Hoạt động của NSA khiến Mỹ "khó xử" với Trung Quốc

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ sẽ đối mặt với những câu hỏi hóc búa về hoạt động gián điệp mạng của NSA trong chuyến thăm Trung Quốc sắp tới.
Hoạt động của NSA khiến Mỹ "khó xử" với Trung Quốc ảnh 1Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel sẽ phải đối mặt với vấn đề đau đầu về hoạt động do thám của NSA trong chuyến thăm Trung Quốc tới đây. (Ảnh: AFP)

Hồi tháng trước, có một số nguồn tin tiết lộ rằng Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) đang theo dõi các mạng lưới thuộc Tập đoàn viễn thông Huawei của Trung Quốc, doanh nghiệp mà Hạ viện Mỹ từ lâu chủ trương ủng hộ các công ty Mỹ tránh sử dụng dịch vụ của họ vì những lý do liên quan an ninh quốc gia.

Vấn đề này đã được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nêu ra trong cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Barack Obama bên lề Hội nghị Thượng đỉnh An ninh Hạt nhân vừa diễn ra ở La Haye, Hà Lan.

Theo báo mạng Asia Sentinel, trong tuần này, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel dự kiến có chuyến thăm quan trọng tới Trung Quốc và ông này sẽ nhấn mạnh với các “thính giả” Trung Quốc rằng Lầu Năm Góc đã tìm cách “công khai và minh bạch” về năng lực mạng và các ý định của họ với cả các đồng minh cũng như đối thủ cạnh tranh của Mỹ.

Hôm 28/3 vừa qua, Bộ trưởng Chuck Hagel đã tuyên bố tại trụ sở NSA rằng Lầu Năm Góc sẽ tăng gấp ba lần số nhân viên an ninh mạng của họ - lên mức 6.000 người - trong vài năm tới để phòng thủ trước các cuộc tấn công mạng.

Ông Vanson Soo, một chuyên gia độc lập về hoạt động điều tra thương mại và tình báo kinh tế trong khu vực cho rằng đây là một điều rất thú vị. Chuyên gia này đặt câu hỏi rằng “chưa rõ Bộ trưởng Chuck Hagel sẽ phải đối mặt với vấn đề nào khi ông đến thăm Trung Quốc trong tuần này, nơi ông dự kiến sẽ bị ‘tra hỏi’ về những tiết lộ mới nhất liên quan tới NSA và hoạt động gián điệp mạng của Mỹ.”

Tại buổi lễ tiễn Giám đốc NSA, Tướng Keith Alexander về hưu, Bộ trưởng Hagel nhấn mạnh: “Trong lúc tôi phát biểu, các hệ thống của Bộ Quốc phòng Mỹ sẽ bị các đối thủ ‘quét’ khoảng 5.000 lần. Đất nước của chúng ta phải đương đầu với việc phổ biến các phần mềm độc hại có sức tàn phá lớn và một thực tế mới về những nỗ lực công kích dần dần, đang diễn ra, nhằm điều tra, tiếp cận hoặc phá vỡ các mạng lưới công cộng và cá nhân cùng các hệ thống kiểm soát chịu trách nhiệm xử lý các vấn đề cung cấp nước uống, năng lượng và thực phẩm của chúng ta.”

Ông Hagel nói tiếp: “Mỹ không tìm cách quân sự hóa không gian mạng. Thay vào đó, chính phủ Mỹ đang thúc đẩy chất lượng của Internet về khía cạnh tính liêm chính, sự tin cậy và sự cởi mở, những khía cạnh đã trở thành một chất xúc tác cho sự tự do và thịnh vượng ở Mỹ và trên thế giới.”

Mặc dù trụ sở của NSA, cơ quan hoạt động dưới quyền của Lầu Năm Góc, nằm ở Forte Meade, Maryland nhưng cơ quan phụ trách hoạt động tình báo đối ngoại và phản gián này có một cơ sở thu thập thông tin bí mật mới ở Utah, với diện tích lớn gấp bảy lần Lầu Năm Góc, với 30.000 nhân viên quân sự và dân sự.

Có bao nhiêu nhân viên đang hoạt động bí mật tại cơ sở của NSA ở Utah hiện vẫn là điều bí mật. Và một trong số những thiết bị cốt yếu tại cơ sở ở Utah - dự án xây dựng lớn nhất của Bộ Quốc phòng Mỹ trên lãnh thổ nước này - là “những máy tính với khả năng xử lý siêu tốc,” được đưa vào hoạt động từ tháng 10 năm ngoái.

Trong bối cảnh xuất hiện những tiết lộ về hoạt động gián điệp mạng mạnh mẽ của Mỹ, NSA liên tục đảm bảo rằng một hệ thống đã được sử dụng làm cơ chế giám sát và kiểm tra quan trọng chống lại việc lạm dụng quyền hạn trên.

Giám đốc NSA Alexander khi còn đương chức đã tuyên bố Bộ Quốc phòng và Bộ Tư pháp có bộ phận chuyên giám sát các hoạt động mà NSA đang tiến hành.

Tuy nhiên, theo một thông tin gần đây của tờ The Guardian (Anh), ông Anthony Thomas, Phó Tổng Thanh tra Bộ Quốc phòng phụ trách những đánh giá tình báo và chương trình đặc biệt đồng thời là người có trách nhiệm giám sát NSA - đã tuyên bố rằng ông này “không biết” về việc NSA rình mò và điều hành các chương trình thu thập băng ghi âm điện thoại trong nước trước khi bị cựu nhân viên NSA Edward Snowden tiết lộ trên báo chí vào tháng Sáu năm ngoái.

Tờ Washington Post cũng đưa tin tháng trước rằng NSA có một hệ thống theo dõi đủ khả năng ghi lại “100%” các cuộc gọi điện thoại ở một quốc gia không được nêu tên nằm bên ngoài nước Mỹ và lưu trữ chúng trong khoảng thời gian lên tới một tháng.

Chuyên gia Van Soo nhận định: “Giờ đây xem xét việc đặt tất cả những điều nói trên vào trong bối cảnh. Theo thông tin trên các phương tiện truyền thông về chiếc máy bay mang số hiệu MH370 của hãng hàng không Malaysia hiện vẫn đang mất tích, khi Australia lần đầu tiên công bố phát hiện từ các bức ảnh vệ tinh về những thứ mà họ nghĩ có thể là các mảnh vỡ của chiếc máy bay (nhưng không phải) ở vùng biển ngoài khơi bờ biển phía Tây Australia, thì những bức ảnh đó là những bức ảnh được chụp từ các vệ tinh của Mỹ mà nhà chức trách Australia đã liên tục từ chối tiết lộ".

"Người ta đang nghi ngờ có sự thông đồng khác nhau đã được thực hiện đối với chiếc máy bay mất tích, với việc một số người đang tự hỏi rằng liệu Mỹ đã có thể thu thập được bao nhiêu thông tin từ các nguồn riêng của họ nhưng không tiết lộ. Do vô số các thiết bị nghe lén mà Mỹ có ở trên không, trên mặt đất và dưới biển, Bộ trưởng Hagel có lẽ sẽ có một quãng thời gian khó khăn khi phải giải thích với Trung Quốc về những gì Mỹ coi là ‘công khai và minh bạch”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục