Họp về tình hình Libya

Hội đồng Bảo an LHQ nhất trí họp về tình hình Libya

HĐBA LHQ sẽ họp và nghe Tổng Thư ký Ban Ki-moon tóm tắt tình hình tại Libya sau 7 ngày cho phép áp đặt vùng cấm bay tại đây.
Ngày 24/3 tới, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc sẽ họp và nghe Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon tóm tắt tình hình tại Libya sau 7 ngày cơ quan này thông qua nghị quyết 1973 cho phép áp đặt vùng cấm bay tại quốc gia Bắc Phi này.

Quyết định trên được ra trong cuộc họp kín ngày 21/3 của các thành viên Hội đồng Bảo an sau khi nhận được bức thư của Ngoại trưởng Libya Musa Kousa, cáo buộc về một "âm mưu từ bên ngoài đang nhằm vào Libya," tấn công một quốc gia độc lập và là thành viên của Liên hợp quốc.

Trong bức thư này đề ngày 19/3, Ngoại trưởng Kousa đã cáo buộc liên quân Mỹ, Anh và Pháp ném bom nhiều khu vực dân sự, vi phạm Hiến chương Liên hợp quốc và kêu gọi tổ chức một cuộc họp khẩn cấp nhằm chấm dứt hành động xâm lược trên.

Trước đó, ngày 10/3, Hội đồng Bảo an đã thông qua nghị quyết 1973 cho phép áp đặt vùng cấm bay tại Libya cũng như thực hiện "mọi biện pháp cần thiết" để bảo vệ người dân nước này, động thái được coi là "bật đèn xanh" cho các cuộc tấn công của phương Tây.

Đại sứ Ấn Độ tại Liên hợp quốc Hardeep Singh Puri nêu rõ nghị quyết trên yêu cầu Tổng Thư ký Ban Ki-moon phải báo cáo về tiến trình thực hiện các điều khoản trong vòng 7 ngày, bao gồm tăng cường các biện pháp cấm vận vũ khí, bổ sung danh sách các cá nhân, công ty, ngân hàng và các thực thể của Libya bị cấm đi lại và phong tỏa tài sản.

Trong khi đó, chiến dịch quân sự của liên quân nhằm vào Libya tiếp tục vấp phải sự phản đối từ cộng đồng quốc tế, trong chính giới cũng như người dân các nước tham chiến.

Ngày 21/3, Tổng thống Mỹ Barack Obama phải đối mặt với các chỉ trích của nghị sỹ Quốc hội thuộc cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa liên quan tới quyết định tấn công Libya.

Hạ nghị sĩ Dân chủ Michael Hond nêu rõ những mỏ dầu lớn của Libya chứ không phải vấn về nhân quyền đã là động lực thúc đẩy các cuộc tấn công của liên quân vào Libya.

Ông cho rằng Lầu Năm Góc "đã hành động dựa trên những tính toán về năng lượng của Libya, nước có lượng dầu đứng thứ 7 trên thế giới."

Chính khách này nêu rõ hành động tấn công của Washington đã cho thấy Mỹ quan tâm rất ít tới "nhân quyền và quyền tự do của con người ở nhiều nước khác như Cộng hòa Dân chủ Congo, miền Tây của Sudan hoặc Cote d'Ivoire, là những nước không có nguồn năng lượng quan trọng."

Chia sẻ quan điểm này, nữ Hạ nghị sỹ Cộng hòa Candice Miller, thành viên Ủy ban An ninh nội địa của Hạ viện Mỹ, cho rằng việc Tổng thống Obama ra lệnh tấn công Libya mà không có sự đồng ý chính thức của Quốc hội Mỹ là "không thể chấp nhận được."

Bà nghị sỹ yêu cầu Tổng thống phải rút ngắn chuyến công du Nam Mỹ hiện nay và có một cuộc họp với Quốc hội để thảo luận về vấn đề này.

Phát biểu trên kênh truyền hình MSNBC, Thượng nghị sỹ Cộng hòa John Barrasso đặt vấn đề về mục tiêu và vai trò của Mỹ trong cuộc tấn công vào Libya. Ông dự đoán rằng sứ mệnh lần này của các lực lượng vũ trang của Washington có thể kéo dài nhiều tháng.

Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Hạ viện Mỹ, bà Ileana Ros-Lehtinen, lại cho rằng Tổng thống Obama "chưa xác định rõ cho người dân Mỹ về lợi ích an ninh cơ bản mà Mỹ có trong cuộc chiến này tại Libya."

Liên quan tới quyết định trên của Tổng thống Mỹ, Tổng thống Bolivia Evo Morales nêu rõ ông Ôbama không xứng đáng với giải thưởng Nobel hòa bình được trao tặng năm 2009.

Trong khi đó, mặc dù Quốc hội Anh đã ủng hộ chiến dịch quân sự của nước này chống Libya nhằm áp đặt một khu vực cấm bay tại quốc gia Bắc Phi này, song London vẫn đang phải đối mặt với làn sóng phản đối của người dân.

Kết quả thăm dò dư luận do ComRes/ITN thực hiện và công bố ngày 21/3 cho thấy có tới 43% số người được hỏi phản đối chiến dịch quân sự của chính phủ tại Libya, trong khi tỷ lệ những người lưỡng lự là 22%.

Nhiều người dân lo ngại rằng Anh sẽ bị sa lầy vào một cuộc xung đột kéo dài ở nước ngoài đúng thời điểm nền kinh tế gặp nhiều khó khăn và cần phải thắt chặt chi tiêu ngân sách.

Kết thúc cuộc thảo luận kéo dài 6 giờ tại Quốc hội ngày 21/3, Thủ tướng Anh David Cameron đã nhận được sự ủng hộ của đảng Bảo thủ và các đối tác trong liên minh Dân chủ tự do cũng như Công đảng. Tuy nhiên, các bộ trưởng và giới quân sự Anh vẫn mâu thuẫn về mục đích của chiến dịch không kích vào Libya. Trong khi giới quân sự cho biết liên quân sẽ chấm dứt chế độ đã kéo dài 41 năm của nhà lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi, thì Ngoại trưởng nước này William Hague khẳng định mục tiêu này sẽ khiến tình hình thêm tồi tệ.

Cùng ngày 21/3, Bộ Ngoại giao Cuba đã ra thông cáo phản đối việc phương Tây tấn công quân sự chống Libya, gây thương vong cho người dân nước này, và coi đây là hành động vi phạm luật pháp quốc tế.

Thông cáo nêu rõ cuộc chiến hiện nay tại Libya cần phải được giải quyết bằng đối thoại và thương lượng. Cuba ủng hộ quyền tự quyết hợp pháp của dân tộc Libya trong những vấn đề nội bộ của đất nước không có sự can thiệp của nước ngoài.

Cùng ngày, Bộ trưởng Năng lượng và dầu khí Venezuela Rafael Ramírez đã loại trừ khả năng Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) triệu tập phiên họp khẩn cấp để bàn về cuộc khủng hoảng hiện nay tại Libya.

Phát biểu trong khuôn khổ kỳ họp Ủy ban liên chính phủ Cuba-Venezuela diễn ra tại Havana (Cuba), Bộ trưởng Ramírez khẳng định không cần thiết phải tổ chức một cuộc họp về vấn đề Libya, đồng thời tố cáo không thể ổn định giá dầu thế giới bởi các cường quốc công nghiệp chính là thủ phạm gây tình hình bất ổn hiện nay tại Libya.

Tổng thống Uganda Yowei Museveni ngày 21/3 đã lên án chính sách hai mặt của phương Tây trong vấn đề Libya. Ông nêu rõ trong khi dùng vũ lực để áp đặt vùng cấm bay tại Libya, một nước đối đầu, thì phương Tây lại làm ngơ trước những diễn biến tương tự tại Bahrein, đồng minh của họ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục