"Học lệch" như học sinh... trường chuyên

Có nhiều thành tích trong các kỳ thi quốc gia, quốc tế nhưng thiếu kỹ năng xã hội là thực trạng của học sinh các trường chuyên.
Phát biểu khai mạc tại Hội nghị Các trường trung học phổ thông chuyên năm 2009,  được tổ chức tại Nam Định cuối tuần qua, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển nói: “Mục tiêu đào tạo của các trường vẫn chưa thống nhất. Trường chuyên không phải đơn thuần để dạy kiến thức, đào tạo 'gà nòi' mà phải giúp học sinh phát triển toàn diện”.

Học sinh chuyên = thi đỗ đại học, cao đẳng

Bản báo cáo về các hoạt động đạt được của giai đoạn 2007-2009 của các trường trung học phổ thông chuyên dày đặc thành tích thi học sinh giỏi. Theo đó, số lượng học sinh giỏi và tỷ lệ học sinh có giải không ngừng tăng qua các năm.

Cụ thể, trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, năm 2007 có hơn 3.700 em dự thi thì năm 2009, con số này là 3.835 em. Tỷ lệ học sinh đạt giải tăng từ hơn 44% lên 49,54%; trong đó có nhiều trường có tỷ lệ thí sinh đạt giải trên 90% như Hà Nội (năm 2007), Nam Định (năm 2008) và Đà Nẵng (2009).

Trên trường quốc tế, thành tích của các đội tuyển Việt Nam cũng rất đáng nể với tỷ lệ thí sinh đạt giải trong các kỳ thi olympic quốc tế là 91,4% năm 2007, trên 95% năm 2009 và đặc biệt, năm 2008 có 100% học sinh đạt giải. Trong Giải vật lý châu Á, thành tích của Việt Nam cũng tăng dần đều qua các năm: Từ trên 71% năm 2007 lên trên 87% năm 2008 và tới năm 2009 thì cả 8 em đi thi đều có giải, đạt tỷ lệ 100%.

Theo thống kê, hầu hết các trường chuyên có tỷ lệ đỗ tốt nghiệp trung học phổ thông đạt 100% và tới trên 90% học sinh đỗ đại học.

Cũng trong báo cáo này, ngoài thành tích học tập xuất sắc, các trường cho biết đã “chú trọng các hoat động giáo dục đạo đức, thể chất và giáo dục ngoài giờ lên lớp”. Tuy nhiên, dễ dàng nhận thấy các hoạt động này cũng  chỉ mới gắn chặt với vấn đề học tập hơn là kỹ năng xã hội. Đó là Chương trình hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học của khối trung học phổ thông chuyên, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội, Phong trào nghiên cứu khoa học trẻ-sáng tạo trẻ của Trường Trung học phổ thông chuyên Lê Quý Đôn (Đà Nẵng)...

Phải đẩy mạnh phát triển toàn diện

Phát triển toàn diện đang là một vấn đề quan trọng được đặt ra với hệ thống các trường chuyên.

Thừa nhận vấn đề này, ông Phan Tuấn Cộng, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông chuyên Nguyễn Trãi (Hải Dương) chia sẻ: “Học sinh trường chuyên sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông mặc dù rất giỏi về môn chuyên nhưng sự năng động, hiểu biết xã hội chưa cao. Bản thân các trường chuyên chưa có những hoạt động giáo dục nhằm phát huy khả năng thích ứng xã hội sẵn có trong mỗi học sinh”.

Cũng theo ông Cộng, điều trên đã dẫn tới việc dư luận xã hội cho rằng học sinh trường chuyên học lệch. Hình ảnh học sinh chuyên gắn với đặc điểm nhận diện là “bốn mắt” bởi các em chỉ biết miệt mài học văn hóa mà ít được vui chơi, ít được rèn luyện về kỹ năng sống.

Để khắc phục hạn chế trên, từ năm học 2006-2007, trường Trung học phổ thông chuyên Nguyễn Trãi (Hải Dương) là một trong số ít các trường chuyên đặc biệt chú trọng tới phát triển toàn diện cho học sinh. Cụ thể, nhà trường đã tổ chức nhiều hoạt động ngoài giờ lên lớp theo chủ đề các tháng như An toàn giao thông, Môi trường, Tình bạn-Tình yêu…, tổ chức giao lưu, cắm trại hay các hoạt động từ thiện Áo ấm tình thương, hỗ trợ học tập của Hội người mù…

Cùng quan điểm, ông Phạm Văn Đại, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội kiêm Hiệu trưởng Trường Chuyên Amsterdam cho rằng, đảm bảo giáo dục toàn diện, phát triển khả năng chuyên sâu một số lĩnh vực cần thiết trong xã hội hiện đại phải là mục tiêu của trường chuyên. Học sinh chuyên có tư chất thông minh nên khi được tham gia các hoạt động, khả năng giao tiếp và xã hội của các em sẽ tăng nhanh./.

Phạm Mai (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục