Hoạt động chế tạo toàn cầu tăng chậm nhất trong một năm qua

Chỉ số PMI trong lĩnh vực chế tạo trên toàn cầu giảm từ mức 52,2 điểm tháng 10 xuống 51,8 điểm tháng 11, mức thấp nhất kể từ tháng 9/2013.
Hoạt động chế tạo toàn cầu tăng chậm nhất trong một năm qua ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP)

Kết quả các cuộc khảo sát kinh doanh vừa công bố cho thấy hoạt động chế tạo trên toàn cầu, nhất là tại châu Âu và châu Á, trong tháng 11/2014 tăng với nhịp độ yếu nhất trong hơn một năm qua.

Các nhà máy ở Mỹ cũng kém bận rộn so với hơn các tháng trước, song dẫu sao hoạt động chế tạo của nước này vẫn trên đà tăng. Giới phân tích cho rằng đây là những căn cứ mới cho thấy đà phục hồi còn mong manh của kinh tế thế giới có nguy cơ chững lại.

Số liệu công bố ngày 1/12 cho hay Chỉ số quản lý mua hàng (PMI) trong lĩnh vực chế tạo trên toàn cầu theo khảo sát của JPMorgan (do hãng nghiên cứu Markit thực hiện) đã giảm từ mức 52,2 (điểm) trong tháng 10/2014 xuống 51,8 trong tháng 11/2014; đây là mức thấp nhất kể từ tháng 9/2013.

Mặc dù vậy, với kết quả này, Chỉ số PMI trong lĩnh vực chế tạo trên toàn cầu vẫn trên 50 (ngưỡng phân định tăng trưởng và giảm) trong hai năm liền. PMI nói trên tổng hợp số liệu khảo sát PMI của nhiều nước, trong đó có Mỹ, Nhật Bản, Đức, Pháp, Vương quốc Anh, Trung Quốc và Nga.

Trong tháng 11/2014, mặc dù giá nguyên liệu đầu vào giảm mạnh, song nhịp độ tăng trưởng của lĩnh vực chế tạo tại cả châu Á và châu Âu đều chậm lại. Các nhà máy trong ngành chế tạo tại cả hai châu lục này đã giảm nhịp độ sản xuất do nguồn cung hàng hóa dư thừa và nhu cầu yếu trên toàn cầu.

Theo khảo sát do Markit tiến hành, PMI trong lĩnh vực chế tạo tại châu Âu trong tháng 11/2014 tụt xuống mức thấp nhất kể từ tháng 6/2013 là 50,1, mặc dù chi phí đầu vào hạ đáng kể.

Trong khi phải lo đối phó với việc thúc đẩy tăng trưởng và ngăn chặn nguy cơ giảm phát, các nhà hoạch định chính sách của Ngân hàng Trung ương châu Âu đang đối diện với mối quan ngại nữa là hoạt động chế tạo giảm tại cả ba nền kinh tế lớn là Đức, Pháp và Italy.

Giới phân tích cho rằng hoạt động chế tạo tại khu vực này ít có dấu hiệu cải thiện trong tháng 12/2014, trong bối cảnh số đơn đặt hàng trong tháng vừa qua đã giảm trong tháng thứ ba liên tiếp.

Tình hình ảm đạm của lĩnh vực chế tạo trên toàn cầu trong tháng 11/2014 được mở màn với số liệu PMI của Trung Quốc. PMI chính thức trong lĩnh vực chế tạo của Trung Quốc trong tháng 11/2014 là 50,3, mức thấp nhất kể từ tháng 3/2014.

Trong tháng 11/2014, PMI trong lĩnh vực chế tạo của Hàn Quốc vẫn ở dưới 50, trong khi chỉ số HSBC Markit PMI tại Indonesia là 48 (mức thấp nhất kể từ khi khảo sát này bắt đầu hồi tháng 4/2011) và PMI trong lĩnh vực chế tạo của Nhật Bản giảm nhẹ xuống 52 (so với mức 52,4 trong tháng 10/2014).

Trong khi đó, tại Mỹ, mặc dù tăng với nhịp độ chậm hơn, song lĩnh vực chế tạo của nước này vẫn duy trì được đà tăng trong tháng thứ 18 liên tiếp và hoạt động chế tạo được đánh giá là tương đối mạnh.

Theo Viện Quản lý Cung của Mỹ (ISM), trong tháng vừa qua, PMI trong lĩnh vực chế tạo tăng chững lại và thấp hơn một chút so với mức 59 trong trước đó. Trong số 18 lĩnh vực chế tạo mà ISM theo dõi, có tới 14 ngành tăng trưởng, chỉ có một ngành duy nhất giảm là ngành may mặc.

Bộ Thương mại Mỹ mới đây đã nâng mức ước tính tăng trưởng kinh tế quý 3/2014 từ 3,5% (theo ước tính ban đầu) lên 3,9%. Tuy nhiên, dựa trên các số liệu được công bố gần đây, trong đó đáng lưu ý là số liệu về chi tiêu tiêu dùng, giới phân tích cho rằng kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng với nhịp độ chậm hơn trong quý IV/2014.

Họ nhận định mặc dù kinh tế Mỹ có phần hướng nội, song sự mạnh lên của đồng USD cùng với hoạt động chế tạo và kinh tế thế giới còn yếu sẽ gây sức ép lên đà tăng trưởng của kinh tế Mỹ trong năm 2015./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục