Hội đồng giám mục Italy chỉ trích ông Berlusconi về vấn đề đạo đức

Hội đồng giám mục Italy cho rằng việc Tòa tối cao tuyên ông Silvio Berlusconi trắng án trong vụ mua dâm vị thành niên "không thể xóa bỏ được hết những hệ lụy về mặt chính trị và đạo đức."
Hội đồng giám mục Italy chỉ trích ông Berlusconi về vấn đề đạo đức ảnh 1Ông Berlusconi vẫn có nguy cơ phải đối đầu với những phiên tòa mới. (Nguồn: HuffPost Italia)

Việc cựu Thủ tướng Italy Silvio Berlusconi được Tòa án tối cao nước này tuyên trắng án, gỡ ông khỏi tội đã mua dâm vị thành niên và lợi dụng chức quyền để che giấu vụ này, đang gây ra những phản ứng xã hội khá mạnh từ nhiều giới, trong đó có nhà thờ.

Hôm 12/3, nhật báo Avvenire của Hội đồng giám mục Italy (CEI) đã viết rằng việc Tòa tối cao y án phán quyết của Tòa phúc thẩm, giúp cho người đã ba lần đứng đầu chính phủ Italy này trắng án "không thể xóa bỏ được hết những hệ lụy về mặt chính trị và đạo đức," do đó "không thể được chấp nhận về mặt đạo đức."

Đức ông Nunzio Galantino, thư ký của CEI, cũng viết trên nhật báo này rằng quan điểm của Avvenire là "dũng cảm," đồng thời khẳng định "luật pháp là một chuyện, nhưng đạo đức là một chuyện khác."

Những tuyên bố này được đưa ra một ngày sau khi Tòa tối cao đưa ra phán quyết của mình. Hội đồng xét xử đã họp gần 9 tiếng đồng hồ trước khi tuyên ông Berlusconi trắng án.

Trước đó, vào tháng 7/2014, Tòa án phúc thẩm cũng tuyên ông Berlusconi không có tội, bác phán quyết của Tòa sơ thẩm.

Vào tháng 6/2013, Tòa sơ thẩm đã kết án ông Berlusconi bảy năm tù, vì đã quan hệ với gái mại dâm vị thành niên trong các bữa tiệc xa hoa của mình ở tư dinh của ông tại Milan vào các năm 2009 và 2010, và sau đó sử dụng quyền lực để che giấu những bê bối nảy sinh.

Đây không phải là lần đầu tiên Hội đồng giám mục Italy lên tiếng chỉ trích ông Berlusconi, năm nay 79 tuổi, về các vấn đề đạo đức.

Tháng 9/2011, sau khi những bê bối của ông Berlusconi được báo chí phanh phui, thư ký lúc đó của CEI là Hồng y Angelo Bagnasco đã tuyên bố cách hành xử của ông Berlusconi "đi ngược lại những yêu cầu về mặt đạo đức trước xã hội mà Hiến pháp Italy đã đưa ra đối với các chính trị gia."

Một bài viết của Hồng y này trên tờ Avvenire đã trích điều 54 của Hiến pháp Italy, quy định các chính trị gia phải là "tấm gương" cho xã hội. Bài báo kết luận lối sống của ông Berlusconi "khó mà đáp ứng với các chuẩn mực về đạo đức đặt ra cho các chính trị gia trước công chúng."

Mặc dù ông Berlusconi đã thoát khỏi một vụ án mà ông cho là đã làm tổn hại đến uy tín và danh dự của ông cũng như đảng Forza Italia do ông đứng đầu, nhưng những rủi ro đối với ông trên con đường lao lý vẫn chưa hết.

Cuối tháng 2/2015, Viện công tố Milan đã mở một cuộc điều tra mới, sau khi có những bằng chứng cho thấy, thông qua một trung gian, ông Berlusconi đã rót vào tài khoản Ruby và một số cô gái từng tham gia vào các bữa tiệc của ông một khoản đều đặn lên đến hàng chục nghìn euro mỗi tháng.

Nhà của Ruby ở Milan và căn hộ của một số cô gái đã bị lục soát để tìm chứng cứ. Trong khi đó, một cựu người mẫu gốc Trung Mỹ đã tuyên bố sẵn sàng hợp tác với Viện công tố Milan trong việc cung cấp các thông tin liên quan đến các khoản tiền này.

Theo các nhà điều tra, Berlusconi đã chuyển tiền đều đặn cho các cô gái này để họ làm chứng gian trước tòa, nhằm bảo vệ ông. Nếu các nhà điều tra chứng minh được việc mua chuộc này của ông Berlusconi, người đã ba lần đắc cử Thủ tướng Italy này có khả năng sẽ phải ra tòa một lần nữa.

Ngoài ra, ông Berlusconi vẫn đang bị điều tra về những cáo buộc ông đã mua chuộc một Thượng nghị sỹ cánh tả 3 triệu euro để người này chuyển sang ủng hộ phe trung-hữu, khiến chính phủ của Thủ tướng Romano Prodi sụp đổ vào năm 2008./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục