Hội đồng Lập hiến Ai Cập biểu quyết Hiến pháp mới

Hội đồng Lập hiến Ai Cập đã biểu quyết về dự thảo Hiến pháp trong bối cảnh chính trường nước này đang đối mặt với khủng hoảng chính trị.
Ngày 29/11, Hội đồng Lập hiến Ai Cập đã tiến hành biểu quyết về dự thảo Hiến pháp trong một động thái được đặc biệt quan tâm khi chính trường nước này đang đối mặt với cuộc khủng hoảng chính trị tồi tệ nhất kể từ cuộc bầu cử tổng thống hồi tháng Sáu vừa qua.

Trước 85 thành viên Hội đồng Lập hiến, 234 điều của dự thảo Hiến pháp được biểu quyết lần lượt. Những điều nào nhận được tối thiểu 2/3 số phiếu ủng hộ sẽ được thông qua trong khi nếu không đạt tỷ lệ ủng hộ trên, điều đó sẽ được thảo luận lại và sẽ được thông qua nếu có sự ủng hộ của 57% thành viên hội đồng.

Trong những điều đầu tiên của dự thảo Hiến pháp được thông qua, đáng chú ý là Điều 2 quy định Luật Hồi giáo (Sharia) sẽ là nguồn gốc chính của hiến pháp, bên cạnh đạo Hồi là quốc giáo và tiếng Arập là ngôn ngữ chính thức.

Đây là một điều quan trọng, được giữ lại từ Hiến pháp trước đây vốn bị đình chỉ sau khi nhà lãnh đạo Hosni Mubarak bị lật đổ đầu năm 2011.

Tất cả thành viên Hội đồng Lập hiến nhất trí với điều này. Hội đồng cũng thông qua điều nói rằng các nguyên tắc tín ngưỡng hợp pháp của người Cơ Đốc giáo và Do Thái sẽ chỉ đạo các vấn đề cá nhân và tôn giáo của họ.

Tổng thống Ai Cập Mohamed Morsi trong Tuyên bố Hiến pháp gây nhiều tranh cãi vừa qua đã kéo dài thời gian soạn thảo hiến pháp, theo đó dự thảo Hiến pháp mới sẽ được hoàn thành trong tối đa là 8 tháng tới thay vì 6 tháng như ban đầu, tính từ ngày thành lập Hội đồng Lập hiến.

Tuy nhiên, trong một động thái gây ngạc nhiên, hội đồng này sau một phiên họp dài ngày 28/11 đã quyết định đưa dự thảo Hiến pháp ra bỏ phiếu trong ngày 29/11.

Tổng Thư ký Hội đồng Lập hiến Amr Darrag nhấn mạnh giải pháp duy nhất cho cuộc khủng hoảng hiện nay ở Ai Cập là hoàn tất bản hiến pháp mới trong thời gian sớm nhất nhằm tránh những diễn biến tương tự như từng xảy ra trong cuộc chính biến lật đổ chế độ của cựu Tổng thống Mubarak.

Sau quá trình bỏ phiếu, dự thảo Hiến pháp sẽ được gửi tới Tổng thống Morsi và sau đó nếu thấy không có vấn đề gì, ông có thể kêu gọi tiến hành một cuộc trưng cầu ý dân về dự thảo này trong vòng hai tuần lễ.

Trong khi đó, theo phóng viên TTXVN tại Ai Cập, ngày 29/11, ở thủ đô Cairo nước này tiếp tục diễn ra các cuộc đụng độ giữa những người biểu tình với cảnh sát nhằm phản đối Tuyên bố Hiến pháp của Tổng thống Morsi.

Tại Quảng trường Tahrir, những người biểu tình thề sẽ ở lại đây đến khi nào Tổng thống Morsi chịu rút lại Tuyên bố hiến pháp.

Các cuộc biểu tình tại Ai Cập đã bước sang ngày thứ 6 nhưng vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Hơn thế, Văn phòng Tổng thống ra thông cáo khẳng định sẽ không nhượng bộ người biểu tình. Dư luận đang lo ngại tình trạng bạo lực sẽ xảy ra khi các đảng phái chính trị thuộc phái tự do hoặc đối lập sẽ phát động một cuộc biểu tình lớn tại Cairo vào ngày 30/11.

Chính trường Ai Cập đang rất căng thẳng sau Tuyên bố Hiến pháp của Tổng thống Morsi. Hai toà án tối cao của nước này đã lên án sắc lệnh trên. Tòa Thượng thẩm ngày 28/11 thông báo đình chỉ công việc cho đến khi văn kiện này bị hủy bỏ. Tòa án Hiến pháp tối cao cũng tuyên bố chống lại sắc lệnh tổng thống. Nhiều luật sư và thẩm phán tiếp tục biểu tình ngồi trước cửa Câu lạc bộ chính của các thẩm phán tại Cairo và một số câu lạc bộ của hội đoàn này ở các tỉnh khác. Họ khẳng định sẽ tiếp tục đấu tranh cho đến khi Tuyên bố Hiến pháp của Tổng thống Morsi bị hủy bỏ.

Theo kế hoạch, vào hồi 0 giờ ngày 30/11 (theo giờ Việt Nam), Tổng thống Morsi sẽ có bài phát biểu được truyền hình trực tiếp trên cả nước, trong đó ông sẽ giải thích lý do việc ban hành tuyên bố hiến pháp gây tranh cãi nói trên và kêu gọi sự thống nhất của quốc gia trong bối cảnh Ai Cập đang xúc tiến thông qua bản hiến pháp mới mà ông hy vọng sẽ giúp giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục