến. Giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh từng bộc bạch: "Tôi và Hiến đánh bạn với nhau, tính đến hôm nay đã gần nửa thế kỷ. Không biết Hiến thế nào, riêng tôi cứ mỗi lần nghĩ đến sự có mặt của anh trên đời là tự nhiên cảm thấy yên tâm. Hóa ra mình không đến nỗi cô đơn." Giáo sư cũng nhận xét, Hoàng Ngọc Hiến là người có ý chí, nghị lực. 80 tuổi rồi mà suốt ngày cứ ôm cái máy vi tính để cập nhật các thông tin khoa học trong và ngoài nước đồng thời ôn luyện ngoại ngữ. Ông vẫn tiếp tục khai phá những lĩnh vực khoa học mới: lý thuyết văn học hậu hiện đại, sáng tác của hững cây bút trẻ, dịch Francois Jullien và cùng F.fullien lao vào nghiên cứu triết Đông, triết Tây và gần đây say sưa vào tìm hiểu minh triết: minh triết Phương Đông, minh triết Việt Nam, minh triết Hồ Chí Minh... Còn nhà văn Phan Hồng Giang bày tỏ: "Tôi ngầm thán phục anh Hiến... Phải là người 'trên thực tế' mới đứng 'cao' hơn, cao hơn rất nhiều cái 'già' mà anh thản nhiên tự dễ hiểu là 'đốn mạt' ấy, để thấy rằng trong tâm hồn và trí lực anh còn bao sự tươi trẻ và thâm thúy." Nhà văn Phan Hồng Giang tin rằng sự nghiệp của thầy Hiến về lâu dài sẽ còn mời gọi các học giả tìm tòi, mổ xẻ. Và có lẽ không cần phải lùi xa mới thấy tầm vóc sự nghiệp của Hoàng Ngọc Hiến. Dù yêu hay không ưa ông, chúng ta cũng không thể không thừa nhận dấu ấn khó lẫn của ông trong đời sống văn hóa, văn học Việt Nam mấy thập niên qua. Có mặt trong buổi lễ kỷ niệm, nhà văn Ngô Thảo cũng cho biết ông nhớ về Hoàng Ngọc Hiến  "là nhớ về những mệnh đề tổng kết vắn tắt, sâu và sắc, làm rung động lối tư duy bầy đàn. Ở bất cứ đâu, bất cứ hoàn cảnh nào, bất cứ người nào cũng rao giảng một mệnh đề không rõ nội dung, thì Hoàng Ngọc Hiến tưng tửng mà khó quên, khó cãi." Ở ngoài đời sống, ông là người "hồn nhiên". Điều đó tạo nên niềm vui sống thường trực của ông. "Nghe ai kể một chuyện gì, mắt ông sáng lên, thật thà - Thế à? Khả năng sửng sốt đó làm tư duy ông trẻ mãi," nhà văn Ngô Thảo khẳng định./.
                     Học giả Hoàng ngọc Hiến sinh ngày 21/7/1930 tại Nam Định.

Năm 1959, ông làm nghiên cứu sinh và bảo vệ thành công Tiến sĩ Văn học chuyên ngành lý luận, phê bình tại Đại học Tổng hợp Moskva, Liên Xô (cũ).

Năm 1976, ông đảm nhận chức danh Chủ nhiệm khoa Viết văn đầu tiên và là thành viên sáng lập trường Viết văn Nguyễn Du năm 1979 (nay là Khoa Sáng tác, lý luận, phê bình văn học của trường Đại học Văn Hóa Hà Nội) cũng như việc giảng dạy, xây dựng chất lượng và tên tuổi của trường này. Ông là người có công lớn trong nghiên cứu và truyền đạt phân tâm học Freud về Việt Nam.

Với cái nhìn sắc sảo, ông khởi xướng và bàn bạc thấu đáo nhiều vấn đề cấp thiết của văn học thời đổi mới. Giáo sư cũng đã nghiên cứu, giới thiệu minh triết ở Việt Nam. Trong đó, nổi bật với tiểu luận “Luận bàn về vấn đề minh triết.”

Ngoài ra, ông đã dịch và thẩm bình trọn vẹn thơ Maiakovski, dịch các phạm trù văn hóa Trung cổ của A.Ja. Gurevich, các tác phẩm của triết gia đương đại người Pháp Francois Julien...
 
Thiên Linh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục