Hội nghị ASEAN 22: Tăng cường hội nhập khu vực

Theo kế hoạch, Hội nghị thượng đỉnh ASEAN 22, khai mạc tại Brunei ngày 24/4 tới, sẽ tập trung vào sự liên kết và hội nhập khu vực.
Theo kế hoạch, Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 22 của Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN), khai mạc tại Bandar Seri Begawan, Brunei ngày 24/4 tới, sẽ tập trung vào sự liên kết và hội nhập khu vực, với chủ đề “Người dân của chúng ta - Tương lai của chúng ta.”

Ngoài kế hoạch xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) vào năm 2015, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) - kết quả chính của phiên họp thượng đỉnh Đông Á lần thứ 7 ở Campuchia hồi tháng 11/2012, dự kiến sẽ nằm trong chương trình nghị sự của phiên họp thượng đỉnh lần này, để "tăng tốc" các cuộc đàm phán giữa ASEAN và 6 đối tác của mình (sẽ được khởi động vào tháng Năm tới và kết thúc vào cuối năm 2015).

Dự kiến, giai đoạn đầu, RCEP gồm toàn bộ 10 quốc gia thành viên ASEAN (Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam) cùng sáu nước khác mà ASEAN đã hoàn tất hiệp định thương mại tự do (FTA), đó là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia và New Zealand. Nhóm này có hơn 3 tỷ dân, với tổng GDP đạt khoảng 20.000 tỷ USD, và chiếm 40% thương mại toàn cầu.

Các nhà lãnh đạo ASEAN đã phải dùng đến kế hoạch "gia nhập mở," cho phép các thành viên khác tham gia với điều kiện là tuân thủ các quy định của RCEP. RCEP xây dựng một cơ chế nêu bật vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc kinh tế khu vực mới nổi và cố gắng điều hoà những khác biệt trong những FTA khác nhau của ASEAN. RCEP cũng nỗ lực thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực, giảm dần thuế quan và các rào cản phi thuế quan, tăng cường kết nối về thể chế và cơ sở hạ tầng, đảm bảo tuân thủ các quy tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Các quan chức thương mại của ASEAN cho biết, RCEP được kỳ vọng sẽ đề cập đến việc trao đổi hàng hoá/dịch vụ, đầu tư, hợp tác kinh tế/kỹ thuật, bản quyền, chính sách cạnh tranh, giải quyết tranh chấp. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, RCEP phải trả lời hai câu hỏi lớn, đó là nó mang lại gì cho các nước thành viên, và làm thế nào để đối xử với Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) như một đối tác cộng sinh.

Murray Hiebert, một quan chức thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế (có trụ sở ở Wasington) nhận định: TPP đòi hỏi sự tự do hoá sâu hơn từ các nước thành viên. Không giống như RCEP, TPP có các điều khoản bảo vệ luật lao động, môi trường và bản quyền tác giả, cải cách doanh nghiệp quốc doanh và "mạnh tay" bãi bỏ thuế quan. Hơn nữa, TPP sẽ không cho phép tạo ra các ngành công nghiệp nhạy cảm. Bởi vậy, giới quan sát cho rằng các tiêu chuẩn cao của nó "can ngăn" các nước đang phát triển gia nhập khối.

Các quy định trong RCEP bảo vệ các ngành công nghiệp nhạy cảm khỏi bị thua thiệt khi bị cạnh tranh mạnh. Điểm này khiến RCEP trở nên hấp dẫn hơn đối với các nước kém phát triển hơn. Ngoài ra, RCEP nhấn mạnh vai trò trung tâm của ASEAN, khác hoàn toàn với TPP, nơi các đối tác bình đẳng về mặt kỹ thuật. Sanchita Basu Das, chuyên gia nghiên cứu tại Trung tâm nghiên cứu ASEAN (Singapore), nhận định: RCEP dựa trên cơ sở điều chỉnh, linh hoạt và có "độ trễ" để đáp ứng các yêu cầu.

Trong bối cảnh phải đối mặt với những trận gió ngược, châu Á vẫn "cầm cương" 2/3 sức tăng trưởng của thế giới trong 5 năm qua, kể từ khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu bùng phát. Năm 2012, ASEAN đã thu hút được sự chú ý của cộng đồng quốc tế khi đứng ở mức trên trung bình về GDP, tiêu dùng, đầu tư và tăng trưởng xuất khẩu. Mới đây, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo khu vực này tiếp tục tăng trưởng mạnh trong năm 2013./.

Hương Giang (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục