Quan ngại về Biển Đông

Học giả quốc tế quan ngại về tình hình Biển Đông

Tình hình Biển Đông đang diễn biến phức tạp sau vụ 3 tàu hải giám của Trung Quốc quấy nhiễu và ngang nhiên cắt dây cáp của tàu khảo sát Bình Minh 02 của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Petro Vietnam khi tàu này đang khảo sát địa chấn trong thềm lục địa của Việt Nam và tiếp đó là việc hải quân Trung Quốc dùng súng uy hiếp tàu cá của ngư dân Việt Nam trong khi đang hoạt động nghề cá tại vùng biển thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Dư luận nước ngoài cho rằng vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông sẽ là chủ đề lớn được thảo luận tại Diễn đàn an ninh khu vực châu Á-Thái Bình Dương (Đối thoại Shangri-La) khai mạc tại Singapore ngày 3/6.
Tình hình Biển Đông đang diễn biến phức tạp sau vụ 3 tàu hải giám của Trung Quốc quấy nhiễu và ngang nhiên cắt dây cáp của tàu khảo sát Bình Minh 02 của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Petro Vietnam khi tàu này đang khảo sát địa chấn trong thềm lục địa của Việt Nam và tiếp đó là việc hải quân Trung Quốc dùng súng uy hiếp tàu cá của ngư dân Việt Nam trong khi đang hoạt động nghề cá tại vùng biển thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Dư luận nước ngoài cho rằng vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông sẽ là chủ đề lớn được thảo luận tại Diễn đàn an ninh khu vực châu Á-Thái Bình Dương (Đối thoại Shangri-La) khai mạc tại Singapore ngày 3/6.

Giáo sư Carl Thayer, hiện đang công tác tại Khoa Nhân văn và Xã hội học trường Ðại học New South Wales của Australia, cho rằng: “Hành động cắt dây cáp của Trung Quốc trong vùng biển thuộc đặc quyền kinh tế của Việt Nam đã vi phạm luật biển quốc tế và làm cho vùng biển này không còn an toàn như trước. Tàu Việt Nam đang làm việc trong vùng biển đặc quyền kinh tế mà Công ước về luật biển quốc tế đã quy định cho họ. Hành động này rõ ràng đã chấm dứt những gì lạc quan nhất mà Trung Quốc và ASEAN đã và đang thương thảo về Biển Đông.”

Cùng chung quan điểm trên, Giáo sư Stein Tonnesson thuộc Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế tại Oslo (Na Uy) cho rằng vụ việc tàu Bình Minh 02 xảy ra trong khu vực mà chỉ Việt Nam có quyền tuyên bố thuộc thềm lục địa của mình.

Giáo sư Peter Dutton thuộc Viện nghiên cứu hàng hải Trung Quốc (Đại học Hải quân Mỹ) nhấn mạnh tuyên bố về khu vực đặc quyền kinh tế của Việt Nam hoàn toàn phù hợp với Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển.

Trong khi đó, Tiến sĩ Ian Storey, thuộc Viện nghiên cứu Đông Nam Á (Singapore), cho rằng những vụ việc đã và đang xảy ra cho thấy tình hình ở Biển Đông đang diễn tiến đáng quan ngại. Theo nhà nghiên cứu về an ninh hàng hải khu vực Iskander Rehman, cách hành xử của Trung Quốc “đã dẫn tới sự căng thẳng không chỉ với tàu Việt Nam mà cả các tàu của Mỹ, Nhật Bản và Philippines.”

Cũng liên quan tới tình hình Biển Đông, trả lời phóng vấn báo chí, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định Mỹ phản đối việc sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực của bất kỳ bên nào ở Biển Đông, ủng hộ Tuyên bố của ASEAN và Trung Quốc về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông và khuyến khích các bên đạt được bộ quy tắc ứng xử đầy đủ.

Người phát ngôn nói Mỹ ủng hộ tiến trình ngoại giao mang tính cộng tác của tất cả các bên nêu yêu cầu chủ quyền nhằm giải quyết các tranh chấp lãnh thổ và lãnh hải mà không có sự áp đặt.

Người phát ngôn nêu rõ Mỹ chia sẻ với cộng đồng quốc tế một số lợi ích quốc gia tại Biển Đông, bao gồm ổn định khu vực, tự do hàng hải, tôn trọng luật pháp quốc tế và thương mại không bị cản trở trong điều kiện hợp pháp. Lập trường của Mỹ là không đứng về phía bên nào trong các tranh chấp lãnh thổ ở khu vực này.

Phát biểu với báo giới tại thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia, Tư lệnh Bộ chỉ huy của Mỹ ở Thái Bình Dương, Đô đốc Robert Willard cũng bày tỏ quan ngại về tình hình căng thẳng tại Biển Đông, đồng thời cam kết sẽ nỗ lực bảo đảm các bên giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, thông qua đối thoại và không xảy ra xung đột. Năm ngoái, giới chức Mỹ cũng đã nhiều lần đề cập vấn đề tự do lưu thông tại Biển Đông khi Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates tuyên bố Washington phản đối các hành động ngăn cản các công ty làm ăn ở Biển Đông.

Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Ahmad Zahid Hamidi khẳng định đối thoại sẽ giúp ngăn ngừa xung đột giữa các nước đang tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông.

Trong chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt tới Manila cuối tháng 5 vừa qua, Tổng thống Philippines Benigno Aquino cảnh báo các vụ đụng độ trong vùng biển tranh chấp có thể châm ngòi cho một cuộc chạy đua vũ trang. Tổng thống Aquino cũng khẳng định lại quan điểm rằng các nước trong khu vực cần tháo gỡ căng thẳng và tập trung thúc đẩy sự thịnh vượng chung.

Một cuộc hội thảo quốc tế “Triển vọng hợp tác, những vấn đề hội tụ và động lực ở Biển Đông” do Trung tâm Habibie của Indonesia phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu chiến lược châu Á (CASS) của Ấn Độ vừa tổ chức tại Jakarta khẳng định việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền lãnh hải với "Đường 9 điểm" trên bản đồ (đường lưỡi bò) chiếm tới 80% diện tích Biển Đông là không phù hợp và đã bị cộng đồng quốc tế chỉ trích.

Tuyên bố kêu gọi các bên liên quan duy trì cam kết giải quyết tranh chấp lãnh thổ và pháp lý ở Biển Đông thông qua thương lượng hòa bình, trên cơ sở tuân thủ các nguyên tắc, luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 và 5 nguyên tắc chung sống hòa bình, tăng cường các nỗ lực xây dựng lòng tin, hợp tác đa phương về an toàn biển, nghiên cứu khoa học, chống tội phạm và hướng tới ký kết Bộ Quy tắc về ứng xử ở biển Đông (COC)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục