Học trường quốc tế: Tiền mất... nhiều, tật có mang?

Học trường quốc tế là bước đệm mà các bậc cha mẹ thường chọn lựa trước khi cho con theo học đại học ở nước ngoài, tưởng là một đầu tư hợp lý.
Cho con học trường quốc tế được xem như du học tại chỗ nên ai cũng nghĩ mức học phí cao là đương nhiên. Học trường quốc tế cũng là bước đệm mà các bậc cha mẹ thường chọn lựa trước khi cho con theo học đại học ở nước ngoài, xem ra là một đầu tư hợp lý. Tuy nhiên, khi Vietnam+ nhận được những đơn thư kiến nghị từ các phụ huynh của một trường quốc tế khá nổi tiếng tại thị trường Việt Nam với hàng ngàn học sinh và hệ giáo dục trải từ mầm non đến hết phổ thông trung học là Trường quốc tế Singapore (KinderWorld Kindergarten and Private School JSC) thì mới té ra có rất nhiều vấn đề "tưởng vậy mà không phải vậy" và nguy cơ tiền mất nhiều mà tật lại mang là khá hiện hữu.
Bài 1: Xuất tiền khủng để mua ngậm ngùi thắc mắc
Đồng tiền bát gạo... khổng lồ! Biết là học trường “ngoại” có mức học phí cao nhưng khi nhìn những giấy báo thu tiền với các mức thu thấp là trên 200 triệu và cao là gần tới 300 triệu đồng/ năm, thì hẳn người có thu nhập cao cũng thấy “choáng,” nhất là khi mức phí khủng đó được thu tới trước 2 tháng khi thời điểm năm học mới bắt đầu và thời gian nhận được thông báo đến khi hết hạn là vỏn vẹn chưa đầy 2 tuần lễ (Học phí thu cho năm học mới khai giảng 29/8 nhưng hạn chót đóng tiền học là 30/6).
Nhưng như vậy cũng không phải là nỗi bức xúc của các bậc phụ huynh "đại gia," mà họ buồn bực vì nhiều lẽ khác. Tại một cộng đồng những phụ huynh có quen biết nhau, đã có một bức thư khá là cám cảnh: "Mong các mẹ đang có con theo học tại trường (từ mầm non-cấp 1, 2, 3) nắm tình hình, cùng đoàn kết và cho ý kiến yêu cầu về quyền lợi chính đáng.
Nguyên nhân của lá thư này được nằm trong nội dung lá đơn gửi Ban giám đốc Trường quốc tế Singapore  của đại diện các phụ huynh liên quan đến việc quy đổi tỉ giá tiền học bất hợp lý. Mở đầu đơn kiến nghị này viết: “Tất cả chúng tôi, thay mặt phu huynh KinderWorld Kindergarten and Private School JSC Hà Nội có một số thắc mắc như sau: Vào tháng 04 năm 2011 chúng tôi có nhận được thông báo tăng giá tiền học và biểu phí tiền học bằng USD cho năm học 2011-2012.” Nội dung tiếp theo là “Vào ngày 17/6/2011, chúng tôi có nhận được thông báo nộp tiền học cho các cháu bằng đồng VND. Có một số khoản chúng tôi không hiểu khi chia ra với tỉ giá ngày 15/6/2011, số tiền được quy đổi thành tiền USD không khớp với giấy thông báo tăng giá tiền học cho năm học 2011-2012.” Đơn thư nêu trên đã yêu cầu Ban giám hiệu nhà trường cho chúng tôi lời giải thích về việc trên và còn có gửi kèm bảng tỉ giá USD với tiền VNĐ của Vietcombank. Chị MP, người có 2 con đang theo học tại KinderWorld Kindergarten phản ánh: Nếu cứ chia theo mức học phí được tính bằng USD mà nhà trường gửi cho chúng tôi chỉ cách đây có 2 tháng thì tỷ giá lên đến gần 22.000 đồng, trong khi đó ngân hàng nhà nước quy định là 20.560 đồng. Nếu đóng cho con cả năm học, với mức học phí gần 300 triệu đồng thì vị chi mỗi học sinh mất thêm khoản khá lớn đến hơn hai chục triệu đồng." Chị NT, cũng có con theo học 2 cấp tại trường này cũng lắc đầu ngao ngán: "Họ tính toán kiểu gì chả biết, tiền nào rõ ràng tiền đó. Nếu có làm theo cách niêm yết không USD của Chính phủ thì cũng vẫn phải dựa trên cơ sở mức giá gửi cho phụ huynh, còn cộng phí xây dựng trường thì ghi rõ ra. Ngay cả đóng học phí, họ cũng có quy định oái oăm, theo kiểu 'tận thu,' nếu đóng học cả năm thì không sao, đóng theo kỳ thì với mẫu giáo lại mất phí đặt cọc, quy định là 300 USD, giờ là 6,6 triệu đồng, quy ra, chả hóa là 22.000 đồng/USD, thì ai chả phải thắc mắc?" "Chưa hết, tiền học phí quan trọng và cao như thế, mà họ không gửi cho phụ huynh theo đường công văn, mà cứ đưa cho học sinh mang về. Các con ở tuổi ham chơi dễ dàng quên đưa thông báo cho cha mẹ, một khoản lớn thế thì có phải dễ dàng thu xếp đâu, mà quá hạn thì phải chịu lãi suất phạt," chị NT nói thêm. Còn chị H mẹ cháu PA học lớp 3 tại cơ sở Vạn Bảo thì than phiền: "Thông báo toàn bằng tiếng Anh, con mình nó học quốc tế chứ mình thì có học đâu, đâu phải cha mẹ nào có con học quốc tế đều biết, giỏi tiếng Anh? Trẻ nó cũng chả dịch được, cứ như đánh đố." Hưởng ứng, một phụ huynh đưa ra câu hỏi: “Có phải vì giải thích các khoản thu bằng tiếng Việt thì không tiện nên họ cứ lập lờ bằng tiếng Anh, các cha mẹ 'mù ngoại ngữ' thì cứ thế mà nộp thôi chăng?”  Học phí cao như vậy, nhưng không bao gồm các hoạt động cộng đồng hay văn thể mỹ, muốn con đi bơi, phụ huynh sẽ phải đóng thêm khoảng 500.000 đồng/tháng, tham gia văn nghệ thì phải đóng tiền may trang phục biểu diễn, cha mẹ muốn đi xem thì phải mua vé với mức giá 200.000 đồng/vé.... Chưa hết, một phụ huynh phàn nàn: "Tôi mua vé ăn trưa cho con tính ra tới 90.000 đồng/ngày, thế nhưng cháu về kêu đói, nói là một suất ăn không đủ no, trước đây, các cháu có thể vào lấy thêm lần hai, hoặc lần ba, nhưng gần đây nhà trường quy định chỉ được lấy một phần ăn vì 'có nhiều trường hợp các bạn không đóng tiền ăn nhờ các bạn đóng tiền lấy cho ăn!' Quản lý thì thiếu gì cách mà lại quản lý như thế cơ chứ, trẻ đang tuổi ăn, tuổi lớn có bữa ăn trưa là quan trọng nhất cho thể chất mà lại hạn chế các cháu như thế thì hỏi cha mẹ an tâm sao được?" Những thắc mắc rơi vào thinh không "Tôi gọi điện sang hỏi thì cô kế toán nói với giọng rất căng thẳng và bực bội: 'em không biết, công ty nói thu sao thì thu vậy. Từ giờ sẽ thu như thế, không quy đổi gì hết, mức thu này kèm cả đóng tiền xây dựng trường? Chị hỏi hết chưa, em đang có nhiều phụ huynh đợi để nộp tiền...' Không hiểu nhân viên kiểu gì,  lẽ ra người bực bội phải là chúng tôi chứ, chúng tôi đóng tiền và chúng tôi cần biết mình đóng tiền như thế vì sao," chị MP bức xúc. Theo những thắc mắc của các phụ huynh, phóng viên Vietnam+ đã gửi một số câu hỏi phỏng vấn tới đại diện trường quốc tế Singapore đến nay cũng đã hơn nửa tháng, nhưng vẫn chưa có trả lời. Mặc dù phía phóng viên đã có thêm những lời yêu cầu hợp tác và phía trường này cũng có thêm lời hứa và đề nghị chờ. Thiết nghĩ, trả lời câu hỏi của báo chí là cơ hội trả lời phụ huynh một cách đàng hoàng và nghiêm túc nhất. Nếu phía cơ sở giáo dục có đầu tư nước ngoài được hỏi quá chậm chạp hoặc "lờ" đi không phải là một cách làm đúng đắn và cầu thị trong một môi trường đòi hỏi chữ tín và sự rõ ràng rất cao là "trồng người." Thứ hai là việc không có liên hệ với phụ huynh bằng e-mail mà chỉ liên hệ qua thư gửi từ học trò đã làm nhiều phụ huynh rất lúng túng. Theo chị A: “Đến sát nút khi nhận được thông báo thu tiền thì phụ huynh không thể kịp chuẩn  bị một số tiền lớn như vậy. Nhất là khi có một số gia đình tin tưởng, họ đã gửi tại cơ sở giáo dục này 2-3 đứa con thì thật... chóng mặt.”/. Bài 2: “Đắt” có “xắt ra miếng” hay dở Tây-dở Ta?
Nguyễn Anh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục