Hoạt động của Quốc hội gắn với thực tiễn

Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, hoạt động của Quốc hội ngày càng gắn thực tiễn cuộc sống, trên cơ sở tiếp thu ý kiến của dân.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh hoạt động của Quốc hội ngày càng gắn với thực tiễn cuộc sống, trên cơ sở lắng nghe, tiếp thu ý kiến của dân; nhiều vấn đề bức xúc, dư luận xã hội quan tâm đã được phản ánh trong Chương trình nghị sự.

Phát biểu với hơn 200 cử tri các quận Ba Đình, Cầu Giấy, để báo cáo kết quả Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội Khóa XII vừa kết thúc, ngày 27/6, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng ghi nhận và đánh giá cao nhiều ý kiến tâm huyết của cử tri, góp phần thúc đẩy giải quyết nhiều công việc quan trọng của đất nước.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ trước yêu cầu hội nhập và phát triển, công tác xây dựng luật pháp ngày càng được tăng cường cả về số lượng và chất lượng. Trên cơ sở đổi mới, cải tiến cách thức tiến hành Kỳ họp của Quốc hội, thời gian Kỳ họp tuy rút ngắn nhưng vẫn bảo đảm tiến độ, chất lượng các dự án luật được thông qua.

Hoạt động của Quốc hội ngày càng đi vào thực chất, hiệu quả hơn, trên cơ sở tổng hợp những kiến nghị, nguyện vọng của cử tri. Nhiều nội dung quan trọng, sau khi thảo luận Quốc hội đã quyết định khác so với đề xuất ban đầu như số tội danh có án tử hình (khi sửa đổi Luật Hình sự), chỉ số giá tiêu dùng, mức bội chi ngân sách... Hay như đề án đổi mới cơ chế tài chính giáo dục, đây không chỉ đơn thuần là vấn đề tăng học phí; đầu tư cho con người, cho phát triển là rất lớn, trong khi hiện nay đầu tư cho giáo dục vẫn chưa đảm bảo, nên cần tìm một cơ chế tài chính hợp lý hơn.

Hoạt động giám sát của Quốc hội cũng tập trung vào những vấn đề nóng hổi của cuộc sống như: vệ sinh an toàn thực phẩm, tái định cư thủy điện Sơn La; sau giám sát có ra nghị quyết, hoặc ban hành luật để điều chỉnh. Hoạt động chất vấn là nhằm phân tích nguyên nhân, trách nhiệm, tìm giải pháp cho những vấn đề mà dư luận xã hội đang quan tâm.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng cũng đã dành thời gian trao đổi về nhiều vấn đề cử tri nêu như đấu tranh chống tham nhũng lãng phí, quản lý tài sản công, quản lý đất đai, nhà ở, phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân, khai thác bauxite ở Tây Nguyên, phát huy hiệu quả gói kích cầu của chính phủ, bảo đảm an sinh xã hội, giảm chênh lệch giàu nghèo./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục