Hoạt động tái chế chất thải - nỗ lực tìm “vàng” trong rác

Trong lượng rác thải được Nhật Bản đưa vào tái chế, phải kể đến các chai nhựa tổng hợp. Các loại chai nhựa này có thể chuyển thành sợi may quần áo, túi, thảm và áo mưa.
Hoạt động tái chế chất thải - nỗ lực tìm “vàng” trong rác ảnh 1(Nguồn: sputnik)

Theo báo cáo mới đây của Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA), sự cạnh tranh trong khai thác nguồn tài nguyên hữu hạn sẽ ngày càng khốc liệt, khi nền kinh tế ngày một phát triển và lượng dân số ngày càng đông hơn. Trong bối cảnh này, việc tăng cường sử dụng nguồn vật liệu tái chế sẽ góp phần giúp quốc gia hưng thịnh, đồng thời bảo vệ môi trường trong tương lai. Báo cáo còn nhấn mạnh quá trình “biến” những phế liệu trở thành nguồn nguyên liệu có giá trị sẽ tạo mới nhiều việc làm và đóng góp đáng kể cho nền kinh tế.

Tìm “vàng” trong rác

Các chuyên gia cho biết hoạt động tái chế rác thải sẽ góp phần đáng kể bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên, giảm thiểu những tác động tiêu cực đến môi trường. Giới nghiên cứu khẳng định sử dụng vật liệu tái chế sẽ giúp giảm đáng kể mức độ ô nhiễm so với sử dụng vật liệu mới.

Bên cạnh đó, các nhà khoa học còn cảnh báo rằng việc chôn lấp và đốt rác là các phương pháp không chỉ có tác động rất lớn về môi trường mà còn gây thiệt hại về mặt kinh tế. Nước từ rác thải chôn lấp lan ngấm xuống làm ô nhiễm đất và mạch nước ngầm. Nếu muốn xử lý triệt để vấn đề này, các quốc gia cần tiêu tốn một nguồn ngân sách rất lớn. Theo các chuyên gia, tái chế rác thải là một bước đi quan trọng trên hành trình bảo vệ “hành tinh Xanh."

Một nghiên cứu của cơ quan Ellen MacArthur Foundation cho biết hầu hết các túi nilon (làm từ nhựa) chỉ được sử dụng một lần duy nhất sau khi sản xuất và 95% giá trị của các túi nilon, tương đương khoảng 80-120 tỷ USD đang bị lãng phí mỗi năm. EPA ước tính việc tái chế một tấn nhựa sẽ giúp tiết kiệm 3,8 thùng dầu thô.

Một thống kê khác cho biết tỷ lệ tái chế rác thải hàng năm tại Mỹ là trên 30% (khoảng 90 triệu tấn rác thải mỗi năm). Theo một ước tính, khi tỷ lệ tái chế tại Mỹ đạt 75%, con số này sẽ tương đương với việc giảm được lượng khí thải từ 55 triệu ôtô đi lại trên đường, đồng thời tạo mới 1,5 triệu việc làm cho nền kinh tế.

Những “tấm gương” về tái chế rác

Thụy Điển là một trong những quốc gia đi đầu trên thế giới về tái chế rác thải. Quốc gia này đã áp dụng chính sách tái chế thống nhất trên toàn quốc. Tờ Independent cho biết kể từ năm 2011 chưa đến 1% rác thải từ hộ gia đình của Thụy Điển được chuyển đến bãi đổ rác. Quy trình xử lý rác tại Thụy Điển được tiến hành như sau: rác thải hữu cơ tại các gia đình sẽ được làm nhiên liệu đốt cháy để sản sinh nhiên liệu cho các nhà máy; các loại rác không cháy được, như kim loại, sẽ được tách ra để tái chế; còn các loại rác vô cơ không cháy sẽ dùng để trải đường, làm mái ngói, gạch lót sàn.

Điều đặc biệt là dù đã tái chế 99% lượng rác thải, các nhà máy tái chế của Thụy Điển vẫn không đủ nguồn nguyên liệu và hàng năm phải nhập khẩu hàng trăm nghìn tấn rác từ nước ngoài để tái chế. Một quốc gia khác phải đi nhập khẩu rác là Estonia. Năm 2015, quốc gia này đã phải nhập khẩu 56.000 tấn rác để cung cấp cho nhà máy điện chạy bằng rác thải.

Tại Nhật Bản, quá trình xử lý rác thải được thực hiện một cách chặt chẽ, với hệ thống phân loại và công nghệ tái chế rác hiện đại. Trong lượng rác thải được Nhật Bản đưa vào tái chế, phải kể đến các chai nhựa tổng hợp. Các loại chai nhựa này có thể chuyển thành sợi may quần áo, túi, thảm và áo mưa. Ngoài ra, Nhật Bản còn ứng dụng rác tái chế trong công nghệ lấp biển. Hai sân bay quốc tế là Chubu Centrair và Kansai đều xây trên những hòn đảo nhân tạo có sử dụng nguyên liệu tái chế.

Tại Singapore, chính phủ nước này đã yêu cầu tăng tỷ lệ tái chế thông qua phân loại rác tại các hộ gia đình, các cơ sở kinh doanh để giảm chi ngân sách cho Nhà nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục