Gia hạn trừng phạt

Hội đồng Bảo an LHQ gia hạn trừng phạt Cote d'Ivoire

Việc gia hạn các biện pháp trừng phạt Cote d'Ivoire diễn ra trong bối cảnh cuộc khủng hoảng chính trị vẫn tiếp diễn tại nước này.
Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngày 25/4 đã thông qua nghị quyết gia hạn thêm một năm các biện pháp trừng phạt Cote d'Ivoire, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng chính trị và xung đột vũ trang vẫn tiếp diễn tại nước này.

Trong nghị quyết mới của Hội đồng Bảo an, các biện pháp trừng phạt Cote d'Ivoire được gia hạn đến ngày 30/4/2014. Nghị quyết nêu rõ các nước cần thực hiện các biện pháp cần thiết để ngăn chặn việc cung cấp, mua bán và vận chuyển trực tiếp hoặc gián tiếp vũ khí và vật liệu liên quan tới Cote d'Ivoire.

Tuy nhiên, lệnh cấm vận vũ khí, được áp đặt lần đầu tiên vào năm 2004, không áp dụng đối với việc cung cấp vũ khí cũng như sử dụng của lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại Cote d'Ivoire (UNOCI) và việc sử dụng với mục đích nhân đạo hoặc tự vệ.

Ngoài ra, Hội đồng Bảo an cũng sẽ cấm hoạt động xuất khẩu kim cương thô vốn là nguyên nhân gây xung đột tại Cote d'Ivoire, cũng như cấm đi lại và giao dịch tài chính đối với một số cá nhân.

Tuy nhiên, Hội đồng Bảo an cho biết sẽ tiếp tục xem xét các biện pháp trừng phạt để điều chỉnh theo hướng nới lỏng hoặc dỡ bỏ nếu thấy có những tiến bộ đáng kể trong đảm bảo ổn định lâu dài ở quốc gia Tây Phi này. Nghị quyết trên được thông qua một ngày sau các cuộc đụng độ tại Cote d'Ivoire giữa lực lượng cảnh sát và người biểu tình phản đối các kết quả của cuộc bầu cử trên truyền hình.

Cote d'Ivoire lâm vào bất ổn từ tháng 9/2002 do một âm mưu đảo chính dẫn tới tình trạng chính phủ kiểm soát miền Nam và phe nổi dậy kiểm soát miền Bắc. Sau cuộc bầu cử tổng thống năm 2010, Tổng thống khi đó là Laurent Gbagbo không chấp nhận thất cử và nước này lại rơi vào xung đột kéo dài gần 5 tháng, cho đến khi ông Gbagbo bị bắt vào tháng 4/2011. Hiện Cote d'Ivoire đang phải đương đầu với các thách thức hòa giải dân tộc và xây dựng lại đất nước sau chiến tranh.

Cùng ngày, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã nhất trí gia hạn thêm một năm hoạt động của Phái bộ Liên hợp quốc tại Tây Sahara để giám sát lệnh ngừng bắn và giúp tổ chức cuộc trưng cầu dân ý về quyền tự quyết của người dân khu vực này.

Trong nghị quyết vừa thông qua, Hội đồng Bảo an hoan nghênh cam kết của các bên tiếp tục tiến trình chuẩn bị cho vòng đàm phán thứ năm nhằm đạt được một giải pháp chính trị công bằng, lâu dài và được cả hai bên chấp nhận.

Hội đồng Bảo an cũng khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ cam kết của Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon và Đặc phái viên Liên hợp quốc phụ trách khu vực Tây Sahara, ông Christopher Ross, nhằm hướng tới một giải pháp cho vùng lãnh thổ Bắc Phi này.
Tây Sahara trước đây là thuộc địa của Tây Ban Nha và sáp nhập vào Marốc năm 1975. Từ năm 1976, Liên hợp quốc đã nỗ lực tìm kiếm giải pháp cho cuộc xung đột giữa Morocco và Mặt trận Polisario đòi độc lập cho Tây Sahara.

Những năm gần đây, đã có nhiều vòng đàm phán không chính thức do Liên hợp quốc bảo trợ diễn ra giữa các bên, Marốc và PF, cùng các quốc gia láng giềng như Algeria và Mauritania./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục