Hội nghị ASEAN 14 ký nhiều văn kiện quan trọng

Chiều 1/3, Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 14 với chủ đề "Hiến chương ASEAN vì nhân dân ASEAN" đã kết thúc thành công tốt đẹp sau khi ra Tuyên bố Cha-am - Hua Hin về Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015, cũng như trao đổi và thông qua nhiều biện pháp nhằm tăng cường hợp tác ASEAN, đặc biệt là việc ứng phó với cuộc khủng hoảng tài chính-kinh tế toàn cầu đang tác động tiêu cực tới khu vực, đưa Hiến chương và bộ máy mới của ASEAN đi vào cuộc sống, đẩy nhanh các nỗ lực trong việc xây dựng Cộng đồng ASEAN.

Chiều 1/3, Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 14 với chủ đề "Hiến chương ASEAN vì nhân dân ASEAN" đã kết thúc thành công tốt đẹp sau khi ra Tuyên bố Cha-am - Hua Hin về Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015, cũng như trao đổi và thông qua nhiều biện pháp nhằm tăng cường hợp tác ASEAN, đặc biệt là việc ứng phó với cuộc khủng hoảng tài chính-kinh tế toàn cầu đang tác động tiêu cực tới khu vực, đưa Hiến chương và bộ máy mới của ASEAN đi vào cuộc sống, đẩy nhanh các nỗ lực trong việc xây dựng Cộng đồng ASEAN.
 
Để ứng phó hiệu quả với các tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng tài chính-kinh tế toàn cầu đối với khu vực, Hội nghị nhất trí cần tăng cường hợp tác, tự cường khu vực; tăng cường phối hợp chính sách kinh tế vĩ mô, đi đôi với áp dụng giải pháp kích thích kinh tế thông qua công cụ ngân sách, nới lỏng tín dụng tiền tệ, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận tín dụng, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
 
Tại hội nghị, lãnh đạo các nước nhấn mạnh cần tiếp tục tự do hóa thương mại trên thế giới, không áp dụng các biện pháp bảo hộ, hàng rào phi thuế quan và nỗ lực hợp tác thúc đẩy vòng đàm phán Doha đạt kết quả. Hội nghị cũng đồng ý sớm đưa cơ chế đa phương hóa Sáng kiến Chiang Mai với quy mô vốn 120 tỷ USD vào thực hiện; đồng thời kêu gọi các nước phát triển phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các nước đang phát triển nhằm khôi phục và bảo đảm hoạt động của thị trường tài chính và kêu gọi cộng đồng quốc tế nhanh chóng tìm biện pháp cải tổ hệ thống tài chính toàn cầu, trong đó chú trọng hơn tới vai trò và tiếng nói của các nước đang phát triển.
 
Cũng tại Hội nghị cấp cao lần này, nhiều văn kiện khác của ASEAN cũng đã được ký kết và thông qua như Hiệp định đầu tư toàn diện ASEAN, Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN, Hiệp định An ninh dầu khí ASEAN, Tuyên bố chung về thực hiện Mục tiêu thiên niên kỷ của ASEAN, Tuyên bố ASEAN về an ninh lương thực, Hiệp định thành lập Khu vực mậu dịch tự do ASEAN- Australia - New Zealand.
 
Bên lề Hội nghị cấp cao ASEAN-14, lãnh đạo cấp cao các nước ASEAN đã gặp và đối thoại với các đại diện của Liên minh Nghị viện ASEAN, Hội đồng Kinh doanh ASEAN, thanh niên ASEAN. Các nhà lãnh đạo ASEAN đã đánh giá cao khuyến nghị về tăng cường trao đổi, phối hợp với các đại diện trong việc hoạch định chính sách của ASEAN, khuyến khích các tổ chức này có những đóng góp tích cực và hiệu quả hơn nữa cho ASEAN trong thời gian tới, nhất là đóng góp vào tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN trên cơ sở các mục tiêu và nguyên tắc của Hiến chương ASEAN.
 
Trong các phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đánh giá ý nghĩa của Hiến chương, nhấn mạnh đoàn kết ASEAN là một trong những yếu tố then chốt giúp ASEAN bảo đảm liên kết nội khối thành công, tiến tới hoàn thành xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015 vì hòa bình, ổn định và phát triển khu vực.
 
Để đối phó hiệu quả với khủng hoảng tài chính toàn cầu, Thủ tướng nhấn mạnh cần phải có những biện pháp mạnh bạo và đồng bộ ở cấp độ từng nước cũng như khu vực và quốc tế. Theo đó, một mặt, từng nước ASEAN cần tiếp tục đẩy mạnh củng cố thiết chế tài chính-ngân hàng của mình, tăng cường tính an toàn của hệ thống tài chính, củng cố niềm tin của giới đầu tư, kinh doanh. Mặt khác, ASEAN cần tăng cường phối hợp chính sách tài chính-tiền tệ trong nội bộ ASEAN và với các nước có nền kinh tế quy mô lớn, vững mạnh và dự trữ ngoại tệ dồi dào trong khu vực như Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.
 
Thủ tướng đã chia sẻ với các nước kinh nghiệm ứng phó với tác động của khủng hoảng và giải quyết các vấn đề an sinh xã hội, nhất là về hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, thất nghiệp, lao động di cư... Về an ninh lương thực, Thủ tướng cho rằng cần đẩy mạnh hợp tác ASEAN trên cơ sở Hiệp định khung tổng thể, Chiến lược hành động an ninh lương thực ASEAN giai đoạn 2009-2013 và xem xét khả năng lập Quỹ dự phòng về an ninh lương thực khu vực.
 
Ngay trước thềm Hội nghị cấp cao ASEAN-14, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm cũng đã tham dự Hội nghị không chính thức Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và cuộc họp của Hội đồng Điều phối ASEAN nhằm chuẩn bị cho Hội nghị cấp cao và bàn về các vấn đề cấp bách thúc đẩy hợp tác nội khối ASEAN, nhất là sau khi Hiến chương ASEAN chính thức có hiệu lực.
 
Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng cũng tham gia cuộc họp của các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN, Hội đồng Kinh tế ASEAN và thay mặt Chính phủ Việt Nam tiếp nhận các văn kiện chính thức của Australia và New Zealand công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường đầy đủ.
 
Chiều cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng Đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Việt Nam đã rời Hua Hin, kết thúc tốt đẹp chuyến tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 14./.
 
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục