Hội nghị ASEAN+3 về ngăn chặn cúm H1N1

Sáng nay 8/5, cuộc họp đặc biệt Hội nghị bộ trưởng Y tế ASEAN+3 đã chính thức diễn ra tại thủ đô Bangkok của Thái Lan, tập trung bàn về chiến lược ứng phó, kiểm soát và ngăn chặn dịch cúm A/H1N1 trong khu vực.

Sáng nay 8/5, cuộc họp đặc biệt Hội nghị bộ trưởng Y tế ASEAN+3 đã chính thức diễn ra tại thủ đô Bangkok của Thái Lan, tập trung bàn về chiến lược ứng phó, kiểm soát và ngăn chặn dịch cúm A/H1N1 trong khu vực.
 
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Thái Lan Abhisit Vejjajiva đánh giá cao sự hợp tác ASEAN+3 trong việc cùng giải quyết các vấn đề của khu vực, trong đó có dịch SARS và cúm gia cầm.
 
Thái Lan ủng hộ 5 giải pháp ngăn chặn dịch cúm A/H1N1 được đưa ra tại Hội nghị, bao gồm việc thiết lập một mạng lưới cập nhật thông tin dịch bệnh, triển khai các đội phản ứng nhanh quốc tế tại các đường biên giới, hợp tác trong hệ thống phòng thí nghiệm, thành lập hệ thống sơ tán người dân khỏi vùng dịch và hợp tác trong nghiên cứu và phát triển thuốc chữa bệnh.
 
Thủ tướng Thái Lan cho rằng việc thúc đẩy nghiên cứu và sản xuất vắcxin, thuốc kháng virus gây cúm, mở rộng và chia sẻ kho thuốc dự trữ là hết sức cần thiết nhằm đảm bảo rằng tất cả mọi người dân trong khu vực có thể tiếp cận kịp thời nguồn thuốc nếu cần.
 
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Y tế nước ta Nguyễn Quốc Triệu nhấn mạnh phải tăng cường sự phối hợp giữa các nước trong việc kiểm soát, giám sát, phát hiện và cách ly sớm mầm bệnh, tích cực ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh thông qua kiểm soát đầu vào, nhất là tại các cửa khẩu biên giới mà không làm ảnh hưởng nhiều tới hoạt động thương mại và du lịch. Các nước còn có thể hỗ trợ nhau về trang thiết bị như máy đo thân nhiệt, đẩy mạnh chuyển giao công nghệ và thuốc phòng chống dịch bệnh.
 
Bộ trưởng cho biết ngoài việc chia sẻ kinh nghiệm và cập nhật thông tin, Việt Nam đã tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, đầu tư mua thêm máy móc thiết bị mới, trang bị thêm xe cứu thương mới phục vụ công tác phát hiện sớm bệnh dịch, chú trọng xây dựng kho thuốc dự trữ quốc gia, đồng thời cùng phối hợp với các nước trong nỗ lực lập kho thuốc dự phòng chung của khu vực.
 
Theo Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu, kho thuốc dự phòng của nước ta hiện có 880.000 liều và Việt Nam có đủ nguồn nguyên liệu để sản xuất thêm 20 triệu liều khi cần.
 
Người phát ngôn Bộ Y tế Thái Lan Suphan Srithamma cho biết quan chức y tế đã nhất trí nâng dự trữ khẩn cấp thuốc Oseltamivir (còn gọi là Tamiflu) của khu vực để đảm bảo đủ khả năng đối phó sự lan tràn của virus cúm A/H1N1. Hội nghị cũng thừa nhận sự cần thiết tiến hành nghiên cứu về gien và các đặc điểm của virus cúm A/H1N1.
 
Trong ngày hôm nay, các bộ trưởng Y tế sẽ thảo luận sâu thêm về nguồn kinh phí phục vụ nghiên cứu và sản xuất vắcxin phòng cúm, thảo luận việc thúc đẩy một hiệp định chống cúm A/H1N1, trong đó tập trung vào vấn đề đi lại quốc tế, theo dõi phát hiện bệnh và các biện pháp giảm thiểu nguy cơ bùng phát cúm ở khu vực.
 
Dự kiến chiều nay, các đại biểu sẽ thông qua dự thảo tuyên bố của Hội nghị Bộ trưởng Y tế ASEAN+3, trong đó cam kết sự hợp tác của các nước trong nỗ lực phòng chống cúm A/H1N1. Theo đó, các quốc gia châu Á sẽ tăng cường kho thuốc để đối phó với dịch cúm, đồng thời tìm kiếm các giải pháp chia sẻ nguồn cung cấp.
 
Việc tiếp cận được nguồn vắcxin phòng chống hiệu quả cúm A/H1N1 là một vấn đề lớn và hết sức cần thiết đối với châu Á, bởi đây là khu vực tập trung tới 1/3 dân số thế giới trong khi 90% việc sản xuất vắcxin cúm của toàn thế giới lại tập trung ở châu Âu và Mỹ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục